Giữ gìn và phát huy giá trị làng rèn Đa Sỹ

Hình thành từ cách đây hàng trăm năm, làng nghề Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) vẫn duy trì và phát triển được nghề truyền thống, nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức để phát triển.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc. (Ảnh: Huy Hoàng)

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc. (Ảnh: Huy Hoàng)

Theo sử sách ghi lại, làng Đa Sỹ còn có các tên gọi là làng Sẽ, Đan Khê, Huyền Khê, Đan Sỹ. Từ giữa thế kỷ thứ 18, làng có tên là làng Đa Sỹ. Theo lưu truyền của dân gian, nghề rèn ở đây có từ lâu đời, chuyên rèn vũ khí và nông cụ sản xuất, nhưng phải tới thời nhà Trần, đầu thế kỷ 13, mới chính thức trở thành làng rèn khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần từ Thanh Hóa ra đây truyền dạy những bí quyết để nghề rèn phát triển.

Làng rèn Đa Sỹ đã được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là một trong những làng nghề tiêu biểu của Việt Nam. Nhiều hộ gia đình trong làng vẫn theo đuổi nghề truyền thống của ông cha. Và cứ vào ngày 27 tháng 3 và 25 tháng 8 âm lịch hằng năm là ngày mất của hai cụ tổ nghề Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần, người dân làng Đa Sỹ lại tổ chức lễ giỗ Tổ nghề trang nghiêm, thành kính tưởng nhớ những người có công khai nghiệp cho dân làng có được cuộc sống thanh bình, ấm no.

Nỗi lòng người làm nghề

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề rèn ở làng. Theo gia phả dòng họ ghi lại, ông là đời thứ ba tiếp nối nghề rèn của gia đình. Ông Mộc năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng hằng ngày ông vẫn gắn bó với cái búa, cái đe cùng những tiếng đập chan chát.

Vừa thoăn thoắt mài lưỡi dao, ông Mộc vừa chia sẻ: “Làng này có truyền thống rèn từ cả nghìn năm trước. Cả làng cùng làm thì thành nghề thôi. Từ ông tôi, bố tôi rồi giờ đến con tôi cũng làm nghề rèn. Dù là con nhà nòi nhưng phải đến năm 18 tuổi, tôi mới được rèn con dao đầu tiên. Vì ở độ tuổi ấy, người ta mới đủ sức khỏe để chịu được sự vất vả. Tuy nhiên, để trở thành một thợ giỏi đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Tích lũy những kinh nghiệm từ bố, cộng với sự chịu khó, đến năm 22 tuổi ông Mộc mới trở thành một thợ rèn lành nghề”.

Không chỉ nổi tiếng về nghề rèn, Đa Sỹ cũng là vùng đất văn hiến với nhiều vị khoa bảng đỗ đạt và làm quan trong các triều đình, và cũng vì thế mới có tên gọi Đa Sỹ, đến nay việc quan tâm học hành của thế hệ trẻ vẫn duy trì thành nếp làng.

Tuy nhiên, với nghề rèn thì lại khác, khi chúng tôi hỏi đến việc giữ gìn, truyền nghề và tiếp nối nghề ông cha của thế hệ trẻ hiện nay, ông Nguyễn Văn Mộc tỏ ra khá lo lắng: “Hiện nay, thời thế thay đổi, thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề rèn nữa vì thế mà cũng buồn, giọng ông trầm hẳn. Cũng khó trách giới trẻ, bởi hiện tại nghề rèn thu nhập không mấy dư dả. Nếu có cơ sở rèn lớn thì buôn nhiều sẽ có lãi nhiều, còn rèn theo gia đình thì chỉ đủ ăn tiêu thôi”.

Khi cầm trên tay những con dao, cái kéo đủ kích cỡ, chủng loại dành riêng cho từng mục đích sử dụng, ít người biết được rằng chỉ với nguyên liệu phổ biến là thép và gỗ (để làm cán), những người thợ rèn Ða Sỹ đã phải thực hiện nhiều công đoạn gia công, vận dụng sức khỏe, kinh nghiệm và sự khéo léo để tạo ra được một sản phẩm hoàn hảo.

Ðầu tiên là cắt phôi, sau đó cho lên lò nung với nhiệt độ gần 1.000 độ C, thời gian nung tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu thép và độ dày mỏng của sản phẩm. Phôi thép nung đến khi chuyển sang mầu đỏ trắng, hai người thợ sẽ tiến hành rèn, một người cầm búa nhỏ gõ nhịp dẫn và một người dùng búa to nặng để quai; việc này phải có sự kết hợp nhịp nhàng, ăn ý, nếu không sẽ hỏng sản phẩm và gây nguy hiểm cho người khác.

Tiếp đó, đến công đoạn gọt bỏ những phần sắt thừa để tạo thành hình dáng hoàn chỉnh của sản phẩm, rồi cho vào lò nung lại và “tôi” qua nước muối hoặc dầu hỏa để lấy mầu. Cầu kỳ nhất là gọt cánh, người thợ phải gọt khéo, đều tay xuôi theo chiều lưỡi dao nghiêng 45 độ để lưỡi dao hay lưỡi kéo có độ mỏng đều nhau, tạo được độ sắc.

Cuối cùng là các công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, như: mài nước, gạt mầu, đánh phớt bóng, tra cán... thường được phụ nữ, người cao tuổi và các em nhỏ đảm nhận. Nhìn vào toàn bộ quá trình làm ra một sản phẩm, có thể thấy gần như tất cả “nhân lực” trong gia đình đều được huy động và phân công rất phù hợp sức khỏe, tuổi tác. Có lẽ vì vậy mà người dân Ða Sỹ gắn bó với nghề rèn ngay từ khi còn nhỏ đến tận lúc không còn đủ sức làm việc.

