Giữ an toàn cho đường ngang

Người ngoài nhìn vào có thể thấy công việc của họ - những nhân viên gác chắn đường ngang là kéo barrie, không cho người dân băng qua đường ray khi tàu sắp đến. Trông qua có vẻ nhàn hạ nhưng đằng sau sự 'nhàn hạ' đó là biết bao khó khăn, nguy hiểm... Dù nắng như thiêu như đốt hay ngày đông lạnh cắt da cắt thịt, những nhân viên gác chắn đường ngang vẫn phải trực đủ, không chợp mắt nghỉ bất cứ giây phút nào, bảo đảm thông suốt cho những chuyến tàu tới trạm kế tiếp được bình an.

Nỗ lực lặng thầm

Những tai nạn đường sắt liên quan đến nhà ga, gác chắn, hệ thống quản lý an toàn trong ngành Đường sắt, thông tin tín hiệu… là vấn đề nổi cộm thời gian qua. Để khắc phục tình trạng này, ngành Đường sắt đã và đang tích cực triển khai các biện pháp phòng tránh tai nạn, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác cảnh báo, gác chắn đường ngang.

Công ty CP Quản lý & Xây dựng đường bộ I Hà Tây trao tặng quạt sưởi, động viên người lao động yên tâm công tác, đảm bảo sức khỏe khi làm việc. Ảnh: L.N

Công ty CP Quản lý & Xây dựng đường bộ I Hà Tây trao tặng quạt sưởi, động viên người lao động yên tâm công tác, đảm bảo sức khỏe khi làm việc. Ảnh: L.N

Còn nhớ, từ đầu năm 2011 trở về trước, đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua 2 huyện Thường Tín và Phú Xuyên có hơn 10 trục đường ngang dân sinh là những trục đường chính, giao cắt với đường sắt nhưng không hề có rào chắn, hay thiết bị cảnh báo… Do vậy, từng có thời điểm, trên tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn chạy qua địa bàn huyện Thường Tín đã xảy ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Mọi chuyện chỉ thay đổi từ khi các trạm gác chắn đi vào hoạt động.

Các trạm gác chắn đã thực sự phát huy hiệu quả khi không để xảy ra vụ tai nạn giao thông nào. Có một điều ít người biết về nghề giữ an toàn đường ngang là khi đã lên ban, công nhân gác chắn không được rời vị trí trực gác. Công việc chính của họ là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận giờ tàu đến và căn giờ kéo giàn chắn để bảo đảm đoàn tàu vượt qua mà không gặp chướng ngại nào.

Chị Hiểu – một nhân viên gác chắn thuộc Công ty CP Quản lý & Xây dựng đường bộ I Hà Tây chia sẻ, vì đặc thù công việc nên vào ca đêm, những nhân viên như chị thường xuyên thức trắng. Có người, dù chòi gác cách nhà không xa nhưng mâm cơm của gia đình vẫn ít khi được đông đủ.

Đáng chú ý, do đặc thì ngành nghề nên mỗi ca trực thường kéo dài 12 tiếng, trung bình có khoảng 25-30 chuyến tàu ngược xuôi. Khi làm ca đêm, nhiều nhân viên phải thức trắng, có những lúc buồn ngủ thì họ phải ép bản thân tỉnh táo bằng trà đặc, cà-phê hoặc đi vào nhà vệ sinh rửa mặt. “Mỗi ngày, trạm của tôi có hàng chục chuyến tàu qua lại. Nếu chỉ một sơ xuất nhỏ thôi là cũng có thể xảy ra tai nạn. Tắc trách để đi tù là một chuyện, để gây ra điều đáng tiếc thì mình sẽ ân hận cả đời” - chị Hiểu bộc bạch.

Lại nhắc đến những khó khăn về nghề, trong một đận tiếp xúc với anh Nguyễn Đào Việt Phương, Đội trưởng Đội gác chắn đường ngang Giáp Bát, người đã có thâm niên 30 năm trong nghề, tôi tình cờ biết công việc anh đang làm nhiều khi phải luyện cho bản thân tính… lỳ lợm.

Đầu trọc lốc, gương mặt quắc thước, ăn to nói lớn và khá hóm hỉnh, anh Phương bảo, lỳ lợm để bỏ ngoài tai những lời mắng chửi của người đi đường và hơn hết là để trụ lại với nghề. “Công nhân viên gác chắn là những người điềm đạm và nhẫn nhịn bậc nhất, đôi khi có người bảo là lỳ lợm. Nếu mình không yêu nghề thì khó mà trụ lại”, anh Phương ví von.

Được biết, đội của anh Phương quản lý tới 18 điểm giao cắt đường ngang đồng mức có gác từ Km2+925 (trạm gác chắn Trường Chinh - Ngã Tư Vọng) - Km11+325 (trạm gác chắn Ngọc Hồi). Công việc thường ngày không quá phức tạp, nhưng điều khiến những người gác chắn cảm thấy áp lực nhất là thái độ và ý thức của những người đi đường. Đóng chắn sớm dân cũng chửi, đóng muộn dân cũng mắng.

