Giữ gìn và bảo tồn các di sản văn hóa

Thông qua những hoạt động nghiên cứu, các di sản văn hóa trên địa bàn Quảng Ninh đã được nhận diện đầy đủ, chính xác. Việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các di sản văn hóa đã đóng góp tích cực vào công tác gìn giữ, bảo tồn và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mặt bằng tổng thể chùa Trung Tiết (xã An Sinh, TX Đông Triều) được quy hoạch lại đồng bộ, khang trang. Ảnh: Thanh Tùng (CTV)

Mặt bằng tổng thể chùa Trung Tiết (xã An Sinh, TX Đông Triều) được quy hoạch lại đồng bộ, khang trang. Ảnh: Thanh Tùng (CTV)

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 613 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó có 5 khu di tích quốc gia đặc biệt, 53 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 82 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 473 di tích kiểm kê, phân loại. Căn cứ vào các giá trị được đánh giá, giai đoạn 2009-2018, đã có 52 di tích được xếp các cấp (5 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 7 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 40 di tích xếp hạng cấp tỉnh).

Để quản lý hệ thống di tích trên, phù hợp với chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã ban hành quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa. Từ đó, tăng cường trách nhiệm của từng cấp, ngành, đơn vị; phân định rõ giữa vai trò quản lý nhà nước và quản lý trực tiếp, tạo thuận lợi cho công tác quản lý. Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, tỉnh cũng chủ động huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa đặc thù, gắn kết với tuyến du lịch văn hóa, du lịch về cội nguồn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện nghi lễ đọc chúc văn khai hội Thái Miếu nhà Trần. Ảnh: Phan Hằng

Có thể kể đến như quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại TX Đông Triều gồm 14 di tích trải rộng tại các xã An Sinh, Tràng An, Thủy An, Bình Khê, với nhiều điểm đến nổi tiếng như: Đền An Sinh, chùa Quỳnh Lâm, am Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên, Thái Miếu... ghi nhiều dấu ấn vô giá về giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc của triều đại nhà Trần - một trong những triều đại rực rỡ nhất của lịch sử dân tộc. Vì vậy, công tác gìn giữ, bảo tồn đã được TX Đông Triều quan tâm đặc biệt bằng nhiều việc làm thiết thực, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tới các thôn, khu trên địa bàn; vận động nhân dân tham gia gìn giữ và bảo vệ các di sản; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học để lập hồ sơ quản lý nhằm bảo tồn giá trị di tích theo đúng quy định của pháp luật...

Thái Miếu hiện đã được trùng tu, tôn tạo hoàn thiện và chính thức khánh thành giai đoạn 1 với nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách và nguồn xã hội hóa trị giá khoảng 70 tỷ đồng, gồm: Nhà Thái Miếu và phần nội thất thờ tự; nhà khách, thủ từ, am hóa vàng, nhà quản lý, dịch vụ và các công trình phụ trợ... Thái Miếu được bố cục kiểu chữ Công, làm bằng gỗ nhóm I, mái lợp ngói mũi sen, nền lát gạch bát, chân tảng được chế tác bằng đá xanh nguyên khối. Hình thức kiến trúc, bài trí thờ tự được thiết kế phỏng dựng theo lối kiến trúc thời Trần. Đây là công trình có giá trị rất quan trọng trong quần thể di tích nhà Trần, góp phần vào việc phát triển của loại hình du lịch tâm linh trên địa bàn Đông Triều.

Phụ nữ các dân tộc của huyện Ba Chẽ thi nấu cơm gánh trong lễ hội đình Làng Dạ. Ảnh: Phạm Học

Hiện tại, văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh cũng được hồi sinh mạnh mẽ với 361 di sản đã được kiểm kê. Tỉnh Quảng Ninh tự hào khi có 4 di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghi lễ Then của người Tày ở Bình Liêu, hát nhà tơ (hát, múa cửa đình), lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên). Nhằm phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, Sở VH-TT đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các đề tài nghiên cứu phục dựng một số sinh hoạt văn hóa dân gian như: Hát then - đàn tính, soóng cọ, lễ hội đình Lục Nà (Bình Liêu), lễ cầu mùa của người Sán Chay (Tiên Yên)...

Thông qua nhiều chương trình, dự án liên quan đến công tác bảo tồn mà các di sản đã thoát khỏi nguy cơ bị mai một; công tác tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của di sản văn hóa cũng đã được tiến hành thường xuyên và liên tục, hướng tới nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ di sản văn hóa, để di sản văn hóa luôn được gìn giữ và tạo ra những giá trị mới…

Vân Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201904/giu-gin-va-bao-ton-cac-di-san-van-hoa-2438377/