Giữ gìn nét đẹp tri ân

Hình ảnh một nữ diễn viên khá nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh đi làm từ thiện với trang phục chưa phù hợp gây phản ứng một bộ phận truyền thông và mạng xã hội (MXH) những ngày qua.

Chuyện bắt đầu từ một bức ảnh chụp cảnh nữ diễn viên mặc áo xẻ cổ sâu, bộ móng tay được gắn dài, trang điểm cầu kỳ, đi tặng quà người dân nghèo, được chia sẻ trên MXH. Dư luận phản ứng vì rằng, chị đẹp thì thật là đẹp, nhưng đi làm từ thiện mà mang mặc như đi dạ hội hay trình diễn trên sân khấu thì phản cảm. Của cho không bằng cách cho. Hơn ai hết, người nghệ sĩ cần phải hòa đồng, giản dị, gần gũi, thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia chân thành với những phận đời kém may mắn. Mặc dù nữ diễn viên đã lên tiếng giải thích, do bận lịch diễn nên sau khi rời trường quay, chị đi thẳng đến nơi tặng quà luôn mà không kịp thay quần áo, nhưng phần đông công chúng vẫn thể hiện thái độ không hài lòng.

Đây không phải lần đầu tiên trong giới nghệ sĩ xảy ra những hiện tượng đẹp mà chưa đẹp. Việc một số nghệ sĩ có tác phong thiếu chuẩn mực, mang mặc phản cảm xuất hiện trong các hoạt động tri ân, các chương trình nghệ thuật "đền ơn đáp nghĩa" diễn ra nhiều lần. Lẽ ra sự xuất hiện của họ sẽ làm các chương trình, sự kiện được chú ý hơn, có sức lan tỏa hơn, nhưng chỉ vì bộ trang phục kém duyên hay một vài hành động, câu nói thiếu ý thức mà tạo thành vết dơ trên một bức tranh đẹp. Thậm chí, trong một số sự kiện mang ý nghĩa tri ân sâu sắc, được đầu tư dàn dựng công phu, phát trực tiếp trên sóng truyền hình, việc mang mặc phản cảm của một số “ngôi sao” trong giới nghệ sĩ, vô hình trung phá hỏng cả chương trình.

Có trăm ngàn lý do để người trong cuộc biện minh cho những hành vi phản cảm, phản văn hóa khi sự việc bị dư luận phản ứng, phán xét. Nào là do lỗi thiết kế trang phục, nào là do diễn quá “sung”, quá nhập tâm nên xảy ra những khoảnh khắc hớ hênh, nào là “lỡ mồm”... Nhưng dù có biện minh kiểu gì đi nữa, cũng khó lấy lại hình ảnh đẹp trong lòng công chúng.

Từ môi trường nghệ thuật đến đời sống xã hội, rõ là đã và đang có những biểu hiện lệch pha, lệch chuẩn trong hành vi ứng xử, lối sống của một bộ phận nhỏ công dân, nhất là giới trẻ. Chuyện một số nam thanh, nữ tú mang mặc hở hang đi lễ chùa, viếng anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang, có hành động phản cảm trước các tượng đài linh thiêng, đi tặng quà người có công, thậm chí có trường hợp doanh nghiệp núp bóng tri ân, tổ chức cho thương binh đi du lịch miễn phí để lừa đảo, bán hàng kém chất lượng với giá "cắt cổ"... từng bị dư luận lên án, chỉ trích gay gắt.

Biết là không đẹp, biết là không nên, nhưng tại sao không ít người vẫn liên tục mắc lỗi? Ngoài một số lý do như vô ý thức, thiếu cẩn thận, đơn giản, chủ quan... không ít trường hợp cố tình lợi dụng các sự kiện tri ân, từ thiện để tạo chú ý, đánh bóng tên tuổi, trục lợi.

Ở lĩnh vực khác còn có thể viện cớ biện minh phần nào, nhưng với môi trường tri ân thì không thể. Bởi bản chất của hành động tri ân, "đền ơn đáp nghĩa" là nét đẹp từ trái tim, từ lương tâm con người chứ không phải là một thứ trang sức, công cụ để ai đó lợi dụng. Trong môi trường ấy, không ai chấp nhận thái độ thực dụng, hời hợt, khiếm nhã, không có chỗ dung nạp những thứ phản văn hóa.

Dư luận phản ứng, lên án những hành vi ấy, dù với thái độ nào thì cũng là cách người ta bày tỏ chính kiến để bảo vệ nét đẹp của tri ân.

Lại đến dịp cả dân tộc ta tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công trên cả nước. Nhỏ nhẹ nhắc nhau để đừng tái diễn những sự việc, những hành vi không đẹp trong môi trường cần phải giữ gìn vẻ đẹp truyền thống thiêng liêng...

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/giu-gin-net-dep-tri-an-627799