Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Hiện tượng nói tiếng Việt pha lẫn tiếng Anh, cố tình nói và viết sai chính tả để… dễ thương hơn, sành điệu, thức thời… Hay việc biến tấu những tác phẩm văn học thành 'sản phẩm' mới nửa tây nửa ta… là những hiện tượng đang phổ biến tạo ra dư luận trái chiều.

Gần gây, phổ biến từ một đoạn tin nhắn trên mạng xã hội có nội dung “sáng tạo” lại bài thơ thất ngôn bát cú bằng cách dịch một số từ sang tiếng Anh. Nhiều người tỏ ra thích thú, tiếp tục hưởng ứng, “chế” thêm những bài thơ khác, vốn là những tác phẩm quen thuộc trong sách giáo khoa môn Ngữ văn. Điển hình là bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan được dịch lại: "Step coming đèo ngang, shadow xế tà - Grass tree chen lá, stone chen flower - Lom khom dưới mountain, tiều vài chú - Lác đác bên river, market mấy house". Các bạn còn lại thi nhau trổ trên các bài thơ của Nguyễn Khuyến, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu…

Một bạn vào bình luận: “Học kiểu này cũng dễ miss (nhớ) từ. Rất animal vị (animal = động vật = "thú" + vị thành thú vị). Tuy nhiên, cũng có người tỏ quan điểm khác: “Xen lẫn ngôn ngữ không chứng minh sự hiểu biết, mà đôi khi cho thấy sự khiếm khuyết ở cả 2 ngôn ngữ. Các bạn không nên chế biến từ ngữ trên những tác phẩm được xem là “hồn thơ” của dân tộc. Nhất là những bài thơ thất ngôn ngày xưa không chỉ hay về nội dung, mà còn thể hiện sự tài tình trong cách chọn lọc từ ngữ của tác giả, đặc biệt thể hiện trên mạng xã hội”.

Không ít giáo viên phải than thở vì việc chuyển nghĩa một số từ ngữ pha lẫn có thể là cách học hay nhưng cần áp dụng đúng chỗ. “Là một người có nhiệm vụ không chỉ dạy cho các em tác phẩm, cảm thụ văn chương, tôi còn phải giúp học sinh sử dụng vốn ngôn từ bằng tiếng Việt thể hiện sự cảm thụ đó một cách hay nhất. Tôi không phản đối cách học của các em để có thể nhớ từ vựng tiếng Anh theo cách đơn giản. Nhưng có rất nhiều câu nói hàng ngày, thay vì chế trên các tác phẩm văn học, nhất là của các thi hào, lãnh tụ. Một số bài thơ không dịch sát nghĩa, trái lại mượn tạm từ ngữ rất phản cảm làm mất đi ý nghĩa bài thơ và thiếu sự tôn trọng với tác giả” - cô Nguyệt Nga (giáo viên môn Ngữ văn, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) bày tỏ.

Còn bạn Huỳnh Kim Loan (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, bạn đang theo học khóa ngoại ngữ trực tuyến với giáo viên tại TP. Hồ Chí Minh suốt 3 năm nay. “Dù dạy ngoại ngữ, nhưng thầy luôn nhắc nhở người học chú trọng sử dụng tiếng Anh đúng ngữ cảnh, ngữ pháp. Việc nhớ từ vựng rất quan trọng, nhưng nếu dùng từ, chia thì, đặt đúng cú pháp thì việc học mới tiến bộ, chứ không phải chỉ pha lẫn khi nói chuyện cho sang. Vì quan trọng nhất vẫn là học để ứng dụng” - Kim Loan chia sẻ.

Chị Nguyễn Mỹ Nhân (giáo viên dạy Anh văn cho một trung tâm) cho biết, thời còn đại học, để tạo động lực học ngoại ngữ tốt hơn, ngoài xem phim, ca nhạc, nhóm bạn ở chung khu trọ rủ nhau sử dụng tiếng Anh nhiều nhất có thể. Tất nhiên là phải nói tròn một câu để vận dụng đúng ngữ pháp. Nhiều khi bí bách quá, không nhớ từ vựng hoặc quên cấu trúc, vẫn phải mượn từ tiếng Việt hoặc như các bạn hay đùa “nói tiếng Anh như tiếng Việt”.

Còn trong giao tiếp hàng ngày, cá nhân chị vẫn giữ quan điểm không nên lạm dụng cách nói chuyện pha lẫn các ngôn ngữ. Thực tế không chỉ riêng tiếng Anh, với ngoại ngữ nói chung, thậm chí cả ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số, có một số từ không thể dịch nghĩa ra tiếng Việt và ngược lại. Trong giao tiếp, một số từ ngoại ngữ mang tính chất chuyên ngành, phổ biến vẫn được chúng ta chấp nhận sử dụng. Một số trường hợp có thể gồm cả cách nói có từ viết tắt. Điển hình như nói: “khu công nghiệp xây bằng vốn ODA”, “mức độ tăng trưởng GDP”, “các doanh nghiệp FDI”, “có nhiều fan hâm mộ”, nhà lợp mái tole…

Bên cạnh cách phổ biến nói chuyện “nửa tây nửa ta”, nhiều người phải dở khóc dở cười trước ngôn ngữ của thế hệ Z (sinh năm 1997 - 2015) khi họ có cả một thế giới từ vựng riêng “thế giới phẳng”. Phổ biến là cách nói: “khum” (không), “goy” (rồi), “sonq” (xong), “chằm Zn” (“chằm kẽm” nghĩa là trầm cảm), “chếc gồi” (chết rồi).

Anh Phạm Văn An (phụ huynh có con học lớp 9) bày tỏ: “Khoan hãy chỉ trích các em, các cháu sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn. Bởi gần nhất là trở lại thế hệ 8X và 9X đời đầu, khi Yahoo còn phổ biến, sử dụng điện thoại bàn phím “cùi bắp” và sau này mọi người mới tập làm quen với Facebook. Ở thời điểm đó, cách giao tiếp được tối giản bằng viết tắt hoặc từ thay thế. Phụ huynh chúng ta đã từng than rằng không hiểu con cái đang viết chữ nghĩa gì. Và bây giờ góc độ chúng ta nhìn các bạn thế hệ mới cũng tương tự. Đó là “thế giới riêng” tạo nên sắc màu của họ. Quan trọng là khi thể hiện trên văn bản, khi thuyết trình, khi bước ra xã hội nói chuyện với các đối tượng khác nhau, những lúc nghiêm túc họ không lạm dụng mà vẫn sử dụng ngôn ngữ một cách chuẩn mực”.

Đời sống phát triển, khoa học - kỹ thuật tân tiến thúc đẩy giao thoa văn hóa, ngôn ngữ là điều tất yếu. Trong đó, học ngoại ngữ là để giao tiếp với người nước ngoài, học hỏi, hội nhập… Dù bao biện thế nào thì việc lạm dụng quá mức cũng ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Ngôn ngữ mẹ đẻ luôn là giá trị của một dân tộc. Trong khi nhiều người nước ngoài đến Việt Nam học tập, làm việc, sinh sống đều có ý thức học nói và viết tiếng Việt đúng chuẩn mực, không pha tạp, thì tại sao chúng ta không tự hào để nâng thêm lên giá trị, thay vì tự làm méo mó ngôn ngữ của dân tộc?

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/giu-gin-su-trong-sang-cua-tieng-viet-a316351.html