Giữ gìn 'báu vật' văn hóa Mường: Vấn đề cũ cần giải pháp mới

Văn hóa và Đời sống - Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường là 'bài toán' cũ nan giải và đang cần 'lời giải' mới.

Trường THCS Dân tộc nội trú Cẩm Thủy (Cẩm Thủy) đưa vào hoạt động ngoại khóa chương trình tìm hiểu về cách sử dụng cồng chiêng.

“Thắp lửa” trong môi trường học đường

Đưa giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc Mường vào trường học là hướng đi đúng đắn, sáng tạo trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Những năm gần đây, việc bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung và dân tộc Mường nói riêng được ngành giáo dục Thanh Hóa quan tâm. Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, các thầy cô giáo đã có những cách làm sáng tạo, giúp các em hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc.

Cứ vào thứ 2 hằng tuần và các ngày lễ lớn trong năm, học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú Cẩm Thủy đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nếp sinh hoạt này đã được nhà trường duy trì từ nhiều năm nay, không chỉ giúp các em ghi nhớ đặc điểm hoa văn, họa tiết, mà còn hiểu được ý nghĩa của trang phục. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, học tập theo chương trình chính khóa, nhà trường còn lồng ghép các nội dung giáo dục địa phương như: Kiến trúc nhà cửa, trang phục, ẩm thực truyền thống dân tộc Mường; những điệu dân ca, trò chơi dân gian, nhạc cụ dân tộc...

Em Phạm Hoàng Minh, học sinh lớp 7B, Trường THCS Dân tộc nội trú Cẩm Thủy, tâm sự: “Được học dưới mái trường này cháu cảm thấy rất vui. Bởi lẽ, ngoài việc được tiếp thu tri thức khoa học, chúng cháu còn được các thầy cô trong trường truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trong tỉnh. Qua đó, giúp cháu thêm yêu truyền thống văn hóa của ông cha, đặc biệt là văn hóa Mường”.

Thầy giáo Hoàng Văn Quyết, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú Cẩm Thủy cho biết: Nhà trường có tổng số 240 học sinh, trong đó 200 học sinh là dân tộc Mường. Nhận thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhà trường đã có những việc làm thiết thực, hiệu quả. Thông qua hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, tạo sân chơi, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, giúp các em có điều kiện giao lưu, trao đổi học tập, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc và nỗ lực học tập tốt để sau này đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Thủy, cho rằng: Đưa giáo dục văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nói chung và dân tộc Mường nói riêng vào trường học góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tế mỗi năm, các nhà trường sẽ có những cách làm khác nhau, tạo hiệu quả tốt hơn, không gây nhàm chán cho học sinh.

Tương tự tại Trường THCS Dân tộc nội trú Thạch Thành các chương trình giáo dục cũng được thực hiện lồng ghép với các hoạt động: Thi nấu các món ăn dân tộc, làm bánh, biểu diễn trang phục dân tộc Mường, đánh mảng, ném còn...

Cô giáo Đinh Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường luôn quan tâm tới việc giáo dục truyền thống văn hóa các DTTS, thông qua hình thức tích hợp các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân; tổ chức giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức đa dạng như sân khấu hóa, tham quan, tìm hiểu thực tế tại các điểm có nét văn hóa, di tích lịch sử... Thông qua các hoạt động trên, học sinh thêm yêu những giá trị truyền thống của ông cha, từ đó các em sẽ có hành động gìn giữ và phát huy”.

Khơi dậy lòng tự hào bản sắc dân tộc, quan tâm đời sống nghệ nhân

Cẩm Thủy là huyện miền núi có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Mường chiếm gần 60% dân số. Người Mường ở Cẩm Thủy hiện vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc như: Văn hóa cồng chiêng, hát ru, hát sắc bùa... Đây là tài sản văn hóa đặc biệt quý giá, góp phần quan trọng làm nên sắc thái văn hóa xứ Thanh. Nhận thức sâu sắc quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển kinh tế - xã hội”, huyện Cẩm Thủy đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường như: Tổ chức các lớp tập huấn nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng; xây dựng câu lạc bộ cồng, chiêng; khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống và các trò chơi, trò diễn truyền thống...

Tuy kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường được cấp ủy, chính quyền xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy) luôn đặt lên hàng đầu. Để làm được điều này xã Cẩm Ngọc đã chỉ đạo các thôn thành lập các đội văn nghệ và thường xuyên tập luyện. Những buổi sinh hoạt cộng đồng hay các ngày lễ lớn trong năm, đội văn nghệ của thôn có nhiều chương trình, tiết mục biểu diễn mang đậm nét truyền thống như: Đánh cồng chiêng, hát ru, trình diễn sắc bùa...

Ông Quách Văn Tuân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc thôn Đồng Lão, xã Cẩm Ngọc cho biết: “Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các thành viên trong câu lạc bộ rất hăng say tập luyện, sẵn sàng tham gia biểu diễn phục vụ Nhân dân trong thôn, xã vào các dịp lễ, tết. Những lời ru, điệu hát, tiếng cồng âm vang, trầm bổng được biểu diễn trên sân khấu có sức lan tỏa mạnh mẽ tới Nhân dân. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người dân trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Xuân Phúc, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Thủy, cho biết: Sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, bản sắc văn hóa của các DTTS trên địa bàn huyện dần được gìn giữ phát huy. Cùng với sự xuất hiện trở lại ngày càng rầm rộ trang phục váy áo phụ nữ Mường, xây dựng nhà sàn truyền thống, thì chiêng Mường cũng đã có sự hồi sinh mạnh mẽ. Thực tiễn cho thấy, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong quần chúng Nhân dân là giải pháp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường cần có chính sách quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của các nghệ nhân. Bởi lẽ, họ được xem là “bảo tàng sống”, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Cũng chính họ, đang từng ngày “giữ lửa”, để văn hóa truyền thống phát huy giá trị to lớn trong đời sống tinh thần của Nhân dân. Tuy nhiên, phần lớn các nghệ nhân đều là những người nghèo, tuổi cao, sống ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững. Vì vậy, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nói chung và đồng bào dân tộc Mường nói riêng là chủ trương thiết thực, vừa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân vừa nâng cao đời sống tinh thần, tạo sự đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, ông Mai Xuân Bình: Bằng tài năng, tâm huyết và trình độ nghề nghiệp của mình, các nghệ nhân đã tự mình sáng tạo hoặc chắt lọc sáng tạo của cả cộng đồng, góp phần bổ sung, làm giàu đẹp thêm cho truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đóng vai trò then chốt, nếu không có họ, chắc chắn một khối lượng lớn giá trị văn hóa sẽ không được bảo lưu một cách nguyên bản, cũng như sẽ không có người truyền dạy cho lớp trẻ. Tuy nhiên, cũng cần có những chính sách bảo đảm đời sống cho các nghệ nhân, để họ vơi bớt những gánh nặng cuộc sống, dành trọn tâm huyết của mình để bảo tồn, phát huy báu vật của ông cha.

Hải Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa-doi-song/giu-gin-bau-vat-van-hoa-muong-van-de-cu-can-giai-phap-moi/19416.htm