Giữ cho buôn làng im tiếng súng

Lâu nay, người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn có thói quen sử dụng vũ khí tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng, nương rẫy... mà không lường hết mối nguy hiểm cũng như việc vi phạm pháp luật.

Đã có những vụ án mạng, tai nạn, những cái chết thương tâm, oan uổng do súng tự chế gây ra. Bởi vậy, thời gian qua, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, công tác quản lý và vận động người dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) ở tỉnh Đắk Nông đã có những chuyển biến tích cực, góp phần gìn giữ sự bình yên của mỗi buôn làng.

Công an huyện Tuy Đức đến nhà tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Công an huyện Tuy Đức đến nhà tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Gõ cửa từng nhà

Anh Hoàng Văn Lầu, người dân tộc Mông ở huyện Cư Jút cho biết: “Người Mông mình có tập tục sử dụng súng tự chế để săn bắn và bảo vệ mùa màng. Mình cũng được ông bà để lại cho 1 súng tự chế nhưng để lâu lắm rồi không sử dụng. Nay được cán bộ công an đến tuyên truyền, mình biết việc cất giữ, sử dụng súng tự chế là vi phạm pháp luật và nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Do đó, mình đã tự nguyện lấy súng giao nộp và mong mọi người, ai còn súng hãy giao nộp cho công an và chính quyền”.

Còn anh Hoàng Hữu Định ở xã Đắk N’Drót thì chia sẻ: “Khẩu súng tự chế này đã gắn bó với mình từ lâu nhưng khi được nghe cán bộ công an tuyên truyền, vận động, mình hiểu việc tàng trữ, sử dụng súng tự chế là vi phạm pháp luật, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người khác nên mình tự nguyện giao lại. Thôn mình cũng có nhiều người sử dụng súng tự chế nhưng giờ cũng đã giao nộp rồi. Nếu thấy gia đình nào còn, mình cũng sẽ động viên mang đi giao nộp lại thôi”.

Thời gian qua, lực lượng công an các cấp trong tỉnh Đắk Nông đã băng rừng, lội suối đến tận những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại và sự nguy hiểm của việc tàng trữ, sử dụng VK, VLN, CCHT. Hàng năm, người dân trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện giao nộp hàng trăm súng tự chế, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho Cơ quan công an, giống như anh Lầu, anh Định.

Công an huyện Cư Jút đến nhà tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đại úy Phan Lê Tiến - Trưởng Công an xã Đắk N’Drót cho biết: “Là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đắk Mil với hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào sinh sống tại địa phương. Cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy và khai thác các nguồn lợi từ rừng và do tập tục nên đồng bào dân tộc thiểu số ở đây vẫn còn thói quen tàng trữ, sử dụng súng tự chế.

Công an xã đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp giữa vận động tập trung và vận động cá biệt, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Qua đó, người dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân”.

“Với việc chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp công tác, trong đó chúng tôi đã bố trí cán bộ đến từng nhà để lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí gắn với tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phòng chống dịch COVID-19. Trong tuần đầu thực hiện đợt tổng kiểm tra và cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT, Công an xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức đã thu hồi được 11 súng tự chế các loại, trong đó, người dân tự nguyện giao nộp 9 súng tự chế và thông qua công tác tuần tra kiểm soát lực lượng Công an phát hiện, thu giữ 2 súng tự chế”, Thiếu tá Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng Công an xã Quảng Tân chia sẻ.

Vào rừng tìm súng

Với việc đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức của lực lượng Công an và các ngành chức năng mà ý thức của người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được nâng lên, tích cực giao nộp cũng như mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm về VK, VLN, CCHT. Tuy nhiên, vẫn còn một số người sử dụng, xem súng là công cụ kiếm sống nên vẫn ngoan cố, không tự giác giao nộp.

Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường giấu súng trong chòi, rẫy ở giữa rừng. Vào buổi sáng sớm, họ vào chòi, rẫy lấy súng đi săn và sau khi săn được thú họ lại cất giấu súng chứ không mang theo về nhà. Nơi cất giấu súng thường ở trong rừng sâu, xa khu dân cư.

Thiếu tá Nông Thị Thùy Linh - Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Cư Jút cho biết “Để thực hiện tốt đợt cao điểm, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thành lập các tổ tuần tra kiểm soát, Công an huyện đã cử trinh sát xuống địa bàn trực tiếp nắm bắt tình hình, rà soát từng đối tượng thường xuyên sử dụng súng tự chế săn bắn thú rừng.

