Giữ gìn nét đẹp văn hóa trong trò chơi, trò diễn tại các lễ hội

Từ trước tới nay, trò chơi, trò diễn không thể thiếu vắng tại các lễ hội. Đây là nét đặc sắc để tôn thêm giá trị văn hóa trong lễ hội. Đặc biệt, với sự xuất hiện của trò chơi, trò diễn cũng là cách để truyền cảm xúc và thu hút du khách...

Thực hiện quy trình làm bánh dày tại lễ hội bánh chưng - bánh dày TP Sầm Sơn năm 2020. Ảnh: Duy Sơn

“Đến hẹn lại lên”, tại Lễ hội Lam Kinh hay Lễ hội Lê Hoàn, những trò chơi, trò diễn ở các thôn, làng trên địa bàn huyện Thọ Xuân lại trở về để “sum họp”... Và chuyện khôi phục trò chơi, trò diễn ở các lễ hội đã được Thọ Xuân hết sức quan tâm, duy trì và phát huy. Ngoài trò diễn Xuân Phả nổi tiếng thì ở Thọ Xuân còn truyền giữ những điệu múa, trò chơi như pồn pôông, nhảy sạp, ném còn, đánh mảng... Thú vị nhất ở chỗ, về Lễ hội Lam Kinh hay Lê Hoàn là được gặp trò diễn pồn pôông, một điệu múa của người dân tộc Mường. Điều đặc biệt đối với trò diễn múa pồn pôông của người Xuân Phú đó là múa quanh cây hoa, múa theo điệu hát. Không chỉ tham gia trình diễn tại 2 lễ hội lớn là Lam Kinh và Lê Hoàn mà trò diễn múa pồn pôông của người Xuân Phú còn được dịp “trổ tài” tại các lễ hội truyền thống của làng hay vào dịp tết...

Ở Xuân Phú có 12 thôn thì có 3 thôn Đồng Cốc, Ba Ngọc, làng Sung là dân tộc Mường. Điệu múa pồn pôông cũng hình thành từ 3 thôn này. Đội văn nghệ của xã với 32 thành viên cũng ra đời trên cơ sở từ trò diễn múa pồn pôông. Không chỉ dừng ở điệu múa pồn pôông, người dân tộc Mường Xuân Phú còn giữ được trò chơi dân gian đánh mảng và 2 năm nay cũng đã được trình diễn tại Lễ hội Lam Kinh. Ông Phạm Văn Niên, Chủ tịch UBND xã Xuân Phú, cho biết: Lâu nay, mỗi khi đội văn nghệ đi tham dự tại các lễ hội thì xã bao giờ cũng trích tiền ngân sách để hỗ trợ, động viên các thành viên. Dự kiến trong thời gian tới, chúng tôi sẽ ra quyết định thành lập câu lạc bộ văn nghệ của xã để có quy chế hoạt động, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa của cha ông để lại...

Còn theo bà Trịnh Thị Tiến, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Thọ Xuân: Điều đáng mừng nhất là Thọ Xuân đã có Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, có chương trình gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể huyện Thọ Xuân với mục tiêu là hỗ trợ tham gia các hoạt động quảng bá giới thiệu du lịch của huyện. Cụ thể, hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị còn lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể và có các đội biểu diễn thường xuyên như xã Xuân Phú, Xuân Thắng là 100 triệu đồng/xã/năm; trò Xuân Phả - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 200 triệu đồng/năm...

Dù vậy, ở một số địa phương khác vẫn chưa có điều kiện để khôi phục, phát huy các trò chơi, trò diễn trong lễ hội. Đây quả là điều đáng tiếc. Bởi phần hội mà trong đó chủ đạo là trò chơi dân gian, trò diễn nếu vắng bóng thì không khí lễ hội sẽ bị giảm, quan trọng hơn là thiếu đi cái nét văn hóa đặc sắc mà đáng ra du khách đến phải được thưởng thức, phải được chiêm ngưỡng và được... trải nghiệm. Theo ông Lê Văn Sơn, cán bộ văn hóa thị trấn Nưa (Triệu Sơn), mặc dù Khu di tích đền Nưa - Am Tiên được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng lễ hội đền Nưa - Am Tiên vẫn chưa có nhiều các trò chơi, trò diễn trong lễ hội, ngay đến trò kéo co hay chọi gà thì vài năm mới tổ chức một lần, chủ yếu môn cờ tướng thì năm nào cũng có... Như vậy, rõ ràng đền Nưa - Am Tiên về phần hội dường như thiếu hẳn một sân chơi về văn hóa dân gian cho du khách. Ông Sơn cho rằng: Sẽ cần đến một chủ trương, một ban quản lý, một cách thức tổ chức để định hướng và tạo sân chơi cho các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần. Trò chơi, trò diễn tại lễ hội phải có đất để phô diễn, có điều kiện để phát huy và được hưởng thụ chính giá trị tinh thần mà người dân tham gia...

Có nhiều ý kiến cho rằng, lễ hội chỉ thực sự là lễ hội nếu có sự góp mặt của trò chơi, trò diễn, vắng đi những nét văn hóa này thì lễ hội đã mất đi giá trị đúng nghĩa của nó. Quan trọng vẫn là sự quan tâm của chính quyền địa phương và không chỉ là kinh phí hay nhân lực mà cần phải có sự phối hợp với các nhà nghiên cứu để khôi phục, bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa xưa...

Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/giu-gin-net-dep-van-hoa-trong-tro-choi-tro-dien-tai-cac-le-hoi/126838.htm