Giữ gìn đường biên hòa bình, hữu nghị

Để người dân tham gia tốt hơn vào việc tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh thôn bản khu vực biên giới, thời gian qua tại nhiều địa phương MTTQ, các tổ chức đoàn thể đã phối hợp với các đồn biên phòng đóng trên địa bàn phát động và triển khai thực hiện nhiều phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc. Và những người cán bộ Mặt trận tận tụy, gương mẫu luôn là những điển hình sáng trong công tác vận động, tuyên truyền.

Chiến sỹ Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ, Đồn Biên phòng Ka Lăng tuần tra biên giới.

1. Thời gian qua, cùng với việc tổ chức triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã có kế hoạch hướng dẫn cấp huyện, cấp xã biên giới, ven biển có ít nhất 1 mô hình khu dân cư đạt chuẩn về an ninh trật tự vùng biên giới và ven biển. Thực hiện kế hoạch này, tại các địa phương nhiều mô hình đã xuất hiện như: “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ tự quản công trình biên giới”, “Tổ tàu thuyền, bến, bãi an toàn”, “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”, “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”… Cùng với đó, MTTQ và các đoàn thể đã xây dựng mới và duy trì 17 cặp bản kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, tổ chức kết nghĩa 5 cặp đơn vị đồn biên phòng hai bên biên giới giữa Thanh Hóa với biên phòng nước bạn Lào.

Trong các điển hình thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” phải kể đến xã Tam Chung. Tam Chung có đường biên dài tới 8km, thời gian qua MTTQ xã đã phối hợp với chính quyền, bộ đội biên phòng tuyên truyền xây dựng và phát huy có hiệu quả các mô hình, phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh trật tự trên tuyến biên giới như: “Quần chúng tự quản đường biên, cột mốc biên giới bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới”; “Tổ nông dân tự quản đường biên - cột mốc”...

Các tổ tự quản thường xuyên phối hợp với lực lượng đồn biên phòng tổ chức tuần tra biên giới, làm vệ sinh và trồng cây xanh tại khuôn viên cột mốc. Tổ Phụ nữ vận động chị em phụ nữ buôn bán qua lại biên giới chấp hành tốt quy chế biên giới, không đi đường tiểu ngạch; Tổ Nông dân vận động nông dân có đất sản xuất sát đường biên cột mốc quan sát, bảo quản hiện trạng đường biên, cột mốc, thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng khi phát hiện có những hành vi, dấu hiệu làm sai lệch đường biên, cột mốc biên giới.

Ngoài ra, để người dân hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc góp phần giữ gìn đường biên giới hòa bình, hữu nghị, cán bộ MTTQ xã đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, ngoài tuyên truyền tập trung tại các nhà văn hóa thì vận động theo phương châm tới từng nhà, gặp từng người…Trong năm 2016 và 2017, MTTQ và các tổ chức đoàn thể xã Tam Chung phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức tuyên truyền tập trung được 12 buổi/1.300 lượt người tham gia.

Theo ông Hoàng Minh Châu- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tam Chung, kết quả thực hiện “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” đã nâng cao được tính chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện và giải quyết được kịp thời hơn đối với các vụ việc xảy ra trên biên giới. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống cho nhân dân các dân tộc khu vực biên giới.

2. Đắk Lắk có khoảng 73km đường biên giới, thuộc 2 huyện Ea Súp và Buôn Đôn, tiếp giáp với 2 huyện Cô Nhéc và Batchanđa (tỉnh Mondulkiri - Lào). Thời gian qua, MTTQ tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia. Từ tháng 1/2011 UBMTTQ tỉnh Đắk Lắk và Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc tỉnh Mondulkiri đã thống nhất ký cam kết về “Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”. Qua triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cùng với thực hiện cam kết này, hai bên cũng đã phát động nhiều phong trào quần chúng tham gia tự quản bảo vệ cột mốc biên giới, giữ gìn trật tự buôn làng, khu vực biên giới. Nhân dân khu vực biên giới 2 tỉnh đã ký cam kết không xâm canh, xâm cư qua biên giới, tích cực tham gia tố giác tội phạm, khi phát hiện những trường hợp vi phạm quy chế biên giới, kịp thời báo cho lực lượng chức năng, chính quyền địa phương hai tỉnh xử lý, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự khu vực đường biên.

Không chỉ phối hợp bảo vệ nguyên trạng đường biên, mốc giới; Mặt trận và đoàn thể các cấp cùng đồng bào các dân tộc vùng biên còn hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh…Theo ông Y Dec H’Đơk- Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đắk Lắk, qua hơn 5 năm thực hiện công tác ký kết phối hợp giữa MTTQ tỉnh Đắk Lắk và Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc tỉnh Mondulkiri tình hình an ninh chính trị vùng biên giới luôn được giữ vững, tình trạng xâm canh, xâm cư, vi phạm quy chế biên giới không còn. Nhân dân hai nước vùng biên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu.

Ủy ban Mặt trận các cấp 2 tỉnh Đắk Lắk - Mondulkiri và các tổ chức đoàn thể có liên quan đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Campuchia; về ý nghĩa của việc xây dựng tình đoàn kết láng giềng giữa nhân dân hai tỉnh Đắk Lắk, Mondulkiri. Qua đó, hai bên đã phối hợp tổ chức được nhiều buổi giao lưu, nói chuyện về truyền thống lịch sử, tinh thần đoàn kết hữu nghị, sự giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia; tuyên truyền về tình hình an ninh biên giới; các loại tội phạm, tệ nạn thường hoạt động ở vùng biên giới, hai nước thời gian qua, để người dân hai bên ngày càng hiểu biết lẫn nhau, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự nơi biên giới…

3. Cùng với cán bộ Mặt trận, nhiều người có uy tín, tiêu biểu, các già làng, trưởng bản ở khu dân cư đã rất gương mẫu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường đoàn kết, thực hiện tốt phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc. Mới đây, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tổ chức Hội nghị biểu dương “Người có uy tín, tiêu biểu trong phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” khu vực biên giới tuyến Việt Nam - Campuchia. Phát biểu tại hội nghị Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, cho biết trong những năm qua, Mặt trận các cấp đã phối hợp với BĐBP tuyên truyền, vận động hơn 200 nghìn hộ gia đình góp phần tham gia xây dựng 1.137 km biên giới giữa Việt Nam - Campuchia trở thành biên giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai nước.

“Thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, Mặt trận đã phối hợp với lực lượng Công an, BĐBP lựa chọn, xây dựng được rất nhiều tấm gương người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy có hoàn cảnh hoặc ở những cương vị công tác khác nhau nhưng họ đều là những người thấu hiểu địa bàn, thấu hiểu hoàn cảnh, bằng uy tín của bản thân và ngôn ngữ của đồng bào để tuyên truyền, vận động đến từng cá nhân và hộ gia đình thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về giữ gìn an ninh trật tự nơi biên giới”- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Nhật Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-noi-co-so/giu-gin-duong-bien-hoa-binh-huu-nghi-tintuc413768