Người dân huyện Cư Jút tự nguyện giao nộp súng tự chế cho lực lượng Công an.

Qua theo dõi, nắm bắt được quy luật sử dụng súng, các trinh sát còn phải áp dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ phát hiện những nơi cất giấu súng tự chế của người đi săn. Mỗi lần thu giữ được một khẩu súng, các trinh sát phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng. Đa số các loại vũ khí mà đơn vị thu giữ được hiện nay đều do anh em vào tận rừng, đến nơi cất giấu của những đối tượng săn thú rừng.

Trong số hơn 20 súng tự chế mà Công an huyện Cư Jút thu hồi được trong những ngày đầu thực hiện đợt cao điểm thì có đến trên một nửa súng tự chế được thu giữ từ biện pháp nghiệp vụ”.

Theo Thiếu tá Trần Thị Thu Hiền - Trưởng Công an xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil “Đắk Lao là xã biên giới, có địa bàn rộng và đang còn rừng nên thời gian qua các đối tượng thường sử dụng súng tự chế để săn thú. Với phương châm bám địa bàn cơ sở, làm cho dân tin, dân hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, lấy biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chính, Công an xã Đắk Lao đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp VK, VLN, CCHT. Qua đó, hằng năm, người dân đã tự nguyện giao nộp hàng chục súng tự chế, VLN, CCHT, góp phần giữ vững an ninh, trật tự tại cơ sở.

Cùng với đó, Công an Đắk Lao còn phối hợp với lực lượng Biên phòng, xã đội và các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự và kịp thời phát hiện, thu giữ nhiều súng tự chế do các đối tượng mang đi săn bắn hoặc để lại trong rừng”.

Hiệu quả cao

Với những cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, công tác quản lý, thu hồi VK, VLN, CCHT trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Chỉ tính riêng trong hơn 10 ngày đầu thực hiện đợt tổng kiểm tra và cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT, lực lượng Công an toàn tỉnh đã thu hồi được gần 100 súng tự chế các loại, trong đó Công an huyện Cư Jút và Tuy Đức, mỗi đơn vị đã vận động người dân giao nộp hơn 20 súng tự chế, Công an huyện Đắk Song vận động người dân giao nộp 14 súng tự chế, Công an huyện Đắk Mil vận động người dân giao nộp 13 súng tự chế, 3 quả mìn...

Người dân huyện Cư Jút tự nguyện giao nộp súng tự chế cho lực lượng Công an.

Thượng tá Nguyễn Mậu Truyền - Trưởng Công an huyện Cư Jút cho biết: “Cùng với việc triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp, chúng tôi còn tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trích kinh phí để mua gạo hỗ trợ cho người dân tự giác giao nộp VK, VLN, CCHT theo các mức như (1 khẩu súng kíp, súng hơi sẽ hỗ trợ từ 10 đến 15kg gạo, 1 súng cồn sẽ hỗ trợ từ 3 đến 5kg gạo... Cùng với đó, chúng tôi cũng đề xuất cấp có thẩm quyền động viên, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phối hợp với Cơ quan công an tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp VK, VLN, CCHT”.

Thượng tá Đinh Văn Hiếu - Phó trưởng Công an huyện Đắk Mil thì khẳng định “Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, chỉ tính riêng đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và trong 10 ngày thực hiện đợt tổng kiểm tra và cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT, Công an huyện Đắk Mil đã thu hồi và tuyên truyền, vận động người dân giao nộp được gần 100 súng tự chế các loại, góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương.

Công an huyện Đắk Mil phối hợp với các ngành chức năng vào rừng thu hồi súng tự chế.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý VK, VLN, CCHT, thời gian tới Công an huyện Đắk Mil sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra hành chính, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thu hồi triệt để VK, VLN, CCHT còn trôi nổi ngoài xã hội, không để các đối tượng sử dụng gây án, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do VK, VLN, CCHT gây ra, góp phần giữ vững an ninh, trật tự tại địa phương”.

Những nỗ lực của lực lượng Công an Đắk Nông trong việc tham mưu, chủ động triển khai thực đợt tổng kiểm tra và cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT đã góp phần ngăn chặn nguy cơ gây mất ANTT, giữ vững bình yên trên mỗi buôn làng, ngõ xóm.

Minh Quỳnh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/giu-cho-buon-lang-im-tieng-sung-594875/