Giữ gìn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ

Đờn ca tài tử (ĐCTT) ra đời vào cuối thế kỷ 19, xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, phản ánh suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của những người dân mở đất phương nam. Với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở, bình dị mà nghĩa hiệp, can trường, hoạt động văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đất sông nước miệt vườn này đã trở thành cốt cách của người Nam Bộ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ĐCTT vẫn tồn tại và phát triển, gắn bó mật thiết trong đời sống người dân Nam Bộ nói chung và Hậu Giang nói riêng.

Buổi sinh hoạt CLB đờn ca tài tử của Trung tâm văn hóa tỉnh Hậu Giang.

Buổi sinh hoạt CLB đờn ca tài tử của Trung tâm văn hóa tỉnh Hậu Giang.

Tuy không phải là “cái nôi” ĐCTT, được thừa hưởng từ những nghệ nhân nổi tiếng một thời như nghệ nhân Sáu Lầu (Cao Văn Lầu) ở Bạc Liêu hay Lê Quang Đại ở Long An… nhưng Hậu Giang được đánh giá là một trong 21 tỉnh, thành phố phía nam có phong trào ĐCTT phát triển khá tốt, nhờ những con người đam mê ĐCTT trao truyền cho thế hệ sau. Tiêu biểu như nghệ nhân Chín Quý (Lê Thanh Quý ở thị xã Ngã Bảy) chơi thông thạo hơn 10 loại nhạc cụ khác nhau. Đặc biệt là ông còn cải tiến từ cây đàn độc huyền (hay còn gọi là đàn bầu) thành cây ngũ âm huyền. Không những vậy, ông còn sáng chế thêm cây đàn sến - kết hợp từ đàn măng-đô-lin và trống nhạc lễ; cây đàn hạ uy di tiểu; đàn ghi-ta có thể cắm USB phát nhạc và nghe ra-đi-ô… Hay như nghệ nhân đàn kiềm Năm Tổng (Đoàn Văn Tổng ở thị xã Long Mỹ), năm nay đã 82 tuổi nhưng “máu nghề”, niềm đam mê vẫn còn đong đầy. Ông kể rằng, năm 14 tuổi theo học đàn, đến năm 16 tuổi bắt đầu đi theo đoàn, nhóm đàn hát phục vụ bà con. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt, điều kiện vô vàn khó khăn nhưng anh em vẫn tổ chức đàn ca ở mọi lúc, mọi nơi, thậm chí ra giữa đồng, một lòng cùng bà con bám đất, giữ làng...

Bây giờ, có nhiều loại hình giải trí, nhưng phong trào ĐCTT vẫn được lưu truyền, góp mặt trong các buổi sinh hoạt vui chơi ở khu du lịch sinh thái, lễ hội, đám cưới, đám giỗ, sinh nhật, họp mặt…, nhất là hình thức sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT khá phổ biến. Anh Nguyễn Thanh Triều, Chủ nhiệm CLB ĐCTT của Trung tâm văn hóa tỉnh Hậu Giang cho biết: “CLB mở ra là nhằm tạo sân chơi cho những ai yêu thích ĐCTT, vừa luyện tập vừa hướng dẫn thành viên còn yếu, hát chưa chuẩn, từng bước rành hết các bài bản trong ĐCTT”. Cũng với ý nghĩa này, nhiều CLB còn lồng ghép nhiều nội dung sinh động, thiết thực. Như CLB ĐCTT "Hát cho ngày mai" ở ấp Bình Thạnh B, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ. Hôm chúng tôi đến dự buổi sinh hoạt có khá đông người, bởi có thêm khách mời đến từ các CLB ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Theo chị Võ Thị Thu, Chủ nhiệm CLB ĐCTT Bông Sen (ấp 7, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ), thỉnh thoảng chị cũng tham gia sinh hoạt ở đây, ngoài ý nghĩa được giao lưu, mà còn học tập cách tổ chức, cách khơi gợi để CLB thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều người. Qua đó, sẽ tạo sự phong phú, mới lạ cho buổi sinh hoạt ở CLB mình.