Một cửa hàng ở làng Ða Sỹ.

Để nghề ngày một “vươn cao”

Nhắc lại quãng thời gian khó khăn nhất đã lùi vào dĩ vãng, ông Mộc cho biết: “Trước đây, thời chiến tranh, bao cấp, tìm mua được nguyên vật liệu thép, than, khó khăn lắm, cho nên người làm rèn phải tự đi kiếm. Để mua được nguyên liệu chúng tôi phải mày mò lên tận các ga tàu hỏa mua than thải, sắt thì được nhặt nhạnh từ các thanh sắt gãy. Hồi đó, mỗi ngày cả gia đình tôi chỉ làm được 3 đến 4 con dao, cái kéo... Sau này, cơ chế mở rộng hơn, có đủ nguyên vật liệu, những vật dụng được rèn đều và đẹp hơn, bền hơn”.

Hiện tại, công việc làm ăn của gia đình ông Mộc đã ổn định. Thương hiệu sản phẩm của ông, chủ yếu là dao kéo mở rộng đến các tỉnh ở phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Trên đó đều được khắc chữ “Mộc Hiếu”.

So với các sản phẩm của Thái Lan hay Trung Quốc thì dao của ông Mộc có ưu thế rõ rệt về độ sắc bén và bền do được làm thủ công. Ngày càng nhiều người biết đến sản phẩm của Đa Sỹ, đơn đặt hàng tấp nập đến.

Gia đình ông Mộc hiện có ba người làm và bán chủ yếu theo những đơn đặt hàng từ khách quen cũng như qua các trang mạng xã hội... Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất và buôn bán.

Sản phẩm ở Đa Sỹ như dao chẳng hạn, chuyên là loại dao chặt, dao thái thuốc nam, dao cắt nhựa tái chế... bằng nhíp ô-tô. Dao chặt, dao thái làm bằng nhíp ô-tô có độ bền rất lâu.

Dao thái thì sắc ngọt, dao chặt dùng để chặt xương không bao giờ bị mẻ nên giá thành cũng cao hơn so với dao làm bằng sắt, giá cả lại phải chăng.

Các loại dao thái thuốc, dao để cắt hạt nhựa, các hộ gia đình chủ yếu làm theo đơn đặt hàng. Có những đơn hàng khách đặt nhiều, các gia đình có khi phải làm quần quật cả tuần để kịp giao hàng, nhưng được cái thu nhập cũng khá.

Trong khi các mặt hàng dao, kéo nước ngoài tràn ngập thị trường Việt Nam thì dao kéo của Đa Sỹ vẫn được ưa chuộng và có sức cạnh tranh tốt nhờ kỹ thuật làm thủ công lâu đời.

Để cho ra đời một con dao hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng phải trải qua hàng loạt khâu, nào chọn sắt, chặt sắt cho vào lò rèn, nung nóng, đập nguội, tạo dáng dao, đến những khâu cuối như làm chuôi dao, tra cán, mài và khắc chữ lên thân dao. Công đoạn khó nhất có thể kể đến là mài, trong lúc mài dao phải luôn luôn tập trung, nếu sơ sẩy sẽ bị dao “ăn” vào tay.

Theo ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ cho biết, hiện nay, làng nghề truyền thống Đa Sỹ có hơn 1.000 hộ gia đình đang duy trì nghề rèn. Trong số đó có khoảng 70% số hộ làm rèn thủ công, 30% số hộ đã đưa máy móc vào sản xuất.

Tuy nhiên, cũng theo ông Chính, dao, kéo làm bằng máy có thể sản xuất nhanh, đại trà, ít tốn công sức, nhưng không thể tốt như dao, kéo làm thủ công. Bởi các công đoạn làm ra một sản phẩm dao, kéo ở Đa Sỹ đều dựa trên kinh nghiệm và bí quyết riêng của từng gia đình.

Nghề rèn vất vả, nặng nhọc, dễ xảy ra tai nạn lao động nhưng khi đã theo nghề thì ham lắm, không bỏ được. Bây giờ đất chật, người đông, các hộ làm rèn ngay trong khuôn viên nhà mình sẽ bị ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tiếng ồn, khói bụi đến các hộ ở chung quanh.

Thành phố Hà Nội đã quy hoạch đất cho làng rèn Đa Sỹ để các hộ làm rèn chuyển lò, xưởng ra phía ngoài làng, nhưng chờ đợi nhiều năm nay vẫn chưa được giao đất. Chỉ mong dự án sớm được triển khai để người dân làng rèn bảo tồn, phát triển mãi nghề truyền thống của cha ông để lại…

UBND phường Kiến Hưng đã báo cáo, đề xuất với UBND quận Hà Đông để dành hơn 13ha quy hoạch xây dựng điểm làng nghề. Về việc này, quận đã báo cáo với thành phố lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng hạ tầng và đang triển khai các bước để làm dự án. Dự án triển khai được 10 năm nhưng do một số người dân chưa đồng thuận bàn giao giải phóng mặt bằng. Trong thời gian tới, để điểm làng nghề truyền thống Đa Sỹ sớm đi vào hoạt động thì lãnh đạo phường và quận phấn đấu sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án…

MINH NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-lam-an/giu-gin-va-phat-huy-gia-tri-lang-ren-da-sy-678105/