Giống thỏ kỳ lạ di chuyển theo kiểu 'trồng cây chuối'

Những chú thỏ Sauteur d'Alfort gây chú ý đặc biệt khi đi bộ bằng chân trước theo kiểu 'trồng cây chuối' thay vì đi bằng 4 chân như bình thường.

Để đi lại, những chú thỏ Sauteur d'Alfort đá hai chân sau lên không trung, chổng mông lên trời, bật lên phía trước bằng hai bàn chân trước. Tư thế khi di chuyển của Sauteur d'Alfort giống người làm động tác 'trồng cây chuối'.

Kể từ khi giống thỏ này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1935, các nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu tìm ra nguyên nhân tại sao chúng không thể đi bình thường như hầu hết các loài thỏ khác.

Tư thế đi đặc biệt của thỏ Sauteur d'Alfort

Tư thế đi đặc biệt của thỏ Sauteur d'Alfort

Nghiên cứu cho thấy dáng đi bất thường của giống thỏ này có thể là do đột biến gen.

Theo BBC Newsround, giống thỏ này có gen RORB bị cong vênh. Miguel Carneiro, một học giả tại Đại học Porto cho biết: “Đây là đột biến duy nhất thực sự nổi bật”. Một đột biến trong gen RORB có thể dẫn đến mất các tế bào thần kinh đệm của tủy sống.

Leif Andersson, đồng tác giả của nghiên cứu, chia sẻ trên trang Gizmodo: “Khi bạn di chuyển, những tế bào thần kinh này hoạt động liên tục, chúng điều phối các cơn co thắt cơ bắp và biết liệu các chi khác có cân bằng hay không. Tuy nhiên, sự phối hợp co cơ này không giống với loài thỏ Sauteur d'Alfort”.

Đột biến gene RORB gây thiếu hụt hoặc vắng bóng hoàn toàn những tế bào thần kinh đệm của tủy sống. Điều này khiến thỏ Sauteur D'Alfort mất khả năng vận động mạnh như nhảy xa. Hiện tượng "trồng cây chuối" chính là cách chúng thích nghi với việc không thể nhảy bằng chân sau. Giống như các loài thỏ bình thường, Sauteur D'Alfort vẫn có thể đi bộ bằng cả 4 chân nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều.

Theo New Scientist, thỏ con của loài này học cách chỉ đi bằng hai chân trước chỉ sau vài tháng và dáng đi kỳ quặc này không khiến chúng bị đau.

Các nhà khoa học sau đó đã giải mã trình tự DNA của khoảng 50 con thỏ Sauteur D'Alfort. Một số con có dáng đi “trồng cây chuối” và các nhà khoa học có thể xác định được đột biến trong mã gen RORB ở những con vật này.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/giong-tho-ky-la-di-chuyen-theo-kieu-trong-cay-chuoi-d168412.html