Giữ gìn ký ức về cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại - nghĩa vụ thiêng liêng của thế hệ mai sau

Nhân kỷ niệm 80 năm bắt đầu cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (22-6-1941 22-6-2021), Đại sứ Liên bang Nga được bổ nhiệm tại Việt Nam G.S. Bezdetko đã có bài viết về sự kiện này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ngày 22-6-2021 kỷ niệm tròn 80 năm bắt đầu cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, một trong những trang đáng nhớ và bi tráng nhất trong lịch sử nước Nga. Cuộc chiến tranh vệ quốc đã trở thành thử thách cam go nhất đối với đất nước đa sắc tộc của chúng tôi, để lại dấu ấn trong số phận của hàng triệu đồng bào đứng lên bảo vệ Tổ quốc, thể hiện ý chí kiên cường và chủ nghĩa anh hùng trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, đồng thời góp phần quyết định vào việc giải phóng nhân loại khỏi nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa phát xít.

Đại sứ Liên bang Nga được bổ nhiệm tại Việt Nam G.S. Bezdetko. Ảnh do Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam cung cấp

Đại sứ Liên bang Nga được bổ nhiệm tại Việt Nam G.S. Bezdetko. Ảnh do Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam cung cấp

Chiến thắng đã giành được với cái giá không hề rẻ. Chính vì thế, điều quan trọng đối với chúng ta là lưu giữ ký ức về các sự kiện của những năm tháng xa xưa đó, không cho phép lặp lại những bi kịch như vậy trong tương lai. Thật đáng tiếc, chúng ta ngày càng chứng kiến sự xuất hiện của nhiều ngụy tạo và giả mạo lịch sử về nguyên nhân, bản chất và kết quả của cuộc chiến, trong đó áp đặt cho Liên Xô trách nhiệm gây ra các hành động chiến tranh và hậu quả của chúng cùng với Đức Quốc xã, còn vai trò của một số quốc gia chủ động đẩy Hitler vào cuộc đụng độ với Liên Xô lại cố tình che đậy. Đồng thời, việc nghiên cứu kỹ tài liệu từ các nguồn lưu trữ mở trong những năm gần đây cho phép hình thành một bức tranh hoàn toàn rõ ràng về tình hình trên lục địa châu Âu và tâm trạng của các nhân vật chính trị chủ chốt trong thời kỳ trước chiến tranh.

"Đây không phải là hòa bình, đây là đình chiến 20 năm!"-tuyên bố của Thống chế Pháp nổi tiếng Ferdinand Foch năm 1919 về các điều kiện của Hiệp ước Versailles qua tổng kết cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, mà theo nhiều nhà nghiên cứu, cuối cùng đã dẫn đến cuộc xung đột mới quy mô toàn cầu. Các khoản bồi thường và hạn chế không chịu nổi đã được áp đặt lên nước Đức bại trận. Đời sống của người dân đã giảm mạnh. Họ cảm thấy bị sỉ nhục và nhục nhã. Những tư tưởng xét lại nảy sinh trong mối liên hệ này đã được Đức Quốc xã lên nắm quyền năm 1933, sử dụng một cách khéo léo.

Hitler tuyên bố mục tiêu của mình là xâm chiếm không gian sống ở phía Đông, với sự nhắm mắt làm ngơ thực tế của các cường quốc phương Tây, đã bắt đầu tích cực xây dựng các lực lượng vũ trang lục quân và hải quân. Sự tuyên truyền có mục đích và quy mô lớn của Đức Quốc xã được phát động trong dân chúng. Ban lãnh đạo Liên Xô theo dõi sát sao và đánh giá đầy đủ các mối đe dọa có thể xảy ra đối với đất nước và toàn thế giới nói chung, đã thực hiện các biện pháp phát triển công nghiệp quốc phòng, củng cố lục quân và hải quân, phát triển các loại vũ khí và trang thiết bị quân sự mới.

Cuộc diễu binh kỷ niệm 76 năm chiến thắng cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại ở thủ đô Moscow, Liên bang Nga ngày 9-5-2021. Ảnh: SPUTNIK

Đồng thời, các nỗ lực đối thoại với các đối tác nước ngoài đã được thực hiện nhằm mục đích cùng chống lại những ý định xâm lược của chủ nghĩa phát xít, tuy nhiên, vẫn chưa được đáp ứng.

