Giới xuất bản Anh kêu gọi bà Liz Truss bỏ thuế VAT cho sách nói

Theo các tác giả và nhà xuất bản Anh, tân Thủ tướng Liz Truss nên bãi bỏ 'khoản thuế cuối cùng đối với sách', đầu tư vào thư viện và hỗ trợ các buổi giao lưu của tác giả.

Sau khi bà Truss chính thức trở thành Thủ tướng mới của Vương quốc Anh, bà Michelle Donelan đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại nước Anh đang tiếp diễn, ngành công nghiệp xuất bản hy vọng bà Truss và chính phủ mới sẽ thực hiện một loạt biện pháp để người dân từ mọi tầng lớp đều có thể tiếp cận sách một cách dễ dàng.

Vấn đề thuế cần được giải quyết

Tuần trước, ông Dan Conway, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà xuất bản Anh, đã viết thư cho bà Truss và ứng cử viên cạnh tranh với bà là ông Rishi Sunak, đề nghị họ thực hiện một số cam kết “để giúp ngành xuất bản Anh - đang là một trong những nền xuất bản hàng đầu thế giới - có thể tiếp tục đóng góp về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội”.

 Bà Liz Truss được kêu gọi tăng cường sự quan tâm tới ngành xuất bản nước này. Ảnh: Rnz.

Bà Liz Truss được kêu gọi tăng cường sự quan tâm tới ngành xuất bản nước này. Ảnh: Rnz.

Ông Dan Conway cho biết: "một ưu tiên trước hết là loại bỏ thuế VAT đối với sách nói - khoản thuế cuối cùng đối với sách".

Ông Dan nói thêm: “Chính phủ đã thực hiện một bước đi rất đáng hoan nghênh đó là không đánh thuế các ấn phẩm kỹ thuật số khác như sách điện tử vào năm 2020. Chính phủ cũng nhiều lần thừa nhận rằng tri thức và việc đọc sách không nên bị đánh thuế. Sách nói đang là thể loại sách phát triển nhanh nhất. Chúng dễ tiếp cận và thu hút những độc giả có thể không tương tác được với các loại sách khác. Loại bỏ khoản thuế bất thường cuối cùng này là điều đúng đắn cần làm”.

Còn James Daunt, Giám đốc điều hành của chuỗi hiệu sách Waterstones, thì muốn bà Truss và chính phủ của bà áp dụng thuế bán hàng trực tuyến. Ông James Daunt nói: “Biện pháp này sẽ giúp cho nhiều hiệu sách có thể duy trì hoạt động, hỗ trợ cộng đồng địa phương bằng việc tạo việc làm ở những lĩnh vực họ cần nhất. Bỏ qua thuế cho việc bán hàng trực tuyến mà chỉ đánh thuế các cửa hàng là không công bằng”.

Các hiệu sách và thư viện cũng cần được ưu tiên

Barbara Hayes, Phó giám đốc điều hành của Hiệp hội quản lý và cấp phép tác giả (ALCS), cho rằng “lĩnh vực sáng tạo là một trong những khía cạnh rất thành công của Vương quốc Anh” và do đó, bà muốn tập trung phát triển các hiệu sách, nơi “rất quan trọng đối với cả độc giả và nhà văn”.

Bà Barbara nói thêm: “Chúng tôi đề nghị tiến hành nhiều cải cách lớn để bảo vệ sự phát triển bền vững của nhiều khu vực trước sự cạnh tranh từ thị trường trực tuyến. Từ đó, sẽ giúp các doanh nghiệp địa phương, trong đó có những hiệu sách nhỏ có thể tiếp tục phát triển”.

Các hiệu sách độc lập tại Anh cũng cần được quan tâm. Ảnh: INews.

Cũng có thêm những ý kiến khác đề nghị chính phủ Anh nên hỗ trợ cho các thư viện. Theo ông Joseph Coelho, một nhân sự cấp cao của chuỗi hiệu sách Waterstones, các thư viện cũng cần được quan tâm nhiều hơn trong chương trình nghị sự của chính phủ.

Ông Joseph Coelho nói: “Thư viện trường học giúp trẻ em, đặc biệt là những trẻ em không có sách ở nhà, có thể tiếp cận được sách cần thiết”. Ông Coelho đã tận mắt chứng kiến cách mà các thư viện công cộng, nơi ông gọi là “không gian kỳ diệu” có thể “đưa các cộng đồng xích lại với nhau và tạo cơ hội cho sự phát triển và học tập”.

“Tôi muốn thấy các thư viện nhận được nhiều sự quan tâm và nhận được sự hỗ trợ mà họ cần, cả từ phía công chúng và trong môi trường giáo dục", ông Coelho nói thêm.

Nick Poole, Giám đốc điều hành của CILIP, Hiệp hội thư viện và thông tin của Vương quốc Anh, cho biết bà Truss cần “đầu tư vào một chương trình trên toàn Vương quốc Anh nhằm xây dựng các thư viện mới và tái phát triển các cơ sở thư viện hiện có để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của cộng đồng”.

Ông Nick Poole nói: “Các thư viện sẽ nâng cao kỹ năng đọc, kiến thức văn học và kỹ năng kỹ thuật số, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế địa phương và có tác động mạnh mẽ đến giáo dục, y tế và việc làm. Còn cách nào tốt hơn để giúp Vương quốc Anh hồi phục và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn bằng việc xây dựng các thư viện giúp thay đổi cuộc sống ở nhiều nơi?”.

Ông Tony Bradman, Chủ tịch hội đồng quản trị ALCS thì đưa ra ý kiến thêm rằng chính phủ cần hỗ trợ để các tác giả đến giao lưu với các trường học nhằm bồi dưỡng “thế hệ độc giả tiếp theo”.

Ông Tony nói: “Các chuyến thăm trường rất có giá trị trong việc thu hút giới trẻ tham gia nhiều hơn vào việc đọc sách và hoạt động này rất quan trọng để các tác giả tiếp xúc với độc giả của họ. Khi những chuyến thăm này không được diễn ra trong suốt đại dịch, điều đó đã có tác động xấu đến nhiều tác giả. Chúng tôi hy vọng trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện tại, các trường học sẽ không hủy bỏ những hoạt động này vì làm như vậy sẽ khiến cả trẻ em và các tác giả bị thiệt thòi. Chúng tôi hy vọng chính phủ của thủ tướng mới có thể đảm bảo các trường học đủ kinh phí trang trải cho những chuyến giao lưu như vậy".

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-xuat-ban-anh-keu-goi-ba-liz-truss-bo-thue-vat-cho-sach-noi-post1354226.html