Giữ gìn, phát huy di sản hát đúm sau khi được vinh danh

Hát đúm của huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) vừa chính thức có tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hát đúm là loại hình nghệ thuật được hình thành trong quá trình lao động sản xuất, gắn với những lễ hội và mang nét văn hóa độc đáo của người dân vùng cửa biển Tự nhiên như hơi thở, những câu ca mộc mạc, da diết cất lên từ chính sự chân chất, mộc mạc của bà con nơi đây.

Hội hát đúm đầu xuân tại Thủy Nguyên.

Hội hát đúm đầu xuân tại Thủy Nguyên.

Em Đinh Thị Yến và Đinh Quang Phương hiện học lớp 8 trường THCS Lập Lễ đã tham gia câu lạc bộ Hát Đúm được hơn 4 năm, cho biết:

"Em tham gia CLB hát đúm là nhờ bố mẹ đã cổ vũ. Hát đúm giữ được nét đẹp truyền thống quê hương mình và tôn vinh vẻ đẹp của đất nước. Mới đầu tiên tập thì còn e thẹn, ngại ngùng, không biết hát nhưng các ông bà đã chỉ dạy từng cách luyến, ngắt thế nào và thấy hát đúm rất hay".

"Em được mẹ và bà hát cho nghe và em thấy đam mê. Em thường luyện tập ở trường, lớp và câu lạc bộ rồi biểu diễn cho thầy cô và các bạn xem, đi biểu diễn ở ngoài".

Hát đúm là hình thức diễn xướng dân gian phổ biến ở nhiều địa phương vùng châu thổ Bắc Bộ, như: Đồ Sơn, Kiến Thụy, Cát Hải, Thủy Nguyên (Hải Phòng), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thái Bình… nhưng ở mỗi vùng, hát đúm lại mang những đặc trưng riêng.

Tổng Phục xưa, nay là các xã Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) được coi là cái nôi của hát đúm người Việt vùng ven biển Bắc Bộ, gắn liền với lễ hội mở mặt trong Hội xuân đầu năm. Theo phong tục từ ngàn xưa, phụ nữ vùng cửa sông thuộc tổng Phục quanh năm bịt khăn che mặt. Mỗi năm, họ chỉ cởi bỏ chiếc khăn che mặt một lần trong hội Hát đúm đầu xuân. Chính tục lệ này góp phần làm cho hội hát đúm thêm hấp dẫn và lôi cuốn.

Các hội hát đúm luôn thu hút đông người dân.

Hát đúm không cầu kỳ về hình thức, trang phục, không có nhạc đệm. Là lối hát được hình thành và gắn liền với lao động sản xuất, những câu hát đúm có thể được cất lên bất cứ lúc nào: trên sông, sau mẻ lưới đầy, ngoài đồng, dưới ánh trăng thanh… Trong mỗi hoàn cảnh lại có những bài hát, những lối hát phù hợp.

Theo ông Phùng Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Thủy Nguyên, những câu hát đúm là kết tinh của vốn tri thức dân gian và kinh nghiệm sống bao đời của bà con: "Hát đúm với các lối hát: hát chào, hát mừng, hát hỏi, hát giao duyên, còn gọi là hát huê tình. Cảm nhau rồi thì hát thách cưới. Đây là phần rất dí dỏm.

Các nghệ nhân rất yêu lao động, yêu thiên nhiên thì mới nghĩ ra được những câu hát như thế. Sau hát huê tình đến hát đố giảng. Người ta có thể thách đố, thử tài văn chương của nhau. Rất nhiều nội dung để đố, bên kia phải giảng. Các nghệ nhân ngày xưa rất thông minh, ứng tác rất tốt".

Một hội hát thường bắt đầu bằng câu hát quen thuộc “Rằng duyên kết bạn mình ơi” và kéo dài từ sáng tới chiều, từ ngày này qua ngày khác. Cái hay của hát đúm là sự đối đáp thông minh, dí dỏm, ứng tác nhanh nhạy của người hát.

Ông Nguyễn Đức Giang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Hải Phòng cho rằng, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát đúm tại Thủy Nguyên đã bước đầu đạt kết quả tốt và được ghi nhận; tuy nhiên, cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là trong thế hệ trẻ:

"Hát đúm được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia là một vinh dự, nhưng để truyền dạy thế nào để lưu giữ được là một việc rất khó. Bây giờ chỉ các bác trung niên, cao niên lên hát trên sân khâu, các cháu thanh niên rất ít. Bây giờ phải truyền dạy, đưa vào trường lớp, truyền dạy mới giữ lại cho quê hương vốn quý đó".

“Rằng duyên kết bạn mình ơi” – câu hát đúm quen thuộc vẫn vang lên, qua bao thăng trầm, biến đổi của vùng đất tổng Phục, như minh chứng cho sự sức sống mãnh liệt và bền bỉ của hát đúm - một di sản văn hóa độc đáo của người dân nơi đây./.

Thanh Nga/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/giu-gin-phat-huy-di-san-hat-dum-sau-khi-duoc-vinh-danh-842100.vov