Giữ gìn nét đẹp văn hóa qua tục xin chữ đầu năm

Xin chữ, cho chữ là phong tục truyền thống tốt đẹp mỗi dịp Tết đến, Xuân về, thể hiện tinh thần hiếu học, yêu chữ của người Việt Nam. Điều đáng mừng, trong xã hội hiện đại ngày nay, tục xin chữ đầu năm vẫn được người dân duy trì, qua đó góp phần gìn giữ, phát huy nét văn hóa đẹp của dân tộc.

Xin chữ đầu năm. Ảnh: Trà Hương

Khi nhịp sống ngày càng hối hả thì hoạt độnggiao lưu văn hóa đầu Xuân qua việc xin chữ và cho chữ đã tạo nên những giá trị tinh thần nhân văn cao cả.

Ở tỉnh ta, ngày hội chữ thường diễn ra ở Văn Miếu tỉnh, hoặc gắn với các lễ hội Xuân như Hội Báo Xuân, các dịp lễ hội, các ngày kỉ niệm lớn.

Theo ông Nguyễn Anh Thập, Chủ nhiệm CLB Hán-Nôm tỉnh cho biết: "Phong tục xin chữ và cho chữ mới được khôi phục trở lại cách đây 4-5 năm và được rất nhiều người dân hưởng ứng.

Tục xin chữ-cho chữ đã dần được khôi phục trở lại với ý nghĩa nguyên bản. Điều đặc biệt là người xin chữ không chỉ là lớp người già, mà nhiều bạn trẻ cũng trân trọng phong tục truyền thống này".

Chữ được cho thường là chữ Nho, đôi khi là chữ Quốc ngữ viết theo phong cách thư pháp trên nền giấy ganh, giấy nhung, giấy dó, giấy xuyến, viết bằng mực tàu đen hoặc mực nhũ vàng.

Chữ khi xin được sẽ được treo chỗ trang trọng nhất trong nhà để con cháu nhìn vào mà làm việc và phấn đấu, hoặc đôi khi làm những việc chưa chuẩn, mắc phải sai lầm thì cũng nhìn vào chữ đó mà tự chấn chỉnh, sửa chữa.

Theo tìm hiểu, người xin chữ cũng đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, mọi ngành nghề. Người trung niên xin chữ Tâm, chữ Đức, chữ Nhẫn; thanh niên nam, nữ xin các chữ Danh, Duyên, Hiếu, Trung; người ít tuổi, còn đang đi học, xin chữ Minh, Đăng khoa, Trí tuệ, Chí hướng; tặng bố mẹ xin chữ Tâm, An khang, Bình an; mừng các cụ cao tuổi không thể thiếu chữ Phúc, Lộc, Thọ. Người làm nghề buôn bán, kinh doanh sẽ là chữ Lộc, chữ Tín, Phát đạt....

Mỗi chữ ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang nỗi niềm, tâm tư, mong ước thầm kín… hoặc một trạng thái tinh thần, một ý niệm tự răn mình, khuyên con, khuyên cháu ăn ở "có phúc có phần"…

Đã nhiều năm nay, cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng, trong ngày tiệc làng, người dân xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường và nhiều du khách, bạn hữu của người dân trong xã lại nô nức đi xin chữ.

Người dân trong xã, đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề háo hức, đứng xếp hàng chờ nhận chữ, các thầy đồ áo the khăn xếp trịnh trọng, nắn nót từng nét chữ đen nhánh trên nền giấy đỏ tươi như tô thêm sắc màu ngày xuân. Không khí của buổi tiệc làng cũng vì thế mà trở nên trang trọng, có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Từ năm 2013, CLB Hán-Nôm của xã tổ chức ngày hội cho chữ, phát lộc vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm. Người dân trong xã đều rất hứng thú với hoạt động này.

Cứ đến ngày này, hàng trăm chữ Phúc, Lộc, Thọ, An khang, Bình an, Nhân, Đức… lại được những ông đồ trao đến tay người dân. Người trẻ, học sinh thì xin chữ Tài, Thành, Đạt; người già xin chữ Thọ; người buôn bán xin chữ Phú… Ai cũng hồ hởi, phấn khởi với những nét chữ được tặng.

Hình ảnh những ông đồ trong trang phục áo the, khăn xếp với những nét thư pháp tài hoa đã minh chứng cho sức hút của nghệ thuật thư pháp, đồng thời, đưa tục xin chữ - nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần người Việt được lan tỏa, gìn giữ và kế thừa.

Diệu Linh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/giu-gin-net-dep-van-hoa-qua-tuc-xin-chu-dau-nam-82504