Giữ gìn, bảo tồn chữ Nôm Dao

Chữ viết là tài sản, là văn hóa, niềm tự hào của mọi dân tộc. Thế nhưng, người Dao quần chẹt ở chân núi xã Ba Vì, huyện Ba Vì (Hà Nội) lại đang lo lắng việc mai một 'cái chữ' của chính dân tộc mình trong những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng và sinh hoạt đời thường của họ.

 Ông Triệu Phú Đức và cuốn sách chữ Nôm Dao được chép tay.

Ông Triệu Phú Đức và cuốn sách chữ Nôm Dao được chép tay.

Tại xã Ba Vì hiện có hơn 600 hộ dân với khoảng hơn 2.000 người, trong đó 98% là đồng bào dân tộc Dao quần chẹt sinh sống suốt hàng trăm năm qua. Đời sống kinh tế đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ hơn, đồng bào dân tộc Dao nơi đây duy trì và phục hồi những nét văn hóa truyền thống, các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Điều đáng nói là việc thực hiện các nghi lễ đều phải được tiến hành bằng chữ Nôm Dao và tiếng Dao văn chương mà không phải tiếng Dao đời thường. Thế nhưng, thực tế là chữ Nôm Dao, một di sản văn hóa quý báu, gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Dao lại đang đứng trước nguy cơ biến mất tại chính nơi này.

Ông Triệu Phú Đức, 68 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Ba Vì từ năm 1999-2011 và hiện sống ở thôn Yên Sơn cho hay, hằng năm người Dao thường tổ chức các nghi lễ cơ bản như: lễ cấp sắc (lễ đặt tên âm cho con trai đã lập gia đình); lễ tạ mả (lễ làm mả giả); lễ Tết nhảy; lễ khai quang… Tuy nhiên, hiện tại, để thực hiện các lễ này thì người trong nhà không thể tự làm mà phải thuê người ngoài, người khác họ. Vì thế, để duy trì các nghi lễ này buộc phải có nhiều người biết chữ Dao, biết tiếng Dao văn chương. Thực tế là thế hệ trẻ tại xã Ba Vì nói chung, các thôn Yên Sơn, Hợp Sơn và Nhất Sơn nói riêng thì không mặn mà với chữ Dao, trong khi người già biết chữ thì ngày một thưa dần.

Theo tư liệu của Cục Di sản văn hóa, về tổng quan, chữ Nôm Dao là một hệ thống ký tự chữ Hán được phiên âm ra tiếng Dao. Đây là những chữ Hán dạng phồn thể, được giữ nguyên tự dạng. Tầng lớp trí thức người Dao, qua các thế hệ, đã Dao hóa cách phát âm các chữ Hán, cho gần gũi với tiếng Dao và vẫn giữ nguyên gốc nghĩa của các từ này. Phiên âm này được đọc theo một cách hoàn toàn khác tiếng Dao sử dụng trong cuộc sống thường ngày, cho nên các nhà nghiên cứu gọi đó là tiếng Dao văn chương. Tuy khác biệt so với tiếng Dao đời thường, nhưng tiếng Dao văn chương cũng không giống cách đọc Hán - Việt của người Kinh bởi nó đã có một quá trình Dao hóa cách phát âm, cho gần với ngôn ngữ Dao đời thường hơn. Chỉ những người biết đọc, biết viết mới sử dụng được mà không phổ biến như là chữ viết phổ thông của dân tộc. Thực tế, chỉ những người Dao đi làm thầy Tào, thầy cúng mới học, mà việc học cũng chủ yếu để đọc được sách cúng do tổ tiên truyền lại, mà không đi sâu tìm hiểu ngữ nghĩa, triết lý chứa đựng trong đó. Hiện nay, phần lớn gia đình người Dao có người cao tuổi tại xã Ba Vì đều còn giữ những cuốn sách cổ do ông cha để lại.

Theo những người cao tuổi ở thôn Yên Sơn, chỉ còn có bốn người Dao cao tuổi còn có thể đọc và viết được chữ Nôm Dao là ông Triệu Phú Đức và người em trai là Triệu Phú Thành cùng ông Triệu Văn Lịch và ông Lý Văn Phú. Bên cạnh đó, chỉ có khoảng bảy người có thể đọc, số còn lại hầu như “vô cảm” với loại chữ độc đáo này. Nếu trước đây, chữ Dao được lưu giữ bằng cách cha dạy cho con, kết hợp với học thêm từ những người cao tuổi thì hiện nay, phương cách này hoàn toàn bị triệt tiêu. Thanh niên người Dao ở thôn Yên Sơn đều tập trung, ưu tiên việc làm kinh tế cho nên họ không còn quan tâm tới con chữ mang bản sắc của dân tộc mình. Chính vì thế, việc con chữ Nôm Dao sớm chìm vào quên lãng là khó tránh khỏi nếu không có chính sách gìn giữ kịp thời.

Chữ Nôm Dao không khó học, nếu ai có đam mê thì chỉ một năm sẽ đọc được, viết được loại chữ này. Cách đây 20 năm, xã Ba Vì có mở một lớp học tiếng Dao ban đêm cho người trong xã. Song do cơ sở vật chất lớp học khi đó nghèo nàn, kinh phí không có, học viên đi học đóng góp chủ yếu bằng lúa gạo cho nên lớp học cũng không tồn tại được bao lâu. Theo lãnh đạo xã Ba Vì và những người tâm huyết với việc bảo tồn chữ Nôm Dao, để việc lưu giữ, bảo tồn không chỉ dừng lại ở việc phát động chung chung, cần có một chính sách bảo tồn rõ ràng và cơ chế khuyến khích việc học và sử dụng chữ Nôm Dao. Việc giữ gìn, bảo tồn như vậy sẽ không quá khó nếu có nguồn kinh phí để mở những lớp học chữ Nôm Dao cho người dân. Có kinh phí, cộng với nỗ lực của những người cao tuổi biết viết và đọc trong xã, cùng đề án khuyến khích bảo tồn của xã, của thành phố và công tác tuyên truyền tới thế hệ trẻ, chắc chắn bài toán gìn giữ chữ Nôm Dao ở Ba Vì sẽ có lời giải. Di sản văn hóa quý báu của người Dao nơi đây sẽ được bảo tồn và tiếp tục phát triển.

Bài và ảnh: MẠNH HÀO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/40559902-giu-gin-bao-ton-chu-nom-dao.html