Chủ nhiệm CLB ĐCTT “Hát cho ngày mai” Nguyễn Thị Nghiêm cho biết: “CLB hiện có gần 20 thành viên, sinh hoạt đều đặn vào tối thứ bảy hằng tuần, mỗi buổi sinh hoạt khoảng hai giờ, đôi khi ngẫu hứng thì kéo dài hơn một chút. Về ý nghĩa tên của CLB là mong muốn, hy vọng vun bồi và thắp thêm tình yêu nghệ thuật, để mọi người cùng hướng đến một ngày mai với nhiều niềm vui”. Trong không gian đơn giản, chỉ cần mi-crô, dàn âm ly và cây đàn ghi-ta phím lõm nhưng điều chúng tôi cảm nhận được là mọi người ở đây luôn tôn trọng, quý mến, học hỏi nhau về tài nghệ, văn hóa ứng xử, đạo đức. Bởi họ đến tham gia không chỉ để thỏa niềm đam mê ca hát, mà còn chia sẻ về công việc gia đình, kinh nghiệm trong sản xuất, truyền cho nhau những bài thuốc hay để cải thiện sức khỏe... Ngoài ra, các thành viên trong CLB này còn tổ chức hùn vốn xoay vòng để chia sẻ, trang trải những lúc khó khăn đột xuất. Chính sự chân thành đã dần kết nối và thắt chặt tình cảm của những người tham gia, góp phần gắn kết cộng đồng xã hội, cùng chăm lo cuộc sống tốt hơn.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hậu Giang Dương Thanh Tùng: Hậu Giang hiện có hơn 300 CLB ĐCTT thu hút hàng nghìn thành viên tham gia, trong đó có 100 CLB hoàn chỉnh vì có từ ba loại nhạc cụ trở lên, còn lại mỗi CLB chỉ có một hoặc hai loại nhạc cụ. Hằng năm, Hậu Giang duy trì việc tổ chức liên hoan ĐCTT giữa các câu lạc bộ trong tỉnh và tham gia các cuộc thi trong khu vực, nhằm giữ gìn, tôn vinh, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này. Qua đó, cũng góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, từng bước nâng cao giá trị của nghệ thuật ĐCTT gắn với nét sinh hoạt ở cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho phong trào cũng được chú trọng, nhằm đưa ĐCTT thành mục tiêu trọng điểm của công tác văn hóa, thể thao và du lịch hằng năm; đưa chỉ tiêu về ĐCTT bổ sung vào chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng khu dân cư, từng bước làm cho nghệ thuật ĐCTT thấm sâu vào nét sinh hoạt hằng ngày của người dân Nam Bộ nói chung và Hậu Giang nói riêng.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT hiện nay gặp không ít khó khăn, đó là nghệ nhân nòng cốt phần nhiều đã lớn tuổi, việc truyền dạy cho thế hệ trẻ chưa nhiều, nhất là nghệ nhân đàn. Các CLB ĐCTT hầu hết tự thân vận động là chính, cho nên không ít CLB đang gặp nhiều khó khăn trong duy trì sinh hoạt. Trong khi nguồn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng kịp thời, công tác vận động xã hội hóa còn hạn chế…

Nhằm tiếp tục khẳng định giá trị của ĐCTT, loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020”.

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hậu Giang Dương Thanh Tùng chia sẻ: Trong đề án của tỉnh có đề ra những việc làm, giải pháp thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, cái cốt lõi ở đây là ĐCTT không chỉ là những bài bản cổ mang tính hoài niệm mà còn là phương tiện phản ánh hơi thở của cuộc sống. Do đó, Hậu Giang đặc biệt chú trọng việc vừa bảo tồn những bài bản cổ, vừa khuyến khích sáng tác lời mới về vùng đất Hậu Giang cho nhạc tài tử. Một khi có bài hay, người đàn, hát thể hiện tốt thì những ai yêu thích sẽ tự động tìm đến. Song song đó, thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ và nghệ nhân có điều kiện giao lưu, học hỏi, trau dồi kỹ năng, từng bước nâng cao chất lượng của phong trào ĐCTT tại các địa phương; phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, du khách trong và ngoài nước khi đến vùng đất Hậu Giang.

Bài, ảnh: PHÙNG DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/32750002-giu-gin-va-phat-huy-nghe-thuat-don-ca-tai-tu-nam-bo.html