Giông bão không dập nổi tài hoa

Cận Tết Quý Tỵ 2013, Gia Lai mưa lạnh, mọi người chẳng ai muốn ra khỏi nhà. Thế nhưng tại Hàm Rồng, vẫn có một người lầm lũi lấy xe đạp đạp vài vòng quanh sân tập Hoàng Anh Gia Lai JMG cùng cái đầu gối băng kín của mình.

Hình ảnh cầu thủ trẻ cô đơn đạp xe trong màn mưa với chấn thương còn chưa bình phục hẳn gây ám ảnh với nhiều người. Nó báo hiệu trước sự nghiệp đầy thăng trầm cho một trong những tiền vệ xuất sắc nhất mà bóng đá Việt Nam sản sinh ra - đó là Nguyễn Tuấn Anh.

Hành trình đầy đau đớn

Năm 2012, ở tuổi 17, Tuấn Anh dính chấn thương nặng đầu tiên trong sự nghiệp. Anh bị vỡ sụn chêm và đứt dây chằng đầu gối. Đó thực sự là nỗi ác mộng với cầu thủ trẻ được xem là xuất sắc nhất lứa 1 lò Hoàng Anh Gia Lai JMG, được đánh giá cao hơn cả Xuân Trường, Công Phượng.

Nếu không dính chấn thương khủng khiếp đó, rất có thể Tuấn Anh mới là cái tên đầu tiên mở ra trào lưu xuất ngoại cho các tài năng của bóng đá Việt Nam. Tiền vệ của Hoàng Anh Gia Lai từng đến Olympiakos thử việc, nhưng số phận dường như luôn trêu ngươi cầu thủ tài hoa gốc Thái Bình khi trước mỗi ngã rẽ lớn, tai họa lại ập xuống đầu Tuấn Anh.

Năm 2015, Tuấn Anh gặp chấn thương ngay trước thềm SEA Games 28 và bỏ lỡ cơ hội đầu tiên để tỏa sáng ở sân chơi mà bất cứ cầu thủ trẻ Việt Nam nào cũng muốn được góp mặt. Năm 2016, Tuấn Anh là một trong những cầu thủ trẻ nhất được HLV Toshiyo Miura triệu tập vào danh sách thi đấu Vòng loại U23 châu Á 2016, Tuấn Anh không thể đá 2 trận đầu tiên, chỉ ra sân trong trận gặp U23 UAE khi U23 Việt Nam đã chính thức bị loại... Cuối năm đó, tiền vệ của Hoàng Anh Gia Lai cũng bị loại khỏi Đội tuyển quốc gia dự AFF Cup 2016 vì không kịp hồi phục.

Những chấn thương tiếp tục ám ảnh Tuấn Anh trong năm 2017, khiến anh suýt bỏ lỡ cơ hội cuối cùng được dự một kỳ SEA Games. Đây lại là giải đấu buồn của anh khi U22 Việt Nam bị loại ngay vòng bảng còn Tuấn Anh cũng không có phong độ cao.

Hầu hết những người từng chứng kiến Tuấn Anh thi đấu từ khi ra mắt U19 Việt Nam đều thừa nhận rằng anh là “của hiếm”. Một tiền vệ hội tụ đầy đủ những phẩm chất để trở thành một ngôi sao, nhưng thay vì tỏa sáng ở những giải đấu lớn thì lại luôn phải chiến đấu với những chấn thương.

Cứ mỗi lần thông tin về Tuấn Anh xuất hiện trên báo giới với một vấn đề nào đó, người hâm mộ lại thở dài. Họ tiếc cho một tài năng chớm nở đã sớm bị dập vùi bởi sự khắc nghiệt của số phận. Các CĐV tiếc 1, giới chuyên môn tiếc 10 và cá nhân Tuấn Anh đau đớn gấp trăm lần.

Sự nghiệp của Tuấn Anh bị gián đoạn rất nhiều bởi chấn thương.

Sự nghiệp của Tuấn Anh bị gián đoạn rất nhiều bởi chấn thương.

