Giữ chân du khách bằng chợ đêm

Cần quy hoạch, tổ chức chợ đêm hợp lý, có bản sắc để nơi đây trở thành một điểm đến không thể thiếu trong lộ trình tour của du khách nước ngoài

Theo các công ty du lịch, hàng triệu khách quốc tế đến TP HCM mỗi năm nhưng chưa có nhiều sản phẩm du lịch về đêm, chợ đêm để du khách khám phá và tiêu tiền.

Trải nghiệm và... móc hầu bao

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cho biết nhiều thành phố du lịch ở Đài Loan, Thái Lan có các chợ đêm rất nổi tiếng.

Du khách tham quan chợ đêm Phú Quốc Ảnh: HOÀNG TUẤN

Du khách tham quan chợ đêm Phú Quốc Ảnh: HOÀNG TUẤN

Như ở Đài Loan, mỗi thành phố du lịch có một chợ đêm và khách Việt Nam nào đi tour cũng phải "ghé cho biết". Du khách rất thích thú được khám phá ẩm thực địa phương, mua sản phẩm truyền thống, đồ lưu niệm, thưởng thức nghệ thuật dân gian. Hay ở Thái Lan, Myanmar, chợ đêm thường nằm trong chương trình tour và không mất phí.

Với đoàn khách nước ngoài tới tham quan TP HCM hiện nay, công ty du lịch thường đặt ăn ở những quán có không gian văn hóa, có gánh, bưng, món ăn quê… để du khách chụp hình, khám phá ẩm thực. Nếu TP có chợ đêm, du khách có thể lưu lại thêm một đêm để đi chợ, thưởng thức ẩm thực, tăng chi tiêu.

"Khách quốc tế đến TP ngày một nhiều, nhu cầu vui chơi buổi tối, ăn đêm, trải nghiệm chợ đêm rất lớn nhưng đến giờ vẫn chưa có một chợ đêm đúng nghĩa. Những tuyến phố chuyên doanh ẩm thực cũng cần được quy hoạch lại, ở khu vực trung tâm TP, bảo đảm an toàn cho du khách và vệ sinh an toàn thực phẩm" - ông Từ Quý Thành đề xuất.

Gắn với bản sắc địa phương

Công ty Du lịch Ngôi Sao Biển đang đầu tư vào các dự án chợ đêm ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre; huyện đảo Phú Quốc và TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Theo ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT công ty, khi đi du lịch, khách sạn, dịch vụ ở các điểm đến nổi tiếng là như nhau, còn nơi để du khách trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu văn hóa địa phương chính là chợ đêm, các phố chuyên doanh ẩm thực. Bởi đây là nơi để du khách gặp người dân địa phương, có sự giao thoa nhất định để nhìn, cảm phong vị khác nhau, văn hóa khác nhau từ chuyện ăn, uống, ngắm nhìn. Không cần phải đi nhiều nơi, cứ đến chợ đêm sẽ được thưởng thức đầy đủ ẩm thực địa phương qua món ngon, sản vật… tích hợp ở chợ.

Mỗi địa phương cần xây dựng mô hình chợ đêm khác nhau và thể hiện được bản sắc riêng. Như chợ đêm Vũng Tàu phải có bánh khọt, chợ đêm Đà Nẵng phải có phố chuyên doanh mì Quảng… Ông Huỳnh Văn Sơn cho rằng yếu tố thành công của chợ đêm là lựa chọn vị trí ở nơi tiêu biểu về kiến trúc, cộng đồng, bản sắc của địa phương, như ở TP HCM phải làm chợ đêm là ở khu vực trung tâm, gần các cơ sở lưu trú giúp du khách có thể đi bộ.

Trong chợ đêm, trình độ của tiểu thương, nhất là cách ứng xử, cũng là yếu tố quyết định chuyện thu hút khách. Những món ăn ở chợ đêm phải phục vụ đầy đủ giác quan của con người, chiên xào nấu nướng như một "bếp mở", người ta nhìn không khí ở chợ để tăng cảm giác thèm ăn, món ăn phải dễ ăn tại chỗ, dễ gói mang đi...

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết một trong những kế hoạch về xây dựng sản phẩm du lịch của TP năm nay là phối hợp với hiệp hội ẩm thực triển khai các tuyến phố chuyên kinh doanh về ẩm thực, sắp xếp lại một số tuyến đường chuyên phục vụ ẩm thực cho du khách... Hiện một công ty du lịch đã đề xuất được đầu tư xây dựng chợ đêm phục vụ khách du lịch trên địa bàn quận 4. Doanh nghiệp và địa phương đang xúc tiến các bước để triển khai chợ đêm này.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/du-lich/giu-chan-du-khach-bang-cho-dem-20190307210852487.htm