Giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước năm vừa qua đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Tuy nhiên, với nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương có nhiều lễ hội quy mô lớn, kéo dài, thu hút đông đảo người tham gia thì việc tổ chức bảo đảm đúng tinh thần lễ hội truyền thống vẫn là nỗi lo thường trực...

Nỗ lực cho mùa lễ hội an toàn, văn minh

Mồng 6 tháng Giêng, Lễ hội chùa Hương khai hội, nhưng nhiều năm nay, từ Mồng Hai Tết, khu di tích, danh thắng đặc biệt quốc gia này đã thu hút hàng nghìn người kéo về thưởng lãm, cầu tài, cầu lộc và sự bình an cho năm mới. Theo ông Hoàng Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Mỹ Đức (Hà Nội): Hiện nay, Quốc lộ 21B, nối dài từ trung tâm Hà Nội về chùa Hương đã được nâng cấp. Bến Yến cũng được kè đá hai bên. Ban tổ chức (BTC) Lễ hội chùa Hương năm 2020 đã tổ chức 4 buổi tập huấn cho chủ nhà hàng và chủ đò; 6 tiểu ban và trạm kiểm tra, tổ kiểm tra liên ngành số 1, số 2 phục vụ lễ hội. Theo đó, mọi biểu hiện tiêu cực như tranh giành, trốn lậu các loại vé, đòi thêm tiền... sẽ được giám sát và xử lý nghiêm khi có phản ánh về đường dây nóng; được thông tin công khai trên biển báo suốt dọc khu di tích. Đặc biệt, năm nay BTC đã lên phương án bố trí 4.000 đò đủ tiêu chuẩn để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, lực lượng an ninh trật tự, bán vé, hướng dẫn khách được bố trí để phân luồng đò và sắp xếp khách cho phù hợp, không để tình trạng tắc nghẽn, chen lấn xô đẩy.

Ông Trịnh Nhật Nam, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Vệ Linh, xã Phù Linh (Sóc Sơn, Hà Nội) cho hay, hai mùa lễ hội Gióng, khi được cơ quan quản lý thông báo bỏ cướp lộc chuyển sang tán lộc (năm 2018), rồi chuyển tán lộc từ sáng sang chiều (năm 2019), người dân băn khoăn, không đồng ý ngay. Đặc biệt, các cụ cao tuổi quan tâm sự thay đổi cách thức tổ chức lễ rước lộc Thánh liệu có ảnh hưởng đến niềm tin tâm linh trong lòng người dân Sóc Sơn? Nhưng sau hai năm thực hiện, người dân hai thôn thống nhất với sự thay đổi này. Bởi sau những thay đổi, cuộc sống của người dân vẫn thuận hòa, không xảy ra những biến cố lớn, giải tỏa những băn khoăn ở góc độ tâm linh; hình ảnh phản cảm trong lễ hội cũng không còn. Hình thức tổ chức các đoàn rước lễ vật tại Lễ hội Gióng 2020 cơ bản sẽ giống năm 2019. Bên cạnh đó, BTC lễ hội tăng cường công tác tuyên truyền văn minh lễ hội để người dân và du khách có những ứng xử đẹp như không vứt rác bừa bãi, xếp hàng trật tự...

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) TP Hà Nội, mỗi năm Hà Nội có hơn 1.700 lễ hội, trong đó, nhiều lễ hội tập trung lượng người rất lớn. Việc hàng nghìn, hàng vạn người cùng đổ về một địa điểm sẽ khiến công tác tổ chức, quản lý, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm... đều rất phức tạp. Năm nào công tác quản lý, tổ chức lễ hội cũng được Sở VHTT TP Hà Nội phối hợp với các địa phương triển khai từ nửa cuối năm. Vài năm gần đây, việc quản lý được phân cấp và giao trách nhiệm rõ ràng. Nếu là an ninh trật tự, giao thông, phòng cháy, chữa cháy thì lực lượng công an chịu trách nhiệm; an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc trách nhiệm bên y tế... “Chúng tôi không dám khẳng định việc quản lý, tổ chức lễ hội năm 2020 sẽ tốt đẹp mà chỉ có thể nói, chúng tôi sẽ nỗ lực, cố gắng để hoạt động này năm nay tiến bộ hơn năm trước”, ông Tô Văn Động cho hay.

 Phát huy giá trị tốt đẹp trong Lễ hội tịch điền (Hà Nam).

