Giữ an toàn cho các công trình trọng yếu bắc qua sông
Thời gian qua, trên các tuyến sông tại Đồng Nai liên tục xảy ra sự cố các phương tiện thủy vi phạm khoảng cách an toàn với những công trình trọng yếu (cầu đường bộ, đường điện cao thế). Dù chưa gây thiệt hại về người nhưng những sự cố trên đã làm ảnh hưởng đến các công trình trọng yếu, mất nhiều thời gian xử lý, khắc phục.
Những sự cố “thót tim”
Toàn tỉnh hiện có 13 con sông, kênh rạch lớn với tổng chiều dài hơn 2,3 ngàn km; trong đó lớn nhất là sông Đồng Nai với 220km chảy qua địa bàn tỉnh. Trên hệ thống sông Đồng Nai hiện có nhiều cầu đường bộ bắc qua như: cầu Đồng Nai, cầu An Hảo, cầu Bửu Hòa, cầu Hóa An (đều tại thành phố Biên Hòa); cầu La Ngà (huyện Định Quán)…
Cùng với đó, dọc theo hệ thống sông, kênh rạch là nhiều cảng, bến thủy nội địa luôn tấp nập phương tiện thủy qua lại, đặc biệt là các phương tiện thủy có trọng tải hàng ngàn tấn chuyên chở vật liệu xây dựng, container. Chính vì vậy, tiềm ẩn nguy cơ va chạm giữa những phương tiện này với cầu đường bộ, đường điện cao thế rất cao.
Gần nhất, tối 13-10, tàu hàng Việt Á 999 số hiệu HNa 0282, trọng tải 2,2 ngàn tấn khi di chuyển qua sông Đồng Nai đã bị kẹt dưới gầm cầu Đồng Nai (khu vực giáp ranh tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương) khiến lực lượng chức năng mất hơn 7 giờ để “giải cứu”. Trước đó, vào sáng 10-10, tàu chở hàng mang số hiệu HD 86-85 di chuyển trên sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai), đoạn qua phường Hiệp Hòa (thành phố Biên Hòa) qua khoảng trụ 14-15 thuộc đường dây 110kV 173 Long Bình - 172 Tân Mai - nhánh rẽ Vicasa đã vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện, làm hơn 38 ngàn hộ dân thành phố Biên Hòa mất điện.
Theo lực lượng chức năng, các sự cố nói trên xảy ra khi các tàu đã hoàn tất việc bốc dỡ hàng hóa xuống các cảng, bến và quay lại lộ trình cũ, khi đó trên tàu không chứa hàng hóa. Các tàu này từ những tỉnh khác di chuyển qua sông Đồng Nai nên lái tàu có thể không quen con nước, dẫn tới không giữ được khoảng cách an toàn giữa tàu và các công trình khiến sự cố xảy ra.
Không chỉ vậy, ngay cả khi neo đậu tại các cảng, bến, nếu không cẩn thận, các phương tiện thủy cũng có thể phát sinh sự cố gây hư hỏng những công trình trọng yếu gần đó. Chẳng hạn, vào sáng 12-4, tàu Phước Long 72 chở container số hiệu SG 9838 trọng tải 4,6 ngàn tấn cập Cảng Bình Dương (tỉnh Bình Dương), do nước chảy xiết, tàu bị đứt neo nên trôi dạt về phía cầu Đồng Nai và bị kẹt dưới gầm cầu (giáp ranh tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương).
Theo Ban ATGT tỉnh, trong 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 2 vụ tai nạn giao thông đường thủy, giảm 1 người chết.
Kiểm soát an toàn ngay từ đầu bến
Ngay sau khi xảy ra các sự cố trên, Khu Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) đã cùng các đơn vị chức năng liên quan kiểm tra kết cấu hạ tầng của cầu Đồng Nai để làm rõ các phần hư hỏng.
Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy vào mùa mưa, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tuần tra, kiểm soát phương tiện di chuyển trên tuyến sông thuộc phạm vi quản lý. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã xử phạt 750 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa, phạt tổng số tiền gần 564 triệu đồng.
Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Đồng Nai (Sở Giao thông vận tải) Phạm Xuân Thủy cho hay, đơn vị thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc đảm bảo an toàn, tuân thủ quy định ra vào cảng, bến với các phương tiện thủy. Đặc biệt lưu ý an toàn khi neo đậu, tuân thủ các biển báo về luồng đường thủy, khi cập bến cũng như khi rời bến.
Đồng thời, từ nay đến hết năm 2024, Ban ATGT tỉnh sẽ chủ trì tập trung kiểm tra các cảng, bến thủy nội địa toàn tỉnh. Cụ thể là kiểm tra các nội dung như: quyết định công bố lại hoạt động cảng thủy nội địa, giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, giấy chứng nhận kết quả kiểm định và biên bản kiểm định kỹ thuật an toàn của phương tiện, giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường…