Giữ gìn tục cúng thần Nông

Những người làm nông nghiệp luôn cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt... Từ đó đã hình thành nên tục cúng thần Nông - vị thần tương truyền là người đầu tiên đã dạy người dân trồng lúa, chế tạo cày bừa.

Gửi gắm những mong ước

Ở thôn An Hải, xã Bình Châu (Bình Sơn) có một ngôi miếu nhỏ, người dân địa phương gọi là miếu thần Nông. Tuy không xác định miếu có từ thời điểm nào, nhưng ngôi miếu đã đi sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây. Cụ Nguyễn Viên (88 tuổi) kể: Khi tôi còn nhỏ đã thấy ngôi miếu này. Ngày trước, miếu nằm trên gò đất rất cao. Trải qua thời gian chiến tranh, miếu bị hư hỏng, nên nhân dân đóng góp xây dựng lại vào năm 2015.

Miếu thờ thần Nông, ở thôn An Hải, xã Bình Châu (Bình Sơn) được người dân gìn giữ từ bao đời nay. Ảnh: TRUNG ÂN

Hằng năm, vào ngày 13.5 âm lịch, dân làng lại cùng nhau làm lễ cúng ở miếu. Nghi lễ cúng thần Nông diễn ra trang nghiêm, có đọc văn tế và diễn xướng của chiêng trống, nhạc. Nét độc đáo của lễ cúng thần Nông nơi đây là bên cạnh lễ cúng thần trong chánh điện, các cụ cao niên còn thực hiện lễ cúng âm hồn, cô hồn tại bàn thờ được đặt bên ngoài miếu. Đây là một lễ thức mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, vừa tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa đã qua, vừa gửi gắm ước nguyện cầu bình an, cầu cho mùa màng tươi tốt trong năm đến.

Lễ vật cúng thần Nông tùy vào điều kiện kinh tế của người dân, có gì cúng nấy, năm nào làm ăn khá giả thì cúng heo, còn bình thường thì cúng gà. Những lễ vật chính không thể thiếu là một mâm ngũ cốc (bắp, đậu phộng, mía, khoai lang, củ mì), hương, đèn, hoa quả, trầu cau, rượu, gạo, muối, vàng mã...

Tại thôn Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), lễ cúng thần Nông được người dân tổ chức vào ngày 16.3 âm lịch. Dinh thần Nông tọa lạc tại cánh đồng Gò Chùa, mặt dinh hướng về phía cánh đồng để bao quát tầm mắt đến những thửa lúa, thửa bắp xa tít.

Ở khu vực miền núi, tập tục thờ cúng thần Nông vẫn được người dân gìn giữ. Sau khi thu hoạch mùa màng, đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức thờ cúng thần Nông tại nương rẫy hoặc nhà văn hóa của làng, chứ không thờ ở dinh như ở đồng bằng. Tùy vào được mùa hay mất mùa mà lễ vật cúng nhiều hay ít. Lễ cúng ở miền núi có tên gọi là cúng thần Lúa hay gọi là Ngã Rạ.

Gắn kết cộng đồng

Trong sách Đại Nam nhất thống chí có nhắc đến đàn Tiên Nông (thuộc địa phận xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi hiện nay) thờ thần Tiên Nông được dựng năm Minh Mạng thứ 14. Nơi đó có hơn 3 mẫu ruộng tịch điền dành cho quan địa phương cấy tượng trưng vào dịp lễ đầu năm. Điều này đã nói lên rằng, ở những nơi thờ cúng thần Nông thì hoạt động nông nghiệp đã có từ lâu đời.

Trước đây, ở một số địa phương trong tỉnh thường tổ chức lễ Hạ điền và lễ Thượng điền. Lễ Hạ điền tổ chức vào đầu mùa mưa (tháng 4, 5 âm lịch), mang ý nghĩa là lễ xuống đồng. Lễ Thượng điền tiến hành vào cuối mùa mưa (tháng 11, 12 âm lịch), tạ ơn trời đất sau khi thu hoạch xong.

Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư cho biết: Tục thờ cúng thần Nông là một trong những tập tục dân gian gắn với tín ngưỡng, tính trọng nông của cư dân người Việt ngày xưa. Sự nghiêm cẩn của tập tục, sự trân trọng trong tâm thức và hành vi cùng thái độ ngưỡng vọng, khát vọng ấm no, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân lúa nước; đồng thời phản ánh tâm lý thờ các thần tự nhiên từ lúc sơ khai của dân tộc. Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ cúng thần Nông còn góp phần nâng cao tính cộng đồng, gắn kết những con người có cùng phương thức mưu sinh lại với nhau.

TRUNG ÂN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202105/giu-gin-tuc-cung-than-nong-3059465/