Giữ gìn Tiếng Việt

Tuy xuất phát điểm khác nhau, định cư ở nước ngoài vì những lý do khác nhau, nhưng bà con kiều bào đều chia sẻ mối quan tâm và có nguyện vọng tiếp tục củng cố, giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, đặc biệt là duy trì tiếng Việt. Bà con ngày càng ý thức rõ hơn tầm quan trọng của tiếng Việt đối với sự tồn tại, phát triển của mình, với tư cách là một cộng đồng sắc tộc có bản sắc văn hóa riêng trong lòng xã hội sở tại.

Lớp học tiếng Việt tại Ukraine.

Nhiều quốc gia đưa tiếng Việt vào giảng dạy

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, ở một số quốc gia, tiếng Việt được dạy chính thức trong nhà trường như một loại ngoại ngữ. Tại Australia, tiếng Việt được công nhận giảng dạy ở cấp tiểu học, trung học và đại học.

Ở Pháp, tiếng Việt được Bộ Giáo dục nước này công nhận trong các kỳ thi tú tài hoặc tuyển sinh vào đại học.

Còn ở Canada và Séc, Chính phủ thực hiện chính sách bảo tồn các ngôn ngữ cội nguồn trong một xã hội đa văn hóa thông qua các chương trình di sản ngôn ngữ cội nguồn, do đó trẻ em Việt Nam có thể học tiếng Việt theo chương trình chính quy.

Tại bang California (Hoa Kỳ), nơi có nhiều người Việt định cư, có hơn 50 cơ sở dạy tiếng Việt.

Tại thủ đô Berlin của Đức, Chính phủ cũng đang xem xét việc đưa tiếng Việt vào dạy như một ngoại ngữ thứ ba của học sinh trong các trường học.

Thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 300 cơ sở dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tập trung tại các nước có đông kiều bào như Lào, Campuchia, Thái Lan, Pháp, Đức, Nga, Séc, Ucraina, Canada, Mỹ…

Giáo viên chủ yếu là dạy tình nguyện cho con em trong cộng đồng. Nội dung, chương trình, học liệu chủ yếu do giáo viên tự biên soạn cho phù hợp với địa bàn.

Đối tượng học tiếng Việt cũng ngày càng đa dạng, không chỉ có trẻ em Việt kiều mà cả người lớn, các nhà sư…

Nhằm thúc đẩy phát triển tiếng Việt cho kiều bào, Bộ Ngoại giao nước ta thường xuyên chỉ đạo các cơ quan đại diện ở ngoài nước, phối hợp với các Hội Việt kiều tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của kiều bào về tầm quan trọng, lợi ích của việc học tiếng Việt; vận động ông bà, cha mẹ trong gia đình tạo điều kiện, khuyến khích con em tham gia học tiếng Việt; thường xuyên thông tin cho cộng đồng về các hoạt động hỗ trợ dạy học tiếng Việt được tổ chức ở trong nước.

Ông Lương Thanh Nghị- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại Giao) cho biết thêm, hàng năm, Bộ Ngoại giao hỗ trợ SGK, tài liệu phục vụ dạy và học tiếng Việt cho kiều bào theo đề nghị của các cơ quan đại diện Việt Nam và các Hội Việt kiều, các cơ sở dạy tiếng Việt tại các nước.

Trong hai năm 2015 và 2016, đã cấp khoảng 2.000 bộ sách học sinh, 1.000 đầu sách lẻ và hàng trăm bộ sách giáo viên cho kiều bào Campuchia; 23.616 cuốn SGK cho kiều bào tại Lào, 250 cuốn sách tiếng Việt và hơn 100 đầu sách truyện thiếu nhi cho New Zeland.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Ngoài những thuận lợi trên, việc dạy và học tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện còn gặp không ít khó khăn, như ở Thái Lan, Campuchia, tiếng Việt chưa được đưa vào nhà trường một cách chính thức, con em kiều bào chỉ được học trong những lớp học hè, học ngoài giờ do các Hội đoàn người Việt đứng ra tổ chức, có sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam và Bộ GD&ĐT Việt Nam về chương trình SGK.

