Giữ át chủ bài, Thổ phớt lờ trừng phạt Mỹ

Bản thân Ankara đang nắm giữa những quân bài chiến lược có thể dùng để đối phó với sức ép từ Mỹ.

Ngay sau khi Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật áp đặt trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ do đã tiến hành chiến dịch quân sự ở Đông Bắc Syria và mua hệ thống tên lửa của Nga, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố:

"Chúng tôi xem những đe dọa này là không thể chấp nhận được, bởi vì nó thực sự là sức ép. Có những ví dụ về áp lực tương tự mà Washington tạo ra cho nhiều nước khác, chứ không chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ, và không chỉ về S-400, không chỉ về những chủ đề liên quan tới Nga.

Những năm gần đây, Washington đã sử dụng chính sách trừng phạt để thúc đẩy lợi ích của chính họ. Chính sách gây sức ép là không thể chấp nhận được trong hệ thống phối hợp hiện tại của các mối quan hệ quốc tế".

Lô thiết bị S-400 được Nga chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2019.

Lô thiết bị S-400 được Nga chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2019.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án dự luật trừng phạt này, đồng thời cho rằng đây là biểu hiện mới nhất của sự thiếu tôn trọng các quyết định chủ quyền đối với an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, đạo luật mà Thượng viện Mỹ vừa thông qua không có chức năng gì ngoài làm tổn hại quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ quan này yêu cầu Quốc hội Mỹ hành động theo lẽ thường.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar khẳng định, Ankara sẽ không rút lại việc mua S-400 và hiện đang liên hệ với các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ, để tìm giải pháp cho vấn đề này.

"Chúng tôi nhiều lần tái khẳng định Mỹ là đối tác chiến lược của chúng tôi, và chúng tôi hy vọng họ hành động phù hợp với tính thần của quan hệ đối tác chiến lược. Không có chuyện từ bỏ hệ thống này. Chúng tôi cần tập trung tìm ra một giải pháp cho sự tồn tại của hệ thống này", ông Akar nói trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Anadolu.

Theo Bộ trưởng Akar, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục liên hệ với tất cả các bên liên quan để giải quyết những bất hòa nảy sinh sau việc mua S-400, đồng thời nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất việc tiếp nhận hai khẩu đội S-400 từ Nga và đang trong quá trình lắp ráp.

Mỹ có thể phải trả giá

Dự luật áp đặt trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ của Mỹ đang khiến mối quan hệ hai nước trở nên tồi tệ. Tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, Ankara không hề có ý định nhượng bộ trước Washington.

Giới quan sát cho rằng, bản thân Ankara cũng đang nắm giữa những quân bài chiến lược có thể dùng để đối phó với sức ép từ Mỹ.

Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ có trong tay gần 4 triệu người tị nạn. Ankara đã nhiều lần cảnh báo sẽ thả số người tị nạn này sang châu Âu nhằm gây sức ép cho EU, buộc liên minh này phải trả tiền.

Thứ hai, Ankara có thể buộc Mỹ rút khỏi các căn cứ quân sự ở nước này, nếu Washington áp đặt trừng phạt liên quan đến hợp đồng mua hệ thống S-400 từ Nga.

Cụ thể, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố, Ankara có thể buộc quân Mỹ phải rời khỏi căn cứ không quân Incirlik và căn cứ radar Kurecik để trả đũa.

"Nếu Mỹ áp đặt trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ thì vấn đề về các cơ sở quân sự Incirlik và Kurecik có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự", hãng tin Sputnik dẫn lời ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Incirlik là một căn cứ không quân ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Không đoàn số 39 của không quân Mỹ đã đồn trú ở đây từ năm 1966 đến nay theo thỏa thuận giữa Washington và Ankara.

Các radar cảnh báo sớm thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở châu Âu cũng được triển khai ở căn cứ Kurecik, vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2012 và được vận hành bởi các sĩ quan quân đội Mỹ.

Thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng cửa eo biển chiến lược Bosphorus và bên chịu thiệt thòi rất có thể sẽ chính là Mỹ.

Sở dĩ eo biển Bosphorus cực kỳ quan trọng bởi nó là lối ra vào duy nhất của tàu bè từ biển Đen ra biển Địa Trung Hải để tiến vào Đại Tây Dương, khu vực này nằm hoàn toàn trong quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ vì vậy sẽ là ác mộng cho bên nào làm phật ý Ankara.

Đóng cửa eo biển Bosphorus sẽ hạn chế nghiêm trọng việc di chuyển tàu chiến và tàu dân sự từ Biển Địa Trung Hải sang Biển Đen và ngược lại.

"Phần Lan Romania, Bulgaria, Ukraine, Georgia - tất cả các quốc gia này có thể quên đi sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ tại biên giới của họ, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ đơn giản sẽ không cho chúng đi qua eo biển Bosphorus.

Chưa kể đến việc Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép tàu Mỹ đến lãnh thổ của họ, điều này tạo ra những vấn đề rất lớn đối với Washington", một chuyên gia phân tích cảnh báo.

Trường Sơn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/giu-at-chu-bai-tho-phot-lo-trung-phat-my-3393243/