Giữ gìn những làn điệu cổ

Vĩnh Lộc là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, như: Thắng tích Kim Sơn, Động Hồ Công... Nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích lịch sử Quốc gia Phủ Trịnh... Là vùng đất 'cung vua phủ chúa', trải nhiều thăng trầm lịch sử, người dân nơi đây đã xây dựng nên phong cách sống và bản sắc văn hóa riêng.

Chào đón quý khách đến với Thành Nhà Hồ - di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Trần Đàm

Đặc biệt, bà con ở các làng xã rất quan tâm bảo lưu, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Du khách đến thăm thành Tây Đô luôn được thưởng thức món “đặc sản tinh thần”, đó chính là những lời ca tiếng hát của người dân sống trong vùng di sản.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) văn nghệ quần chúng Thành Nhà Hồ cho biết, ông vốn là diễn viên đoàn tuồng Thanh Hóa, và là cha của ca sỹ Nguyễn Thị Thủy được giải khán giả bình chọn trong Sao Mai điểm hẹn năm 2014. Có lẽ người dân sinh ra trên vùng đất này từ tấm bé đã được thụ hưởng không gian văn hóa nghệ thuật, nên tình yêu nghệ thuật được nuôi dưỡng, phát triển. Ông Hùng chia sẻ: “Chúng tôi nghĩ khách đến Thành Nhà Hồ chỉ ngắm xong rồi đi thì sẽ rất đơn điệu, nên địa phương phối hợp với Trung tâm di sản Thành Nhà Hồ thành lập CLB nghệ thuật quần chúng để phục vụ du khách. Những thành viên của CLB cơ bản là nghệ sỹ không chuyên, giọng hát không “mượt” như ca sỹ chuyên nghiệp, nhưng bù lại các anh chị rất chịu khó tập luyện nên hát được nhiều làn điệu khác nhau, có thể sẵn sàng hát giao lưu với khách khi được đề nghị. Làn điệu Hò sông Mã quen thuộc của người Thanh Hóa đã được các nghệ sỹ hát với nhiều khúc thức khác nhau; còn làn điệu “mời trầu” của người quan họ thì được đặt lời mới thành những câu hát rất ý nghĩa, mời du khách thưởng thức các sản phẩm ẩm thực quê hương Vĩnh Lộc như bánh lá răng bừa, chè lam Phủ Quảng...

Có đi sâu tìm hiểu đời sống tinh thần của người dân nơi đây mới thấy bề dày, chiều sâu văn hóa của vùng quê di sản. Hoạt động văn hóa, văn nghệ của các làng quê xung quanh Thành cổ Tây Đô phát triển khá sôi động và có quy mô, tổ chức bài bản. Thời nhà Hồ đóng đô, chẳng biết văn hóa cung đình có được truyền lan ra dân gian chút nào không, nhưng có thể thấy rằng, từ xa xưa nhiều làng quê Vĩnh Lộc đã rất nổi tiếng với những phường hát tuồng, hát bội, và cũng có rất nhiều trò chơi trò diễn. Ngày nay càng không thua kém ngày xưa, làng nào cũng có CLB văn nghệ quần chúng, có làng vài CLB cùng hoạt động với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.

Chúng tôi đã ghé thăm các làng quê quanh Thành Nhà Hồ vào một đêm cuối tuần. Tại nhà văn hóa thôn Bèo, xã Vĩnh Long, các cô bác trong CLB Tuồng đang sửa soạn phục trang, bôi mặt vẽ râu để chuẩn bị các vai diễn. Ban ngày, họ là những nhà nông chân lấm tay bùn, nhưng buổi tối họ lại trở thành các nghệ sỹ, hóa thân vào những nhân vật tuồng rất điêu luyện. Quả thực, niềm đam mê nghệ thuật của những người dân nơi đây thật đáng khâm phục. Hoạt động của CLB tuồng thôn Bèo trong những năm qua đã tạo ra sân chơi lành mạnh thu hút đông đảo hội viên tham gia. Bà Lê Thị Tròn chủ nhiệm CLB cho biết: Trải qua hơn 30 năm hoạt động với biết bao khó khăn vất vả, thiếu kinh phí, thiếu nhạc cụ, trang phục biểu diễn, và bà con chủ yếu tự luyện tập, không có thầy chỉ dạy nên hạn chế về kỹ năng diễn xuất, biên đạo... Nhưng với sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, và đặc biệt là tình yêu của khán giả đối với nghệ thuật, các thành viên trong CLB đã quyết tâm duy trì hoạt động một cách nề nếp.

Trong những năm qua, CLB Tuồng thôn Bèo đã tập luyện và biểu diễn thành công nhiều vở diễn và trích đoạn ở các cuộc Liên hoan văn nghệ quần chúng, các buổi giao lưu, lễ kỷ niệm... Năm 2005, CLB đạt huy chương vàng toàn đoàn, huy chương vàng cá nhân tại Hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh với trích đoạn “Trần Bình Trọng”; năm 2009 đạt giải nhất tại Liên hoan văn nghệ các làng văn hóa tiêu biểu huyện Vĩnh Lộc; năm 2012 đạt giải xuất sắc Liên hoan đàn hát dân ca khu vực di sản Thành Nhà Hồ với trích đoạn “Trưng Nữ Vương”; năm 2014 đạt giải xuất sắc tại Liên hoan các CLB Tuồng các tỉnh phía Bắc; năm 2015 CLB Tuồng thôn Bèo đã đại diện cho các CLB không chuyên của tỉnh Thanh Hóa tham gia “Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ” tại TP Đà Nẵng và đạt giải xuất sắc toàn đoàn.

