Giữ cho đảo... hoang sơ

Đêm, gió mang hơi mặn thổi vào lòng đảo Bé (xã đảo An Bình, huyện Lý Sơn), ông hướng dẫn tôi hít hà mùi biển, cảm nhận sự thú vị của đại dương. Rồi, ông bảo hãy giữ thiên nhiên làm mạch sống...

Những homestay trên đảo Bé được mở ra từ sự gợi ý của Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh. Ảnh: Trần Mai.

Những homestay trên đảo Bé được mở ra từ sự gợi ý của Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh. Ảnh: Trần Mai.

Ông là tiến sĩ môi trường Chu Mạnh Trinh (56 tuổi) - một người có công lớn trong việc gìn giữ và tạo nên sức hút của Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Với tiến sĩ môi trường này, tạo hóa luôn có lý lẽ của mình. Vì thế, nếu con người biết giữ gìn và phát huy đúng cách thì sẽ phát triển mà chẳng cần khối bê tông nào cắm vào lòng đất. Và ông đang tiếp tục hành trình của mình trên đảo Bé, với những người dân chân chất nơi đây.

Thay đổi nhận thức

Thay đổi tập quán, nhận thức và sinh kế chưa bao giờ là chuyện giản đơn. Cuộc chiến thay đổi nhận thức cho cư dân đảo Bé với ông Trinh là ba năm miệt mài nhọc sức. Có những mùa biển động, ông ra đảo Bé ở với người dân. Khi lương thực cạn dần, biển mẹ không cho tôm cá, mà thay vào đó là... rác người dân vứt ra biển lại tràn bờ. Khi ấy, ông Trinh lại to nhỏ: “Đấy, bà con đánh bắt sống qua ngày, thiên nhiên thay đổi là cũng chết theo. Bà con phải giữ gìn, mùa cá sinh sản thì cất thuyền, đi làm việc khác. Bà con đi làm du lịch, sống được hơn nhiều, mà muốn làm du lịch thì phải dọn rác đi, tạo điều kiện cho san hô, rong phát triển, con cá, con tôm nhiều, du khách đến đông thì khỏi lo nghèo khó”.

ng Trinh như chú ong thợ, kiên nhẫn động viên những người làm tốt và tổ chức chuyến đi ra Cù Lao Chàm học hỏi làm du lịch cộng đồng. Cứ thế, ý thức ngấm dần như mạch nước, cả đảo biết giữ lại san hô, bảo vệ con cá, hạn chế dần việc sử dụng túi ni lông và đón khách.

Rồi cái ngày ấy đến, trong cuộc tiếp xúc cử tri tại đảo Bé, người dân bày tỏ ý kiến đề nghị chính quyền không cho tàu bè vào đánh bắt gần đảo, làm vậy là tận diệt nguồn sống của người dân, ông Trinh hiểu những cố gắng của ông đã thành công. “Nghe người dân lên tiếng mà mình vui chi lạ. Kiểu như mình có thêm những nhà bảo tồn tâm huyết đồng hành. Lúc mới ra đảo, tôi dự tính 5 năm là thay đổi nhận thức của người dân, không ngờ đến năm thứ 3 thì toàn đảo Bé đã đổi thay”, ông Trinh nói.

“Tôi đến đây không phải mang những cách làm của nơi khác đến áp đặt cho người dân làm theo, mà điều cốt lõi là người dân hiểu rõ tiềm năng của cộng đồng mình từ đó mà phát huy”.

Tiến sĩ CHU MẠNH TRINH

Kéo những người bạn quốc tế

Sau cái lần tiếp xúc cử tri ấy, người dân tìm đến ông Trinh nhiều hơn, chiếc thúng đánh bắt được tô vẽ thành thúng chở du khách lặn san hô, bờ biển thành nơi sinh hoạt của du khách về đêm, căn nhà nhỏ bé được sơn sửa thành những homestay đón khách... cuộc chuyển mình chính thức bắt đầu với người dân đảo Bé. Những người con xa xứ mưu sinh trở về cố hương tạo dựng nghiệp nghề... Đảo già ngập tràn sức trẻ.