Trong khi, các cơ sở dạy tiếng Việt hầu hết đều ở tình trạng thiếu SGK, tài liệu tham khảo dạy tiếng Việt, từ điển, băng đĩa…

Nhiều nơi đã sử dụng SGK tiếng Việt do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.

Những năm gần đây, một số nhà giáo, trí thức trong các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã tự biên soạn giáo trình để phục vụ cho việc dạy và học tiếng Việt ở nước sở tại.

“Những cuốn sách này nhìn chung chưa theo kịp sự phát triển của tiếng Việt trong nước, do người viết không có điều kiện cập nhật, ít nhiều hạn chế đến kết quả truyền bá tiếng Việt trong cộng đồng”- đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá.

Việc dạy và học tiếng Việt chủ yếu theo hình thức không chính quy, mang tính tự phát cả về nội dung, chương trình tài liệu, giáo viên, học viên, thời gian và phương thức dạy học chủ yếu là học mặt đối mặt và một phần học trên mạng qua các trang web.

Ở một số nước, các lớp học tiếng Việt do các hội, đoàn kiều bào kết hợp đứng ra tổ chức dạy cho con, em kiều bào chủ yếu học vào ngày cuối tuần, kỳ nghỉ hè hoặc kết hợp chuyến giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch do các hội, đoàn kiều bào và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Cũng theo ông Lương Thanh Nghị, do hoàn cảnh sinh sống, làm việc tại nước ngoài, tiếng Việt không phải là ngoại ngữ phổ biến nên học sinh đi học không đều, đối tượng không đồng nhất, nhiều nơi trong một lớp có người ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Về giáo viên, ít có nghiệp vụ sư phạm, không gắn bó lâu dài với nghề giáo, chủ yếu là giáo viện dạy tình nguyện với trình độ hạn chế. Tại một số nước như Hoa Kỳ, Úc, Canada…chưa có tổ chức người Việt nào đủ sức đứng ra tổ chức, góp phần hoặc gây ảnh hưởng đến phong trào học tiếng Việt.

Đa dạng hóa các phương thức thực hiện

Tại buổi Tọa đàm “Phối hợp hỗ trợ công tác dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” vừa được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng.

Về phía MTTQ Việt Nam, với vị trí, chức năng và nhiệm vụ của mình cùng các đoàn thể nhân dân sẽ đa dạng hóa các phương thức để tác động trong việc thúc đẩy công tác dạy và học tiếng Việt trong thời gian tới; tác động đến kiều bào ta ở nước ngoài, thông qua các các vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, thông qua các đại sứ quán, và nhất là thân nhân kiều bào nhằm tuyên truyền về tầm quan trọng và lợi ích của học tiếng Việt đối với thế hệ trẻ.

Để công tác dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài được hiệu quả hơn trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT đề ra một số nhiệm vụ như: xây dựng chương trình tiếng Việt theo khung quy định; nâng cấp bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt cho phù hợp với Chương trình Khung năng lực tiếng Việt; biên soạn một số tài liệu dạy tiếng cho trẻ em, hướng dẫn ông bà, cha mẹ dạy tiếng Việt cho con cháu.

Đặc biệt là tổ chức bồi dưỡng giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và xây dựng cổng thông tin dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Đại diện Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kiến nghị cần vận động mở lớp học tiếng Việt, thông tin đầy đủ và kịp thời về các chương trình, tài liệu hỗ trợ dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng; tiếp tục vận động chính quyền các nước sở tại hỗ trợ các cơ sở dạy tiếng Việt của kiều bào và từng bước đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục của nước bạn.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Bộ GDĐT triển khai Đề án nâng cao hiệu quả công tác dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Quốc Định

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-viet-xa-xu/giu-gin-tieng-viet-tintuc394920