Giới trẻ và những ảo tưởng khi đi tìm việc Bài 2: Những 'mọt sách' thiếu kiến thức, kỹ năng...

Suốt bốn năm đại học, Thanh Hiền (ở Hà Nội) chỉ biết đến việc học để ra trường với tấm bằng xuất sắc. Mong muốn của Hiền đã thành hiện thực nhưng đã một thời gian dài sau ra trường, Hiền vẫn chưa xin được việc làm…

Email… không biết viết

Ở trường bạn bè gọi Hiền là “mọt sách” bởi lúc nào cũng thấy cô cắm cúi học bài. Lịch trình hàng ngày của Hiền là giảng đường - thư viện - bàn học ở nhà. Kết quả của sự cố gắng ấy, cô luôn đạt điểm cao trong các kỳ thi. Ra trường với tấm bằng giỏi, Hiền chắc mẩm có thể xin việc một cách dễ dàng nhưng mọi thứ không như tưởng tượng.

Hiền rải hồ sơ ở nhiều công ty và đều được chấp nhận nhưng đến vòng phỏng vấn cô gặp không ít khó khăn. Vì ngoài kinh nghiệm làm việc, các công ty yêu cầu ứng viên phải có kỹ năng mềm như: Lập kế hoạch, thương thuyết, đặc biệt là giao tiếp tiếng Anh… tất cả điều này Hiền đều không có. “Chật vật gần một năm, mình mới kiếm được việc làm và gần như phải học lại từ đầu. Kiến thức trên giảng đường khác với thực tiễn. Bên cạnh đó, mình còn phải học cả những kỹ năng cơ bản như giao tiếp, làm việc nhóm… mới có thể bắt nhịp được cùng đồng nghiệp”, Hiền cho biết.

Thiếu kỹ năng cũng là nguyên nhân khiến Nguyễn Tuấn Anh, cử nhân Thương mại gặp nhiều khó khăn khi đi tìm việc dù đã tốt nghiệp được 2 năm. Ban đầu, anh đổi lỗi cho lý do khách quan như chưa gặp người, gặp việc, số đen đủi… Tuy nhiên khi bị từ chối quá nhiều trong khi xin việc, Tuấn Anh mới nhận ra đã “ảo tưởng” về bản thân.

Tuấn Anh chua chát cho biết: “Mình tốt nghiệp đại học mà không nắm nổi quy tắc tối thiểu để gửi email, đơn giản như chủ đề thư hay một vài dòng giới thiệu ở bên ngoài để kết nối với nội dung thư xin việc đính kèm. Vì thế, dù mình có kiến thức chuyên ngành tốt nhưng lại không gây được thiện cảm với nhà tuyển dụng”.

Không chỉ Tuấn Anh mà nhiều bạn trẻ khác cũng mắc phải tình trạng này. Họ không phân biệt được email xin việc khác với viết cho bạn bè nên có tình trạng tất cả nội dung, chủ đề, ngôn ngữ như thư... tình yêu. Thậm chí, họ không có thư xin việc kèm theo hoặc mắc nhiều lỗi nguyên tắc văn bản...

Theo chị Nguyễn Thúy Hằng, bộ phận nhân sự Công ty Cổ phần Norfolk - Hatexco, một email xin việc chủ đề phải thể hiện rõ mục đích của thư, nêu họ tên và vị trí ứng tuyển. Bên dưới chủ đề phải đề rõ “Kính gửi” doanh nghiệp, phòng ban liên quan; giới thiệu sơ bộ về bản thân và lý do ứng tuyển nhằm kết nối với thư xin việc đính kèm. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều sinh viên, thanh niên xin việc đã không thể hiện được những kỹ năng tối thiểu mà chỉ vỏn vẹn một file đính kèm. Vì thế, đa số doanh nghiệp, người phụ trách tuyển dụng thường bỏ qua những email “thiếu nguyên tắc” như thế. Thậm chí, họ còn “xóa” email luôn mà không cần đọc nội dung bên trong.

Biết mình biết người…

Một thực tế khác cho thấy, nhiều bạn đã có ý thức trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng nhưng lại quá đề cao giá trị bản thân. Anh Đào Việt Bách, Trưởng bộ phận tuyển dụng Fresher của FPT Software Hà Nội chia sẻ: “Là công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mỗi năm chúng tôi tuyển hàng nghìn lao động nhưng phần lớn phải đào tạo lại. Trong số những người đến ứng tuyển, nhiều bạn không chấp nhận việc đào tạo của công ty mà đòi làm việc ngay với mức lương cao. Các bạn đó đã ảo tưởng về bản thân mà không biết rằng vẫn còn yếu về kỹ năng, mơ hồ kiến thức”.

