Giữ gìn nét văn hóa truyền thống của ngày Tết đoàn viên

Một mùa Trung thu nữa lại về, những người làm cha, làm mẹ cùng các em nhỏ lại có dịp hoài niệm về những Tết Trung thu xưa, cái thời được ngắm trăng, rước đèn ông sao trong tiếng trống rộn rã và đắm chìm vào thế giới cổ tích của chú Cuội, chị Hằng...

Mâm cỗ Trung thu xưa trọng tâm là hình ảnh tiến sĩ giấy thể hiện mong ước con cháu mình học giỏi, thành đạt của ông bà, cha mẹ. Ngoài ra, Ngày Tết Trung thu, trẻ em được người lớn tặng cho các loại đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ, đèn kéo quân và các loại đồ chơi Trung thu. Vào đêm Rằm, trong tiếng trống rộn rã, các bạn nhỏ cầm những chiếc đèn Trung thu lung linh sắc màu cùng nhau rước đèn dưới trăng.

Ngày nay, cuộc sống thay đổi thì mỗi nhà, mỗi người lại có cách đón Tết Trung thu, “phá cỗ” khác nhau. Có những gia đình chọn cách liên hoan ở những quán ăn, nhà hàng sang trọng; bạn bè, đối tác làm ăn tặng nhau những hộp bánh trung thu “khủng” có giá đến vài triệu đồng; trẻ em thì chen chân đi chơi Trung thu ở giữa phố xá đông nghẹt người, ồn ào và náo nhiệt.

 Trẻ em được trải nghiệm làm đồ chơi truyền thống ở phố cổ Hà Nội. Ảnh:qdnd.vn

Trẻ em được trải nghiệm làm đồ chơi truyền thống ở phố cổ Hà Nội. Ảnh:qdnd.vn

Trong ngày Tết Trung thu xưa ở mỗi gia đình người Việt luôn có hình ảnh đầm ấm, bố thì làm đèn lồng, mẹ bày mâm ngũ quả, trẻ con hứng khởi ngồi nghe bà kể về sự tích chú Cuội, chị Hằng... ngày nay, những hình ảnh này lại trở nên quá "xa xỉ" với trẻ em.

Lẽ dĩ nhiên, mỗi thời mỗi khác và theo guồng quay của cuộc sống thì mọi thứ đều phải đổi thay, tất cả đều phải trải qua những lớp bụi trầm tích của thời gian nhưng không để bụi làm xóa nhòa những nét văn hóa truyền thống đã có từ nghìn đời của ông cha, đó là việc cần và phải làm của thế hệ hiện tại và tương lai.

Tôi cho rằng, để những câu chuyện cổ tích về chú Cuội, chị Hằng trên cung trăng cũng như những gì thuộc về truyền thống vốn có của ngày Tết đoàn viên không bị chìm dần vào quên lãng cần tăng cường giáo dục cho thế hệ trẻ ngay từ khi bước vào trường học, để các em hiểu và yêu văn hóa truyền thống. Hơn nữa, ngay trong mỗi gia đình, người lớn cũng phải là sợi dây gắn kết, định hướng cho các con, cháu mình, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của thế giới nhưng không quên giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc.

ĐỨC MINH (Thanh Xuân, Hà Nội)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-kien-trong-ngay/giu-gin-net-van-hoa-truyen-thong-cua-ngay-tet-doan-vien-636167