Giọng quê

Hôm rồi vào mạng thấy cô bạn đồng hương xứ Nghệ phàn nàn, rằng nhiều người cứ xa quê một thời gian là 'đổi giọng', không như dân Huế hay các tỉnh phía trong, họ dẫu đi đâu, ở đâu thì trong giao tiếp vẫn giữ nguyên tiếng địa phương, không lẫn đi đâu được. Và bạn hỏi, đó phải chăng là do tiếng Nghệ 'không hay' bằng tiếng các địa phương khác, hay do người xứ Nghệ dễ 'mất gốc'?

Mấy dòng tâm sự của bạn trên facebook khiến mình nhớ chuyện cũ, cách đây lâu lắm rồi, từ cái thời Hạ Long chưa có cầu Bãi Cháy, nối đôi bờ Cửa Lục là những chuyến phà đưa thoi. Cũng chiều hè như dịp này, đang lúi húi tìm chỗ tránh nắng sau chiếc xe tải trên phà thì bỗng giật mình khi nghe có tiếng người hỏi, giọng xứ Nghệ không lẫn đi đâu được: “- Bên tê là Bãi Cháy anh hầy?”. Ngoảnh lại thấy một nhóm bạn trẻ, ăn vận như thợ mỏ, nhưng nhìn ánh mắt, nét mặt tò mò, háo hức ngó ra Vịnh, biết ngay là khách lần đầu đến Quảng Ninh. “- Ầy, chớ người huyện mô rứa?” – Như một phản xạ, mình đáp lời, cũng “đặc sệt” tiếng Nghệ và chợt thấy ngạc nhiên. Ờ, suốt bao năm xa quê, hầu như mình toàn nói “giọng Bắc”, thậm chí nếu không tự giới thiệu, chẳng mấy ai nhận ra mình là dân xứ Nghệ. Thế mà hôm nay…Lạ nhỉ! Dường như cái giọng nói vốn quen thuộc từ thuở bé thơ mà anh bạn đồng hương vừa thốt lên đã “đánh thức” trong mình sự cảm mến, gần gũi rất khó lý giải… Và thế là câu chuyện trở nên thân tình rất nhanh. Được biết đây là những thủy thủ trên một con tàu từ Nghệ An ra “ăn than” ở cảng Hòn Gai. Tối hôm đó, như đã hẹn từ chiều, mấy thanh niên rủ cả ông thuyền trưởng nữa, đến nhà chơi. Một sự tình cờ thú vị là qua câu chuyện, hóa ra ông thuyền trưởng chính là chồng bà cô họ, nhưng do xa quê đã lâu nên chưa lần nào chú cháu gặp nhau cả. “- Đó, nhờ tiếng quê mà nhận ra họ hàng nhá, không thì đập chắc chán chê cũng nỏ biết anh em…”- Ông chú cười khà khà, nói đùa, giọng xứ Nghệ nghe chắc nịch.

Trở lại với mấy dòng trên Facebook của cô bạn đồng hương. Mình không nghĩ ai xa quê mà “đổi giọng” đều là “mất gốc” cả. Bởi tiếng địa phương đúng là một nét riêng tạo ra bản sắc văn hóa vùng, miền, nhưng nó không phải là tất cả. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp; vậy thì việc sử dụng nó thế nào để biểu đạt nội dung thông tin cao nhất mới là điều quan trọng. Ấy là chưa kể, đôi khi chính cái sự “lạm dụng” tiếng địa phương không đúng chỗ, đúng lúc còn gây phiền toái cho người ở các vùng, miền khác… Nói thì nói vậy, nhưng với riêng mình, mình vẫn thích nghe cái “giọng quê” thân thương. Biết làm sao được khi nó đã ăn vào máu thịt mình rồi.

Anh Quốc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201906/giong-que-2444493/