Thong dong trong đêm cùng ông đến các nhà dân, sau lời chào nhau, hàng loạt câu hỏi từ dịch vụ lưu trú homestay đến giới thiệu đảo Bé như thế nào với du khách đến đây lần đầu và cả những người đã đến đây nhiều lần... Với ông Trinh đó là niềm vui quá lớn, bởi nhiều năm gắn bó với khu sinh quyển Cù Lao Chàm, giúp người dân hòn đảo này sống được với du lịch, hơn ai hết ông hiểu giá trị của bảo tồn chỉ thành công khi cộng đồng chung tay. “Tôi rất thích thú khi bị hỏi ngược, tôi cảm thấy mình đang bàn thảo cùng người dân hơn là chỉ dạy”, Tiến sĩ Trinh nói.

Một góc đảo Bé. ẢNH: Th.Trung.

Những câu hỏi của người dân đảo Bé hôm nay giống hệt 15 năm trước người dân Cù Lao Chàm hỏi ông. Người dân đã biết tựa mình vào thiên nhiên mà sống, nhưng vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng của đảo. Có quá nhiều thứ bị bỏ quên, ông tự đặt cho mình trách nhiệm phải khơi dậy đủ đầy nét đẹp đất trời và con người trên hòn đảo. “Tôi đến đây không phải mang những cách làm của nơi khác đến áp đặt cho người dân làm theo, mà điều cốt lõi là người dân hiểu rõ tiềm năng của cộng đồng mình, từ đó mà phát huy”, Tiến sĩ Trinh chia sẻ.

Khi ông Trinh như một công dân danh dự ở đảo, uy tín của ông lớn dần là lúc chén cơm của người dân không lấy lên từ tài nguyên dưới đáy biển. Tất cả đến từ văn hóa và tạo hóa được giữ gìn. Thế rồi, những người bạn quốc tế được ông dẫn về đảo. Những kinh nghiệm toàn cầu hóa cho du lịch dần truyền đến người dân.

Cách đây hơn một năm, hai chuyên gia người Mỹ là Ashley Hollenbeck và Nicole Bortley theo lời mời của Tiến sĩ Trinh đã ghé đảo Bé. Rong ruổi đến nhiều quốc gia để giúp đỡ người dân làm du lịch cộng đồng, giáo sư Ashley Hollenbeck, đã phân tích được nguồn lực hiện có của đảo Bé và lực cản cho đảo Bé hút khách, đó là môi trường và nguồn nước, cùng với sự hiểu biết của hướng dẫn viên nông dân.

Ông Bùi Hoàng (86 tuổi), người cả một đời sống ở đảo, khi ông Trinh “bật mí” nên tận dụng khối nham thạch ngủ vùi dưới nền nước trước nhà đón khách. Ông Hoàng làm một cây cầu, người đến thăm thú nhiều, ông nghĩ là thành công. Nhưng rồi khi giáo sư Ashley Hollenbeck hỏi khối đá hình thành từ lúc nào thì ông lão bí rị. Sau cái lần đó, ông Hoàng nhờ con cháu tìm hiểu, giờ thì nói vanh vách từ văn hóa đến từng phiến đá, ngọn cây trên đảo.

Những chuyên gia quốc tế theo lời mời của ông Trinh đến đảo Bé cũng chính là những người bạn quốc tế góp sức đưa đảo Bé trở thành một điểm đến mới với du khách toàn cầu. Trong đáy mắt ông Trinh bây giờ đầy những suy nghĩ lớn. Vài năm nữa thôi, cư dân trên đảo phải không sử dụng túi ni lông hoàn toàn, biết tiếng Anh để giao tiếp. Và trong đầu ông Trinh lại tính toán cho người dân đảo Bé chuyện học tiếng Anh, tổ chức sự kiện, đa dạng dịch vụ lưu trú về đêm... Hành trình đổi thay toàn diện hòn đảo đang ở phía tương lai...

(Baoquangngai.vn)

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/giu-cho-dao-hoang-so-100053.html