Giữ gìn tinh hoa gốm cổ Việt Nam

Năm nay 76 tuổi, nhưng Thú vui sưu tầm cổ vật, nhất là gốm cổ Việt Nam giúp ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội Cổ vật thành phố (trong ảnh) như trẻ hơn so với tuổi của mình. Trong bộ sưu tập của ông, có nhiều sản phẩm thuộc hàng tinh hoa gốm cổ Việt Nam.

Trong căn nhà ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, ông Quỳnh dành hẳn một căn phòng trưng bày gốm cổ Việt Nam. Những tác phẩm có bề dày hàng nghìn năm lịch sử cho thấy, sự phong phú của gốm cổ Việt Nam với những đặc trưng độc đáo qua các thời kỳ văn hóa cổ của Việt Nam như: Phùng Nguyên, Ðông Sơn đến các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn sang các nền văn hóa Sa Huỳnh, Ðồng Nai, Óc Eo, hay gốm Chu Ðậu, Bát Tràng…

Trước đây, ông Quỳnh cũng sưu tầm đồ sứ ký kiểu của các triều đại phong kiến Việt Nam đặt làm tại Cảnh Ðức Trấn (Giang Tây, Trung Hoa) nhưng qua giao lưu với các nhà sưu tập và xem các bảo tàng nước ngoài, ông nhận ra vẻ đẹp của gốm cổ Việt - một nét đẹp không trộn lẫn với bất kỳ loại gốm nào trên thế giới. Gốm Trung Hoa thường gắn với những điển cố, sự tích tứ linh (long, lân, quy, phụng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai), Bát tiên, Trúc Lâm thất hiền, Ðạp tuyết tầm mai… thể hiện tâm thế con người luôn muốn gắn kết với thế giới linh thiêng, huyền diệu. Gốm Việt lại rất bình dị, đậm nét tả thực, phản ánh đời sống hằng ngày của người Việt Nam xưa, với hoa văn trang trí, cách miêu tả giản dị, mộc mạc. Ðây là cách nhìn chân chất của người Việt xưa như bản thân cuộc sống chung quanh họ. Người thợ gốm Việt Nam xưa đã trải qua nhiều công đoạn để làm ra thạp, ấm trà, chén đĩa, bình vôi,… Các sản phẩm này thể hiện vẻ duyên dáng, thẩm mỹ từ tạo hình đến hoa văn, họa tiết, cho thấy khối óc sáng tạo cùng bàn tay khéo léo của người Việt xưa.

Chia sẻ với chúng tôi ông Quỳnh nhấn mạnh, gốm cổ Việt đã từng vang danh và được xuất đi nhiều nước trên thế giới trong gần ba thế kỷ (từ cuối thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 17). Ðó là dòng gốm Chu Ðậu (huyện Nam Sách, Hải Dương) tinh xảo, tuyệt mỹ. Với những hình ảnh thuần túy Việt Nam như tàu lá chuối, chim chích chòe, cá bống, cóc, rùa, hoa cúc, hoa sen… Hay dòng gốm hoa nâu được làm vào thời Lý - Trần dễ khiến người hôm nay dâng lên một cảm xúc khôn tả về những cổ vật ngót nghét nghìn năm tuổi, với cái đẹp chắc khỏe, dân dã, rất Việt Nam. Hoa văn thường là hoa sen, hoa súng, hoa cúc, hoa thị, hoa chanh hay cò, công, cá, tôm... rất gần gũi với thiên nhiên và con người Việt Nam. Chính vì vậy mà gốm cổ Việt Nam đã đi vào cuộc sống và chinh phục lòng người.

Trước đây, ông Quỳnh có thể coi là người "ngoại đạo" với giới sưu tầm cổ vật. Năm 1965, ông qua Ba Lan học về hàng hải. Năm 1970, ông về nước công tác tại Công ty vận tải biển Việt Nam. Chức vụ thuyền trưởng tàu viễn dương đã đưa ông đến nhiều nước, ông đã được tham quan nhiều bảo tàng. Có một lần đến An-giê-ri vào thăm bảo tàng của nước này, ông nhìn thấy bình vôi Việt Nam được họ trưng bày một cách trân trọng. Ðiều này đã "gieo" vào ông ý nghĩ cần giữ gìn, bảo tồn và tôn vinh để những cổ vật mà cha ông đã dày công làm ra mà trước nay mình còn xem nhẹ. Suy nghĩ này đã khiến ông "bén duyên" sưu tầm cổ vật nói chung và gốm cổ Việt Nam nói riêng từ đó. Về hưu năm 2006 thì trước đó năm 2004, ông đã cùng với những nhà sưu tập khác thành lập Câu lạc bộ Cổ vật Nam Bộ, sau đó nâng lên thành Hội Cổ vật TP Hồ Chí Minh với quyết định thành lập được UBND thành phố cấp ngày 9-9-2009. Ông Quỳnh đã nhận được sự tín nhiệm của anh, chị em hội viên giữ chức Chủ tịch hội từ ngày thành lập đến nay.

Vì lòng trân quý người xưa cho nên ông Quỳnh chỉ lưu giữ những cổ vật nguyên bản hoặc phục dựng sát với nguyên mẫu những cổ vật đã bị sứt mẻ đôi chỗ chính vì thế bộ sưu tập gốm cổ Việt Nam của ông khá chọn lọc. Ông muốn nhiều người cảm nhận được "hồn" của gốm cổ Việt ẩn chứa trong cốt đất, mầu men, nét vẽ… theo chiều kích thẩm mỹ của cha ông, những cư dân của nền văn minh lúa nước. Ông còn giữ nguyên bản một ấm hình con ngựa mầu men ngọc được làm tại làng gốm Bát Tràng vào đầu thời Lê với họa tiết sắc nét và mầu men tinh xảo trông còn rất mới như vừa được xuất xưởng. Ông đã phục dựng một chiếc đĩa gốm được làm vào thời Lê với hoa văn thể hiện những áng mây ở chung quanh, giữa lòng đĩa là cảnh núi non cây cỏ trập trùng, ẩn khuất là lầu tháp cùng các loài thú…

Nhìn thấy tình trạng "chảy máu" cổ vật ra nước ngoài, ông Quỳnh rất ưu tư, cố gắng cùng nhiều nhà sưu tập khác tìm cách sưu tầm, lưu giữ, bảo quản các cổ vật. Mới đây, ông cùng 26 nhà sưu tập thuộc Hội Cổ vật thành phố phối hợp Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm "Nét cũ dấu xưa", thể hiện tấm lòng trân quý của những nhà sưu tập với di sản.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38859902-giu-gin-tinh-hoa-gom-co-viet-nam.html