Phát huy giá trị tốt đẹp trong Lễ hội tịch điền (Hà Nam).

Phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội

Thông tin về kế hoạch chấn chỉnh hoạt động lễ cầu an đầu xuân-vốn gặp tai tiếng nhiều năm qua tại chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội), nhằm dẹp bỏ mê tín dị đoan, “bảo vệ chính pháp” trước thềm năm mới được dư luận quan tâm và tán thành. Theo Đại đức Thích Minh Đức, đại diện chùa Phúc Khánh: Năm nay, nhà chùa thực hiện nhiều cải tổ để chấn chỉnh lễ cầu an, thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cải tổ đầu tiên nhà chùa thực hiện là tổ chức khóa lễ cầu an bắt đầu từ ngày mồng 6 đến hết tháng Giêng, chứ không giới hạn vào một số ngày như các năm trước. Nhà chùa tính toán lượng người phù hợp cho mỗi buổi để các khóa lễ chỉ gói gọn trong khuôn viên của chùa. Việc cải tổ thứ hai, là không thu tiền theo “giá niêm yết”, mà “theo tinh thần nhà Phật và tùy tâm” (những năm trước, nhà chùa thu cố định 150.000 đồng cho lễ cầu an, giải mỗi “sao xấu” 150.000 đồng).

Đại diện chùa Phúc Khánh cũng khẳng định, năm nay nhà chùa chỉ thực hiện lễ cầu an như một nghi lễ có từ lâu đời của nhân dân, theo đúng tinh thần của Phật giáo Việt Nam, chứ không hành khoa cúng nhương tinh giải hạn theo như cách của các đạo sĩ đạo Lão trước đây. “Phật giáo Việt Nam khác với Phật giáo một số nước theo Phật giáo nguyên thủy ở chỗ, từ khi du nhập luôn hòa quyện các tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng thờ phụng, tưởng niệm các anh hùng có công với nước của dân tộc. Phật giáo Việt Nam tự hào về tinh thần này, vì đây là điểm quan trọng để Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, vì vậy tín đồ Phật giáo Việt Nam vẫn đến chùa, làm lễ cầu nguyện quốc thái dân an theo nghi thức nhà Phật và tưởng niệm các bậc tiền bối hữu công với đạo và đời”, Đại đức Thích Minh Đức nói.

Vị đại đức cho biết thêm, trong các khóa lễ, ngoài tổ chức tâm linh ra, chùa Phúc Khánh sẽ giáo hóa cho phật tử hiểu về ý nghĩa nghi thức cầu an trong đạo Phật, từ đó phật tử hiểu rằng “muốn giải trừ được vận hạn chỉ bằng cách làm nhiều việc thiện, hồi hướng công đức, phóng sinh, tham gia các chương trình thiện nguyện như hiến máu, hiến mô tạng, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở vùng núi, biên giới, hải đảo”...

Hoạt động rải tiền, thả tiền khi đi lễ và đốt vàng mã quá nhiều vẫn là thói quen của số đông, dù rằng, năm nào các địa phương, cơ quan thông tin đại chúng đều liên tục tuyên truyền. Mùa lễ hội năm nay, BTC Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), Lễ hội đền Trần (Nam Định), Lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… đã ban hành những văn bản chấn chỉnh, đồng thời đề nghị ban quản lý nhà chùa, nhà đền nghiêm túc triển khai trong hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan để người dân và du khách thập phương dễ nhận biết. Theo bà Phạm Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND TP Nam Định (tỉnh Nam Định), Trưởng BTC lễ hội đền Trần 2020: Phát huy những mặt tốt đã làm được trong mùa lễ hội 2019, BTC tiếp tục triển khai các hoạt động bảo đảm lễ hội diễn ra tốt đẹp, không còn hình ảnh thiếu văn hóa, phản cảm. Năm nay, sẽ có 30 vạn cánh ấn được phát ra để nhân dân và du khách thập phương về với Lễ hội đền Trần ai cũng có lộc ấn đầu xuân.

Lễ hội năm 2019 được nhận định là đã phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của nhân dân; những khó khăn, vướng mắc cơ bản được khắc phục, đúng với việc triển khai Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. Hướng tới một mùa lễ hội bình yên, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTT và Du lịch khẳng định, việc thanh tra, kiểm tra trước và sau mùa lễ hội 2020 tiếp tục được tăng cường, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực. Đặc biệt, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/giu-gin-phat-huy-gia-tri-tot-dep-cua-le-hoi-608175