Giới trẻ Việt phát triển sự nghiệp bằng trò chơi điện tử

Trò chơi điện tử đã không còn là trò giải trí đơn thuần. Nhiều người trẻ Việt Nam đã phát triển sự nghiệp từ chính niềm đam mê với 'game' và 'e-sport'.

Trò chơi điện tử đang trở thành xu thế và được công nhận là môn thể thao cạnh tranh trên khắp thế giới

Trò chơi điện tử đang trở thành xu thế và được công nhận là môn thể thao cạnh tranh trên khắp thế giới

Bài phân tích được đăng trên tờ The South China Morning Post.

Đoàn Mạnh An đã quyết định sẽ trở thành một bình luận viên thể thao điện tử chuyên nghiệp – hay còn gọi là một ‘game caster’.

Vài năm trước, ra trường với tấm bằng marketing, cậu làm công việc bàn giấy, lặp đi lặp lại mỗi ngày một cách nhàm chán. Cậu xin nghỉ việc.

‘Trong suốt quãng thời gian tuyệt vọng đó, tôi ở nhà, xem các ‘caster’ khác bình luận trò Liên minh huyền thoại, rồi vô tình nhìn thấy thông báo tuyển ‘caster’ cho kênh Vietnam Esports TV. Tôi quyết định nắm lấy cơ hội’ – An chia sẻ.

‘Lúc đó, thể thao điện tử (e-sport) không phổ biến như bây giờ’.

5 năm sau, Mạnh An trở thành một trong những bình luận viên e-sport có tiếng của Việt Nam.

Được coi là mạng lưới e-sport hàng đầu trong nước, Vietnam Esports TV có khoảng 2,95 triệu người theo dõi trên YouTube, đạt khoảng 1,85 tỷ lượt xem, trung bình có 650.000 lượt xem mỗi video.

Ở Việt Nam, trò chơi điện tử vẫn bị xem là trò giải trí, không phải là thứ để ai đó có thể kiếm sống. Ở một góc độ nào đó, là một game thủ, dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư, vẫn phải chịu một chút kỳ thị của xã hội, bắt nguồn từ sự chia rẽ thế hệ.

Tuy nhiên, hiện nay, người trẻ không chỉ coi trò chơi điện tử là một sở thích, mà đang dần biến nó thành một công việc nghiêm túc dù họ là bình luận viên, người chơi hay nhà phát triển. Với sự bùng nổ công nghệ đang diễn ra ở Việt Nam, lĩnh vực này đang ngày càng mở rộng.

Sự hoài nghi và kỳ thị

Một trong những rào cản lớn nhất mà các bình luận viên và người chơi phải đối mặt lại chính từ gia đình mình. Như trường hợp của Mạnh An và Thắng Thép – một đồng nghiệp của An, họ phải mất kha khá thời gian để thuyết phục bố mẹ - những người vốn hoài nghi về công việc này. Họ nhớ những lần bị phụ huynh lôi ra khỏi quán Internet và bị mắng mỏ vì dành quá nhiều thời gian cho trò chơi điện tử khi ở tuổi thiếu niên. Ngay cả bây giờ, họ vẫn chưa hoàn toàn xóa tan được sự hoài nghi của bố mẹ.

‘Mẹ tôi vẫn hay hỏi rằng có phải tôi đang chơi điện tử không. Tôi thường phải nhắc lại cho mẹ rằng bây giờ nó là công việc’– An nói.

Có nhiều cách để trở thành một bình luận viên thành công. Với Mạnh An, khiếu hài hước là yếu tố quyết định, trong khi với Thắng Thép thì tính cách thực tế là điểm đặc biệt của anh.

Hầu hết giới 8x, 9x ở Việt Nam đều từng chơi trò chơi điện tử ngày còn nhỏ. Các quán Internet là địa điểm quen thuộc của họ.

Nhưng điều đó đã thay đổi khi kết nối Internet ngày càng nhanh hơn và rẻ hơn. Facebook đổ bộ vào Việt Nam cũng như YouTube. Các trò chơi điện tử được phát hành rộng rãi trên toàn cầu. Người trẻ Việt Nam có thể tải xuống và bắt đầu chơi giống như bất kỳ ai trên thế giới.

Theo báo cáo do Appota công bố vào năm 2018, Việt Nam có khoảng 18 triệu người chơi thể thao điện tử vào năm ngoái và có khoảng 8 triệu người xem live-stream ít nhất 1 lần/ tuần.

Với khoảng 51 triệu thuê bao 3G và 4G, và khoảng 32,8 triệu ‘game’ thủ ở Việt Nam, Appota ước tính, cứ 2 người có kết nối Internet thì có 1 người chơi trò chơi điện tử bằng điện thoại của họ.

Báo cáo của Appota cũng trích dẫn các phân tích để xếp hạng Việt Nam là thị trường ‘game’ lớn thứ 28 trên thế giới, tăng từ vị trí thứ 35 vào năm 2017. Năm ngoái, lĩnh vực trò chơi điện tử và thể thao điện tử của Việt Nam đã tạo ra doanh thu ước tính trên 365 triệu USD.

Nguyễn Thảo (Theo SCMP)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gioi-tre/gioi-tre-viet-phat-trien-su-nghiep-bang-tro-choi-dien-tu-593240.html?vnn_source=trangchu&vnn_medium=moinong16