Vòng 2 V.League 2018, trong trận đấu giữa Hoàng Anh Gia Lai và Hải Phòng, Tuấn Anh một lần nữa gục xuống sân sau pha va chạm vô tình với đồng đội. Anh không còn giữ được vẻ điềm tĩnh vốn có của mình nữa. Tuấn Anh đấm mạnh xuống sân, nước mắt trào ra không phải chỉ vì nỗi đau thể xác. Anh hiểu rằng mình có thể bỏ lỡ thêm một năm nữa khi đang ở lứa tuổi đẹp nhất của đời cầu thủ.

Năm 2018, bóng đá Việt Nam có sự chuyển mình mạnh mẽ với sự xuất hiện của HLV Park Hang-seo mà đỉnh cao là giải vô địch U23 châu Á và AFF Cup cuối năm. Cả hai giải đấu lịch sử ấy, Tuấn Anh đều vắng mặt. Chứng kiến những đồng đội như Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh… trở thành những người hùng; cảm giác tiếc nuối trong lòng Tuấn Anh là điều không ai chia sẻ được.

Hãy trở về những buổi chiều mưa trước Tết Quý Tỵ 2013, khi đạp xe một mình trong cơn mưa, chàng thanh niên 18 tuổi đầy hoài bão hẳn không dám nghĩ rằng sự nghiệp của mình sẽ xoay tròn như chiếc bánh xe trong suốt 6 năm tiếp theo. 6 năm, 12 chấn thương, 7 lần lên bàn mổ, ở tuổi 22 đã phải mổ cả 2 đầu gối. Bao nhiêu người sẽ trở lại được sau những serie đòn nghiệt ngã như thế của số phận?

Thêm một lần rồi… nghỉ

Nếu Công Phượng là người trầm lặng, ít nói nhưng cá tính rất mạnh; Xuân Trường chững chạc, bản lĩnh đúng chất một thủ quân thì Tuấn Anh có phần chân chất, hiền lành.

Nhưng chàng trai hiền lành quê Quỳnh Phụ (Thái Bình) cũng không ít lần “xát muối” vào lòng những người yêu mến anh. Đó là những lúc tưởng chừng như Tuấn Anh đã đầu hàng số phận. Trong những ngày tháng cô đơn nhất, anh từng thốt lên: “Tôi chỉ ước mình có thể chạy nhảy như một người bình thường” hay chụp đôi nạng lên trang cá nhân với dòng trạng thái ngắn gọn nhưng đầy ám ảnh: “Third leg (chân thứ ba)”.

Nếu Tuấn Anh có bỏ cuộc thật, không ai có thể trách anh. Đời cầu thủ mất tới 6 năm vì chấn thương, mấy ai có thể quay lại được, mà có tái xuất chắc gì đã lấy lại được phong độ vốn có. Lịch sử bóng đá thế giới từng chứng kiến rất nhiều cầu thủ không bao giờ quay lại được đẳng cấp ban đầu sau khi dính những chấn thương nghiêm trọng.

Tiền vệ HAGL đã có những màn trình diễn chói sáng trong màu áo ĐT Việt Nam.

Tuấn Anh không phải mẫu cầu thủ đi đá bóng để “thoát nghèo”. Cha anh làm Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phụ Dực ở Thái Bình, mẹ từng là nhân viên ngân hàng. Điều kiện gia đình đủ để Tuấn Anh có một cuộc sống ổn định, không nhất thiết phải “sống chết” với nghiệp cầu thủ. Chẳng có bậc cha mẹ nào lại không đau lòng khi thấy đứa con của mình đau đớn. Đã có lúc, Tuấn Anh nhận được lời đề nghị từ giã bóng đá từ những người thân trong gia đình.

