Giữ an toàn khi sống cạnh đường ray

3 giờ chiều, chị Lê Thị Thắng, nhà ở cuối đường Lý Nhân Tông, TP Thanh Hóa vẫn đang cần mẫn với đám rau mà chị tranh thủ gieo cạnh đường ray tàu hỏa. Khu dân cư này chỉ cách đường ray tàu hỏa một con đường nhỏ và không có rào chắn.

Khu dân cư cạnh đường ray, đoạn gần cầu Phú Sơn, TP Thanh Hóa.

Sinh sống nhiều năm gần đường ray, chị Lý đã vượt qua khoảng thời gian khó chịu để quen với những âm thanh xình xịch của những chuyến tàu nhưng nỗi lo về sự an toàn của lũ trẻ sau giờ học vẫn khiến chị canh cánh, thấp thỏm trong lòng. Chị kể cách đây vài năm, một hôm chị đi làm về muộn, trong nhà chỉ có mấy chị em chơi với nhau chờ mẹ về. Đứa em út hơn 3 tuổi vừa lững thững chơi trước cổng, chỉ trong nháy mắt đã thấy cháu leo lên đường ray. Khi nghe tiếng tàu hỏa gần tới nơi, chị lớn trong nhà mới chạy ra tìm em, cũng may vừa kịp nhìn thấy em, chạy vội lên đường ray bế em xuống thì tàu mới ập đến. Sau lần “hú vía” đó, chị phải dặn dò các con không được chơi gần đường ray, đồng thời dạy chúng một số kỹ năng, phản xạ và làm quen với giờ tàu chạy... Các khu dân cư cạnh đường ray là điều không hiếm gặp ở nhiều nơi. Chỉ cần đứng trên cầu vượt Phú Sơn quan sát vào giờ tan tầm, chúng ta sẽ được chứng kiến một phần nhịp sống cạnh những đường ray không rào chắn. Ở đó, người dân dễ dàng đi bộ tắt qua đường ray để rút ngắn quãng đường; lũ trẻ con nô đùa, đạp xe xung quanh hành lang an toàn đường sắt, thậm chí có lúc dắt xe đạp đi qua rất nguy hiểm. Đặc biệt, ở những lối đi dân sinh tự mở qua đường sắt, những rủi ro tai nạn vẫn tiềm ẩn hằng ngày.

Tuyến đường sắt qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 103,5 km. Hầu hết tuyến đường bộ chạy song song với đường sắt và qua khu đô thị, đông dân cư như thị xã Bỉm Sơn, TP Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn và các thị trấn, huyện (trong đó, có 23,6km đường sắt chạy song song với Quốc lộ 1A). Tốc độ bình quân đạt 80,02km/h, đặc biệt khu gian Thanh Hóa - Yên Thái tốc độ bình quân đạt 100km/h. Trên tuyến đường sắt do Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa quản lý có 70 đường ngang hợp pháp, 98 lối đi do Nhân dân sinh sống hai bên đường sắt tự mở (1 đường ngang có gác và 8 lối đi trên thuộc phạm vi Công ty CP Đường sắt Hà Ninh quản lý). Ở những lối đi tự mở này, mặc dù đã có nhiều tuyên truyền, cảnh báo nhưng do ý thức, sự chủ quan, bất cẩn của một số người dân, những tiềm ẩn về hành vi mất an toàn giao thông đường sắt vẫn còn diễn ra. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 23 vụ tai nạn đường sắt, khiến 9 người thiệt mạng, 8 người bị thương. 9 tháng năm 2020, xảy ra 6 vụ tai nạn đường sắt, khiến 5 người thiệt mạng, 3 người bị thương. Thống kê của ngành đường sắt cho thấy, 70% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ở các lối đi tự mở, đường ngang dân sinh.

Trong 9 tháng năm 2020, thực hiện công tác phối hợp giữa ngành đường sắt và chính quyền địa phương để hạn chế các vụ tai nạn giao thông đường sắt, nhiều biện pháp đảm bảo an toàn đã được thực hiện, như: thu hẹp lối đi, vận động xóa bỏ lối đi khi có các hướng đi khác, tuyên truyền về an toàn giao thông đường sắt, cảnh giới, chốt gác tại các lối đi trong các dịp cao điểm vận tải... Kết quả, trong 9 tháng đã xóa bỏ được 1 lối đi tự mở tại Km146+425 trên địa bàn xã Yên Dương (Hà Trung); 8 lối đi tự mở đã được làm gồ giảm tốc tại Km148+4; Km150+565 thuộc thị trấn Hà Trung; Km163+450 thuộc xã Hoằng Quý (Hoằng Hóa); Km171+723 thuộc phường Hàm Rồng; Km177+175 thuộc phường An Hưng (TP Thanh Hóa); Km187+370 thuộc xã Hoàng Giang và Km192+375 thuộc xã Tế Tân (Nông Cống); Km215+840 thuộc xã Định Hải (thị xã Nghi Sơn).

Ngày 2-6-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND về việc thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Mục đích của kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của hành lang an toàn giao thông đường sắt, lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn hành lang an toàn giao thông đường sắt. Kế hoạch đặt ra nhiều giải pháp, giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan để tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đường sắt mà trước mắt là rào đóng các lối đi tự mở mà không phải xây dựng công trình phụ trợ (cầu vượt, hầm chui, đường gom...); đồng thời bố trí người và phương tiện giao thông đi theo các lối đi khác. Thu hẹp lối đi tự mở để hạn chế phương tiện cơ giới nhằm giảm nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông đối với lối đi tự mở có bề rộng lớn hơn 3m và mật độ giao thông thấp. Về lâu dài, xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách và các công trình phụ trợ để thực hiện xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh theo lộ trình đến năm 2025.

Rủi ro từ những khu dân cư sống cạnh đường ray không rào chắn hay những lối đi dân sinh tự mở là rất lớn. Vì vậy, mỗi người dân sinh sống trong khu dân cư dọc đường ray hay người điều khiển phương tiện giao thông mỗi lần băng qua đường tàu hãy tập thói quen dành vài giây dừng, đỗ quan sát hai phía đường tàu để xác nhận an toàn trước khi vượt qua.

Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/giu-an-toan-khi-song-canh-duong-ray/125454.htm