Tháng 9-1938, Pháp, Anh, Đức và Italy đã ký hiệp định, sau này được gọi là “Mật ước Munich”, cho phép Đức sáp nhập khu vực Tiệp Khắc có dân tộc Đức sinh sống-Sudetenland. Các quốc gia phương Tây hy vọng bằng cách này sẽ "bình định" được kẻ xâm lược, hướng khát vọng bành trướng của chúng sang phương Đông. Đáng chú ý là Anh và Pháp lúc bấy giờ là đồng minh hình thức của Tiệp Khắc.

Không từ bỏ nỗ lực thành lập liên minh chống Hitler, Moscow đã khởi xướng các cuộc tham vấn Xô-Anh-Pháp, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8-1939, nhưng không dẫn đến bất kỳ kết quả đáng kể nào... Sau đó, các cuộc đàm phán thất bại trở thành một yếu tố hiển nhiên, Liên Xô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ký kết Hiệp ước không xâm lược với Đức. Trên thực tế, văn kiện này đã trở thành công cụ cần thiết để có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến không thể tránh khỏi.

Ngày 1-9-1939, quân Đức đã tấn công Ba Lan. Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu. Đồng thời, các đồng minh đại diện là Anh và Pháp đã hạn chế tuyên chiến với Đức, điều mà người đương thời gọi là "kỳ lạ", vì không có hành động cụ thể nào theo sau. Trong điều kiện đó, để ngăn quân đội Đức tiến đến biên giới Liên Xô, phía Liên Xô đã đưa quân vào lãnh thổ phía Đông Ba Lan. Đến tháng 5-1941, Pháp đầu hàng, Tiệp Khắc, Ba Lan, Đan Mạch, Na Uy, Benelux, Nam Tư và Hy Lạp bị chiếm đóng.

Kế hoạch tấn công Liên Xô có mật danh "Barbarossa" đề ra cho một cuộc đánh bại chớp nhoáng. Ba tập đoàn quân với hơn 5,3 triệu người, hơn 4.000 xe tăng, khoảng 5.000 máy bay, 40.000 súng và súng cối đã được huy động. Cỗ máy chiến tranh mạnh nhất chống lại Hồng quân, mà ngành công nghiệp của gần toàn bộ châu Âu đã làm việc cho nó.

Vi phạm Hiệp ước không xâm lược, ngày 22-6-1941, phát xít Đức đã tấn công Liên Xô mà không tuyên chiến. Song, những kẻ xâm lược nhanh chóng nhận ra rằng, cuộc chiến ở mặt trận phía Đông về cơ bản khác với cuộc chiến ở phía Tây châu Âu. Nhân dân Liên Xô đã anh dũng bảo vệ từng tấc đất quê hương và thực sự đã chiến đấu một mình trong 3 năm, “bào mòn” một cách có hệ thống các lực lượng chủ lực và có khả năng chiến đấu nhất của Đức Quốc xã. Đồng thời, cường độ, sự ác liệt và quy mô của cuộc chiến này không thể so sánh với các cuộc đụng độ chiến đấu ở những mặt trận khác trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Không nghi ngờ gì nữa, sự thất bại của Đức Quốc xã là kết quả nỗ lực tổng hợp của liên minh chống Hitler, song sự đóng góp quyết định của Liên Xô vào việc đập tan bộ máy quân sự Đức Quốc xã và giải phóng thế giới khỏi sự khủng khiếp của chủ nghĩa phát xít là điều hiển nhiên và không thể tranh cãi. Vì điều này, đất nước chúng tôi đã phải trả giá bằng hàng chục triệu sinh mạng, các thành phố bị phá hủy và những người tàn tật. Những bi kịch như vậy không được phép lặp lại trong tương lai. Vì điều này, chúng tôi, con cháu của những chiến binh-giải phóng, có nghĩa vụ gìn giữ cẩn thận và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ký ức về chiến công vô song của cha ông vì hòa bình và thịnh vượng trên hành tinh của chúng ta.

Đại sứ Liên bang Nga được bổ nhiệm tại Việt Nam G.S. BEZDETKO

www.qdnd.vn

Theo báo Quân đội Nhân dân

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/giu-gin-ky-uc-ve-cuoc-chien-tranh-ve-quoc-vi-dai-nghia-vu-thieng-lieng-cua-the-he-mai-sau-142950.html