Anh Bách cho biết thêm, một số bạn thường có tâm lý so sánh bản thân với những người đã thành đạt nên luôn đòi nhận được sự hậu đãi ngay. Tuy nhiên, chính điều đó khiến các bạn đánh mất cơ hội làm việc ở những môi trường tốt. Thậm chí, một số người luôn trong tình trạng phải đi xin việc.

Bản thân anh Bách được tuyển dụng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường và làm “sếp” chỉ sau hai năm ra trường. Vì vậy, theo anh Bách, mỗi bạn trẻ phải tự đánh giá bản thân mình đang thiếu gì để chọn môi trường phù hợp rèn luyện cả kiến thức và kỹ năng. Phong cách sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới... đó là những “kỹ năng” thuộc về tính cách, không mang tính chuyên môn nhưng lại rất cần thiết trong mọi trường hợp, hoàn cảnh, lứa tuổi. Những kỹ năng đó giúp con người có thể học tập, làm việc, phát triển, thậm chí sinh tồn khi gặp bất trắc.

Đánh giá tình trạng nhiều sinh viên ra trường khó xin việc làm vì thiếu kỹ năng một số chuyên gia cho rằng, chương trình đào tạo trong các trường đại học của Việt Nam còn có độ lệch nhất định đối với thực tế phát triển của ngành nghề. Kiến thức nặng tính lý thuyết và không theo kịp với yêu cầu thực tiễn. Vì thế, các kỳ thực tập càng trở nên cần thiết đối với sinh viên. Những trải nghiệm ban đầu này khiến sinh viên tự tin hơn sau khi ra trường và đi tìm việc.

Đặc biệt, nó giúp các bạn trẻ không quá mơ mộng ảo tưởng dẫn đến thất vọng về thực tế khi thực sự tham gia thị trường lao động. Để có được điều này, nhà trường cần liên kết với các doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực. Mặt khác, các hoạt động của tổ chức Đoàn - Hội trong nhà trường cần đa dạng và bám sát với nhu cầu của sinh viên trong rèn luyện kỹ năng, nghề nghiệp, việc làm.

“Hiểu được nguyên nhân khó xin việc do không đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, không ít bạn trẻ đã tìm cách trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng mềm như: Tham gia hội thảo, các buổi talk show... Tuy nhiên, việc va đập sớm với môi trường thực tế tại các doanh nghiệp sẽ giúp người trẻ hiểu được họ đang ở đâu, cần rèn luyện những gì để có thể xin được việc làm. Vì thế, các tổ chức Đoàn - Hội cần phải phát huy vai trò là người bạn đồng hành với sinh viên bằng việc kết nối với doanh nghiệp”, Nguyễn Khánh, cựu sinh viên trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Theo các chuyên gia, để ứng tuyển thành công, ngoài kiến thức, kỹ năng thì thái độ của người tìm việc cũng rất quan trọng. Nhiều người tìm việc mang tâm lý đi làm để trải nghiệm là chính nên khi gặp khó, họ bỏ qua. Họ không chịu tìm hiểu để rút kinh nghiệm cho lần sau. Không có thái độ nghiêm túc còn khiến cho người tìm việc thiếu kiến thức thực tế về ngành nghề trên thị trường lao động.

Vì thế, khi nêu ra một mức lương với nhà tuyển dụng, ứng viên trẻ cần tìm hiểu xem mặt bằng chung trên thị trường lao động cùng ngành nghề là bao nhiêu? Đặc biệt, khi đề nghị một quyền lợi cao hơn mức bình quân thì phải hiểu khả năng mình có đáp ứng tương xứng hay không? "Các bạn trẻ lơ mơ về nhiều khía cạnh lao động nằm ở thái độ và ý thức cá nhân. Việc này phải được huấn luyện từ nhỏ, dần dần qua nhiều cấp học. Không chỉ nhà trường mà gia đình cũng phải vào cuộc. Nếu gia đình vẫn bao bọc quá mức, các bạn sẽ thiếu động lực nghiêm túc phấn đấu. Đây cũng là nguyên nhân khiến các bạn trẻ khó tìm việc làm”, các chuyên gia khuyến cáo.

(Còn nữa)

Anh Vũ - Phương Thanh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-2-nhung-mot-sach-thieu-kien-thuc-ky-nang-d2059224.html