Nếu sự nghiệt ngã của số phận đánh gục được ý chí của Tuấn Anh, bóng đá Việt Nam đã mất đi một tiền vệ hào hoa. Đam mê tất nhiên là động lực, nhưng thứ giữ tiền vệ sinh năm 1995 ở lại với sự nghiệp quần đùi áo số có lẽ là khát khao được thể hiện khả năng tốt nhất của bản thân. “Cho con được thử thêm một lần nữa, nếu lại chấn thương thì con sẽ nghỉ” – Tuấn Anh hứa với bố như thế.

Lần “thử” cuối cùng của Tuấn Anh, số phận rốt cuộc cũng mỉm cười. Anh tái xuất một cách mạnh mẽ trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai, tiền đề để thầy Park triệu tập vào Đội tuyển quốc gia. Tuấn Anh cuối cùng cũng đã có những màn trình diễn trọn vẹn trong màu áo đội tuyển. Và những gì Tuấn Anh đã làm được, trước Thái Lan rồi Malaysia, cho thấy vì sao anh luôn là cái tên được các CĐV nhắc đến, dù vắng mặt trong những vinh quang gần đây của bóng đá Việt Nam. Tài năng chơi bóng của tiền vệ này là điều ai cũng có thể cảm nhận được, bởi đẳng cấp riêng biệt của anh.

Những ngày mưa ở Hàm Rồng đã trôi dần về dĩ vãng, bây giờ trước mắt chàng “Nhô” đang là những ngày đầy nắng.

Đầu gối “già” hơn người

Bác sĩ của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2016 cho biết, đầu gối của Tuấn Anh bị tổn thương nặng đến mức nó sẽ lão hóa nhanh hơn các phần còn lại của cơ thể từ vài năm đến cả chục năm. Nghĩa là ở tuổi 25, đầu gối của Tuấn Anh giống như của một cầu thủ sắp giải nghệ. Chính vì thế, tiền vệ này phải rất hạn chế những tình huống va chạm mạnh có thể dẫn đến tổn thương đầu gối.

Nhưng sau khi tái xuất, người ta thấy Tuấn Anh chơi bóng còn máu lửa hơn xưa. Anh rất chịu khó tắc bóng, đánh chặn và hoàn thiện bộ kỹ năng của mình để trở thành một tiền vệ toàn diện. Khi bắt đầu sự nghiệp, Tuấn Anh là một cầu thủ chơi nhô cao để kiến thiết nhưng giờ anh đang chơi cực hay ở vị trí tiền vệ mỏ neo, được các CĐV đặt cho biệt danh “Pirlo Việt Nam”. Những pha xử lý thoát pressing mềm mại hay những cú tắc bóng đúng thời điểm của Tuấn Anh trong 45 phút hiệp 1 trận đấu với Malaysia thực sự đã làm các CĐV phát cuồng.

Để có được thể trạng như hiện tại, tiền vệ của Hoàng Anh Gia Lai đã phải đổ mồ hôi rất nhiều trong phòng tập. Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất với các cầu thủ từng phải mổ đầu gối là tìm lại cảm giác bóng. Những ngày lầm lũi luyện tập một mình đã giúp Tuấn Anh có được tình trạng tốt nhất để tái xuất.

Nỗ lực tập luyện, khao khát được trở lại thi đấu của Tuấn Anh là rất mãnh liệt, nhưng các HLV của Hoàng Anh Gia Lai thường xuyên phải nhắc nhở cầu thủ này cân đối thời gian luyện tập và nghỉ ngơi, đề phòng những chấn thương cũ tái phát. Cũng hiếm có cầu thủ nào được các CĐV “săn đón” đến từng buổi tập như Tuấn Anh. Cứ mỗi lần xuất hiện trở lại sau chấn thương, các CĐV lại rủ nhau đến sân tập của Hoàng Anh Gia Lai để xem anh chơi bóng. Điều đó đủ để cho thấy sức hút của tiền vệ ĐT Việt Nam, một sức hút chân chất không màu mè như chính con người Tuấn Anh, vì nó xuất phát từ tài năng và nghị lực mà anh đã thể hiện.

Đơn Ca

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/giong-bao-khong-dap-noi-tai-hoa-565895/