Trong màn đêm tĩnh lặng, giữa không gian sân khấu đơn sơ tại nhà văn hóa thôn Bèo, các nghệ sĩ của CLB Tuồng vẫn say mê, nhiệt tình với từng vai diễn. Áo mão cân đai, lược giắt trâm cài... họ như quên đi sự mệt nhọc, vất vả lo toan của công việc đời thường để hóa thân trong những nhân vật với tất cả niềm đam mê nghệ thuật được trao truyền qua nhiều thế hệ. Bà Trần Thị Đới trong vai Vua bà Trưng Trắc trò chuyện với chúng tôi: Dù tuổi đã cao, việc đồng áng bận rộn, cháu chắt bìu díu nhưng bà vẫn luôn cố gắng thu xếp để tập luyện cùng anh chị em. Những “nghệ sĩ chân đất” cũng phải chắt bóp từng hạt lúa củ khoai để có kinh phí duy trì hoạt động của CLB, làm hồi sinh vốn nghệ thuật cổ vốn đã bị mai một nhằm truyền lại cho con cháu, góp phần lưu giữ tinh hoa văn hóa nghệ thuật của dân tộc.

Chia tay với các nghệ sĩ không chuyên của CLB Tuồng thôn Bèo, chúng tôi lại tiếp tục ghé thăm CLB Chèo Xuân Áng đang múa hát sôi nổi tại đình làng. Đối với bà con nơi đây, nghệ thuật chèo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Trên sân đình rộng rãi phong quang, những tà áo thướt tha của các nữ nghệ sỹ bay phất phới theo từng điệu múa, các nhạc công say sưa đàn nhị, còn khán giả thì chăm chú theo dõi mà quên rằng trời đã về khuya... Những “nghệ sỹ làng” đã làm cho không gian văn hóa ở chốn thôn quê bừng lên sức sống. CLB chèo Xuân Áng giờ đây đã trở thành mái ấm tinh thần không thể thiếu đối với dân làng sau những ngày làm việc vất vả, mệt nhọc; sân đình mỗi đêm lại trở thành nơi tụ hội để thưởng thức nghệ thuật. Nhiều bạn trẻ cũng theo các mẹ, các chị luyện tập, biểu diễn.

Những khuôn mặt đã ghi dấu thời gian, những đôi bàn tay đã chai sần bởi công việc đồng áng, giọng hát cũng không được trong trẻo, thánh thót như diễn viên chuyên nghiệp, nhưng tâm hồn những nghệ sỹ của vùng quê di sản vẫn thăng hoa trong từng vở diễn. Và điều đáng trân trọng ở những con người nông dân chất phác này là họ đang góp phần quan trọng bảo tồn giá trị cao quý của nền văn hóa dân tộc, đồng thời xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn mới. Chị Hà Thị Điều, Phó chủ nhiệm CLB chèo Xuân Áng, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc cho biết, CLB không chỉ biểu diễn cho bà con trong làng xã xem, mà còn tham gia rất nhiều hội thi, hội diễn, mang lại nhiều thành tích cho phong trào văn hóa văn nghệ địa phương.

Hiện nay, nhiều CLB văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc cũng duy trì hoạt động thường xuyên như: CLB Chèo Cẩm Hoàng (xã Vĩnh Quang), CLB Chèo Chải (xã Vĩnh Thành)... Được biết từ năm 2007, huyện Vĩnh Lộc xây dựng đề án khôi phục các làn điệu hát múa chèo chải trong lễ hội, điều đó đã tác động tích cực, động viên bà con trong CLB hoạt động mạnh mẽ hơn. Nếu như trước đây ở huyện Vĩnh Lộc, việc thành lập CLB, các đội văn nghệ ở các làng, các cơ quan, đơn vị còn hạn chế thì nay đã được quan tâm rất nhiều. Đến nay, 100% thôn, xã và cơ quan, trường học đều có đội văn nghệ quần chúng. Nhiều CLB, đội văn nghệ đã đầu tư trang phục và đạo cụ, chủ động sáng tác kịch bản, dàn dựng các tiết mục... Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển đã làm cho đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn càng phong phú hơn. Đây cũng là yếu tố góp phần thu hút du khách đến tham quan Thành Nhà Hồ và các thắng tích trên địa bàn Vĩnh Lộc ngày càng nhiều hơn.

Những diễn viên không chuyên với niềm đam mê và ý thức gìn giữ vốn văn hóa cổ, đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ góp phần động viên, khích lệ quần chúng nhân dân hăng say lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Đồng thời, những “nghệ sỹ làng” với tâm huyết, niềm say mê cống hiến đang tạo nên sức sống mạnh mẽ, trường tồn của nền văn hóa vùng quê di sản, góp phần làm cho đất Tây Đô giàu thêm bản sắc.

.Mai Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vn/van-hoa/n178406/giu-gin-nhung-lan-dieu-co