Nhiều người thậm chí còn bị dọa đánh, nhưng mãi rồi cũng… quen. Theo tìm hiểu, càng những dịp lễ Tết, áp lực công việc của nhân viên gác chắn lại tăng gấp nhiều lần. Chẳng quản mưa gió, họ dành những ngày đầu xuân bên gác chắn. Có những người đã nhiều cái Tết vẫn chưa một lần về quê, nôn nao nhìn những chuyến tàu xuôi ngược Bắc – Nam để rồi tự an ủi bản thân, mong một ngày được đón Tết ở quê nhà.

Chăm lo cho người lao động

Theo ông Nguyễn Đình Thuật – Đội trưởng Đội xây dựng Công trình II (Đội gác chắn) thuộc Công ty CP Quản lý & Xây dựng đường bộ I Hà Tây, những ngày qua, trời mưa rét, nhiệt độ ban đêm ngoài trời chỉ vào khoảng 11-13 độ. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công ty để chủ động phòng chống rét cho công nhân lao động. Ban Chỉ huy Đội đã thường xuyên nhắc nhở các điểm trực gác, rà soát, kiểm tra tu sửa cơ sở vật chất, đảm bảo kín đáo, tránh gió lùa, nhất là trong những ngày mưa rét.

Tất cả các ca trực thuộc các trạm gác chắn đường ngang nơi giao với đường sắt được trang bị đầy đủ, quần áo bảo hộ, găng tay, rèm cửa, chăn ấm; quạt sưởi ấm, đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân đi lại…

Đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương huyện Thường Tín và Phú Xuyên, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Ninh, lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông trên địa bàn trực gác; thường xuyên phối hợp với liên ngành kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn đường sắt trên tuyến Quốc Lộ 1A; tham mưu và thực hiện chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông trong công tác trực gác, hoàn thành các khối lượng sơn tổ chức giao thông, cắm đầy đủ các loại biển báo trên tất cả 12 vị trí được giao nhiệm vụ trực cảnh giới.

Theo tìm hiểu, tại Hà Nội, Công ty CP Quản lý & Xây dựng đường bộ I Hà Tây là một trong những đơn vị đang triển khai hiệu quả công tác trực cảnh giới đường ngang và phương án tổ chức trực cảnh giới 24/24 giờ tại các vị trí đường sắt giao cắt với lối đi dân sinh trên tuyến đường sắt qua địa bàn các huyện Thường Tín, Phú Xuyên của Thành phố. Theo đó, từ tháng 4/2011 đến nay, đơn vị được UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Hà Nội giao nhiệm vụ trực cảnh giới tại nhiều vị trí. Ngay khi được giao nhiệm vụ triển khai trực cảnh giới, đơn vị đã tổ chức và thành lập đội trực gác đường ngang với đầy đủ lực lượng cán bộ, công nhân theo sự chỉ đạo trực tiếp của Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông.

Công ty đã xây dựng nội quy quy chế trực gác, phân công giao nhiệm vụ, tập huấn và mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ gác đường ngang cho cán bộ, công nhân, đảm bảo đủ quân số phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt.

Trong suốt quá trình thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt trên địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên từ tháng 4/2011 đến nay, Công ty không để xảy ra bất kỳ tai nạn nào vào thời gian đơn vị thực hiện cảnh giới. Theo ông Nguyễn Hữu Phượng – Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Quản lý & Xây dựng đường bộ I Hà Tây, những ngày qua, không khí lạnh tăng cường kèm theo mưa rét ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của công nhân viên chức lao động.

Thấu hiểu được cái giá lạnh của thời tiết, Ban Chấp hành công đoàn công ty đã phối hợp với Ban Giám đốc trang bị 12 chiếc quạt sưởi ấm tại các trạm gác chắn đường ngang Quốc lộ 1A thuộc địa bàn các huyện Thường tín – Phú Xuyên. Món quà tuy không lớn nhưng đã thể hiện sự quan tâm đến đời sống tinh thần của công nhân lao động để họ yên tâm công tác, đảm bảo sức khỏe khi làm việc.

Nhắc đến những khó khăn về nghề, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Quản lý & Xây dựng đường bộ I Hà Tây cho biết, công việc nghe qua tưởng chừng rất đơn giản nhưng áp lực về thời gian, những quy định nghiêm ngặt trong nghề. Cùng với đó là trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hàng ngàn người và các phương tiện giao thông khi qua điểm giao cắt đòi hỏi những công nhân gác chắn luôn nêu cao tinh thần, ý thức kỷ luật trong công việc.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với những công nhân gác tàu bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại đổ dồn – âm thanh báo hiệu sắp có tàu đi qua. Trước chuyến tàu, các anh chị lại tất tả chạy ra thi hành nhiệm vụ. Mỗi một chuyến tàu đi qua an toàn, tôi thấy những công nhân gác chắn đầy nhiệt huyết ấy lại thở phào nhẹ nhõm.

Sự an toàn của hàng nghìn con người chính là điều mà các anh chị luôn động viên nhau để vượt qua khó khăn trong nghề. Với những nhân viên gác chắn đường ngang, điều e ngại nhất là ý thức chấp hành luật giao thông, cách cư xử, thái độ của người đi đường nhiều khi chưa văn hóa.

Luyện Đinh – Minh Hoàn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/giu-an-toan-cho-duong-ngang-86038.html