Giữ gìn làn điệu dân ca, bài chòi…

Dân ca, bài chòi là vốn di sản phi vật thể có giá trị đặc sắc góp phần làm phong phú các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Quảng Nam. Tại xã Tam Phước (H. Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) cư dân có nhiều cách làm hay, sáng tạo để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đó…

Dân ca, bài chòi là vốn di sản phi vật thể có giá trị đặc sắc góp phần làm phong phú các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Quảng Nam. Tại xã Tam Phước (H. Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) cư dân có nhiều cách làm hay, sáng tạo để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đó…

Một đêm biểu diễn tại Nhà văn hóa xã Tam Phước.

Một đêm biểu diễn tại Nhà văn hóa xã Tam Phước.

Thành lập vào năm 2008, Câu lạc bộ (CLB) Dân ca bài chòi xã Tam Phước đã duy trì hoạt động hiệu quả và là điểm sáng của phong trào văn hóa- văn nghệ trên địa bàn H. Phú Ninh. CLB hiện có 13 thành viên, gồm chủ nhiệm, nhạc công, anh hiệu- chị hiệu và các nghệ sĩ không chuyên. Với lòng nhiệt huyết và đam mê dân ca bài chòi họ đã tự nguyện tập hợp thành CLB như các chị Nguyễn Thị Thu, Đỗ Xuân Cúc, Phạm Thị Hồng… đều là người dân lao động, bám vườn bám đồng sinh kế hằng ngày nhưng với nỗi đam mê và có chút năng khiếu văn nghệ, họ đã tranh thủ tập tành, rèn giọng thường xuyên. Được chính quyền xã Tam Phước ủng hộ, các "diễn viên" đã học hát dân ca, bài chòi, "tầm sư học đạo" những làn điệu dân ca đậm chất xứ Quảng. Anh Trần Thanh Tuyến- Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB dân ca bài chòi xã Tam Phước ban đầu không có sự đầu tư kinh phí nhiều, chỉ với 1 bộ loa, 1 cây đàn nhị, cây gõ và 30 loại thẻ cây bài. Điều quan trọng nhất là các thành viên luôn đoàn kết, nhiệt tâm với CLB và tranh thủ thời gian tập luyện, trau dồi để biết cách hô hát sao cho đúng làn điệu với mong muốn phục vụ nhu cầu thưởng thức của nhân dân, bảo tồn phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

Những anh hiệu- chị hiệu CLB dân ca.

Qua hơn 12 năm, CLB đã duy trì và tổ chức khá bài bản các hoạt động tại nhà văn hóa thôn, xã vào những ngày lễ, Tết… Vào những đêm diễn, không khí làng quê vui nhộn hẳn lên khi mọi người cùng đến nghe và chơi bài chòi, nhất là các cụ già được “sống” lại một thời quá vãng hoài niệm về văn hóa làng ngày xưa. Điểm đặc biệt của dân ca bài chòi khác với các loại hình ca nhạc đó là nó phù hợp cho mọi lứa tuổi: người già, trung niên, thanh niên và cả thiếu nhi ai cũng có thể tham gia loại hình này. Vài năm trở lại đây, định kỳ vào tối mồng hai âm lịch hằng tháng, người dân xã Tam Phước lại rủ nhau đi xem biểu diễn bài chòi ở Nhà văn hóa xã do CLB tổ chức. Hầu như, đêm diễn nào cũng luôn thu hút đông đảo bà con nhân dân không những của xã Tam Phước mà còn có xã Tam Lộc, Tam Vinh và thị trấn Phú Thịnh đến xem và cổ vũ… Riêng CLB dân ca bài chòi thôn Tân Phú (xã Tam Phước) thì hằng tháng tổ chức vào ngày 16 âm lịch tại Nhà văn hóa thôn. Đa số thành viên CLB thôn Tân Phú cũng là của CLB xã Tam Phước. Chính nhờ sự tham gia nhiệt tình và ủng hộ từ bà con nhân dân đã góp phần duy trì hoạt động của CLB. Vì vậy, việc tổ chức những đêm bài chòi định kỳ hằng tháng là dịp để nhân dân trong xã thưởng thức đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, vừa bảo tồn và phát huy, khơi gợi niềm yêu thích loại hình nghệ thuật dân gian trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Đối với CLB, ngoài việc tổ chức đêm diễn thường kỳ, thỉnh thoảng, các thành viên tranh thủ tập luyện, cùng so dây, nắn phím, hát những câu hò khoan, điệu lý, sưu tầm những bài hát mới và sáng tác lời mới ca ngợi quê hương Tam Phước. Họ cho ra mắt tuyển tập những bài hát dân ca, bài chòi xã Tam Phước để lưu lại lời ca cho mai sau. Với vai trò là “chị Hiệu” từ những ngày đầu mới thành lập CLB, chị Lê Thị Phương chia sẻ: “Hồi nhỏ, tôi đã thấm đượm và yêu thích những câu hát ru, những làn điệu dân ca, bài chòi. Đến bây giờ niềm đam mê được biểu diễn là tâm huyết của tôi để góp phần lưu giữ giá trị nghệ thuật truyền thống này. Tôi và các thành viên trong CLB đều có công việc khác nhau nhưng trong các đêm diễn, tất cả đều diễn hết mình để phục vụ bà con”.

Ngoài tập luyện, tổ chức biểu diễn định kỳ, CLB còn đi giao lưu với các địa phương ở Đà Nẵng, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Quế Sơn, Núi Thành… Đặc biệt, CLB luôn được TP Tam Kỳ mời tham gia phục vụ qua các kỳ Festival biển Tam Thanh, Sở VH-TT&DL quan tâm chọn trình diễn tại Hội An trong Lễ đón bằng UNESCO công nhận “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào năm 2018. Hiện nay, các thành viên của CLB đa phần đã lớn tuổi, anh chị em luôn băn khoăn trước sự khó khăn của nghệ thuật dân ca, bài chòi đối với lớp trẻ. Vì vậy, CLB đã đề xuất đưa nghệ thuật bài chòi vào trường học. Qua đó giúp các em học sinh trên địa bàn tiếp cận với làn điệu dân ca xứ Quảng và các thành viên CLB sẽ trực tiếp hướng dẫn kiến thức cơ bản và kỹ năng biểu diễn cho học sinh. Với sự hỗ trợ từ địa phương, trong năm học 2016 – 2017, Trung tâm học tập cộng đồng xã và CLB đã hình thành CLB Tiếng hát dân ca trường THCS Phan Châu Trinh, xã Tam Phước với hơn 40 học sinh. Các buổi học bài chòi của các em được anh Đặng Phước Lai là nhạc công kiêm sáng tác những bài ca mới phù hợp các lứa tuổi các em đã trực tiếp hướng dẫn. Được tổ chức trong những buổi sinh hoạt ngoại khóa, qua quá trình dạy học hát dân ca, bài chòi đã phát hiện ra nhiều em có tố chất để cùng tham gia với CLB xã. Anh Lai cho biết: “Học sinh tham gia CLB Tiếng hát dân ca của nhà trường chính là thế hệ tiếp nối góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật quý báu này. Nhờ vậy mà nghệ thuật bài chòi được lan tỏa, vừa phục vụ cho nhu cầu giải trí của nhân dân, vừa duy trì, truyền lửa đam mê về nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ”.

THẢO NGUYÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_226131_.aspx