Giữ cấu trúc đề, gắn thực tiễn trong kỳ thi lớp 10

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2020 sẽ không thay đổi nhiều trong cấu trúc đề thi. Nội dung đề các môn gắn với thực tế.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết nếu năm học kết thúc vào ngày 15/7 và kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8 đến 11/8 như Bộ GD&ĐT vừa điều chỉnh, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM có thể diễn ra khoảng ngày 17/7. Thi vào lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa diễn ra sau đó 1 tuần.

 Thí sinh dự kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.

Thí sinh dự kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.

Đề thi giữ ổn định

Ông Nguyễn Văn Hiếu khuyên học sinh không nên lo lắng, nếu tiến độ học chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh, sở sẽ tổ chức kiểm tra nội dung theo tiến độ dạy học thực tế. Nội dung trong đề thi không nằm ngoài kiến thức học sinh đã học, dạy đến đâu đề ra đến đấy.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ giữ ổn định như hướng dẫn vào đầu năm học, không có gì thay đổi. Nội dung giảm tải vẫn sẽ thực hiện như các năm trước theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Cấu trúc đề thi môn ngữ văn không thay đổi, gồm ba phần: Đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm). Với thời gian làm bài 120 phút, các câu hỏi sẽ được phân bố ở mức độ từ dễ đến khó, nhận biết, hiểu, phân tích, suy luận, đánh giá và vận dụng.

Phần nghị luận xã hội, học sinh cần vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính mình.

Phần nghị luận văn học, học sinh sẽ có 2 dạng, một là phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện để liên hệ đến tác phẩm khác, thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến; dạng thứ hai gợi mở hơn, học sinh đưa ra cách giải quyết vấn đề dựa vào kiến thức và kỹ năng của các em.

Đối với môn toán, đề sẽ gồm 8 câu, thời gian làm bài 120 phút. Trong đó, câu 1 và câu 2 là dạng toán cơ bản thuần túy về hàm số, đồ thị, phương trình; 5 câu tiếp theo là dạng toán thực tế; câu 8 là toán chứng minh hình học. Ở những bài toán thực tế, mức độ vẫn gắn với kiến thức theo chương trình học.

Về môn tiếng Anh, đề sẽ gồm 36 câu hỏi, từ vựng là yếu tố quan trọng, học sinh cần phải chú trọng từ vựng theo chủ đề, chủ điểm của các bài học trong sách giáo khoa, giảm thiểu về ngữ pháp. Các nội dung gắn với chủ điểm và thực tế diễn ra trong xã hội.

Tích cực ôn tập kiến thức

Lãnh đạo một trường THCS quận Bình Tân cho hay thời gian này, nhà trường đôn đốc giáo viên soạn giáo án ôn tập trực tuyến cho học sinh khối lớp 9. Nếu như kỳ thì tuyển sinh lớp 10 năm nay diễn ra vào ngày 17/7, trường vẫn đủ thời gian để học sinh lớp 9 ôn tập mà không phải học bù.

Theo kế hoạch của trường, các em đến lớp ngày 6/4 sẽ học chương trình chính khóa vào buổi 2. Trong thời gian nghỉ, học sinh lớp 9 được ôn tập trực tuyến nội dung học kỳ 1 những môn toán, văn, tiếng Anh, lý, hóa…, không dạy nội dung bài mới.

Cũng theo vị này, việc dạy trực tuyến của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn khi mỗi lớp chỉ có hơn 20 em tham gia học, để dạy bài mới hay định hướng ôn tập theo từng chuyên đề luyện thi lớp 10 sẽ không có sự đồng bộ, thiệt thòi cho những em không tham gia.

Phụ huynh của trường chủ yếu là công nhân, đời sống còn khó khăn, không có thời gian giám sát con cái. Thậm chí, có những gia đình phải cho con đi làm công nhân, phụ hồ cùng trong thời gian nghỉ học để có thêm thu nhập.

Vì vậy, chỉ có thể đưa ra những bài ôn tập đơn giản trong thời gian này, nhà trường đã chuẩn bị sẵn kế hoạch để ôn tập trọng tâm cho học sinh lớp 9 ngay khi các em quay trở lại trường.

Thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (quận 1), nói rằng trong thời gian này trường sẽ chú trọng ôn tập kiến thức 3 môn toán, văn, tiếng Anh cho học sinh lớp 9, các khối lớp khác được khuyến khích ôn tập.

Về định hướng ôn tập, thầy Khánh cho biết thầy cô sẽ xây dựng giáo án theo từng chủ đề chứ không phân biệt bài mới hay bài cũ, sau đó sẽ đưa lên website của trường theo lịch học trực tuyến.

Đối với những kiến thức mới, bắt buộc học sinh phải tương tác với giáo viên để hỏi những chỗ còn chưa hiểu, sau đó làm bài đánh giá kết quả sau mỗi chủ đề. Như vậy kiến thức của học sinh sẽ được bao quát, các em giải được nhiều dạng bài khác nhau.

Theo Nguyễn Thuận / Người Lao Động

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/giu-cau-truc-de-gan-thuc-tien-trong-ky-thi-lop-10-post1060486.html