Giới trẻ Trung Quốc dễ dàng có nhà, ôtô nhưng khó khăn để kết hôn

Trong xã hội phát triển, quan điểm về hôn nhân của giới trẻ Trung Quốc cũng thay đổi. Họ sẵn sàng độc thân cả đời, hoặc sống với nhau mà không nghĩ đến hôn thú.

Zheng Hong làm quản lý công ty phần mềm tại Nam Kinh (Trung Quốc), có thu nhập khá, sở hữu một căn nhà và một ôtô. Cô không muốn kết hôn vì cảm thấy cuộc sống hôn nhân quá phức tạp.

"Mỗi điều nhỏ nhặt đều cần thời gian, và mọi mối quan hệ đều cần được quản lý cẩn thận. Tôi khao khát tình yêu nhưng cũng tham lam sự tự do", Zheng nói.

Theo The Paper, năm 2020, số lượng đăng ký kết hôn ở Trung Quốc là 8,131 triệu người, chỉ bằng 60% so với năm 2013 và là mức thấp kỷ lục kể từ năm 2003. Ngày càng có nhiều người trẻ tận hưởng cuộc sống độc thân, một số tìm đến sự thân mật ngoài hôn nhân.

 Nhiều người trẻ khao khát tình yêu nhưng sợ sự ràng buộc của hôn nhân. Ảnh: Reuters.

Nhiều người trẻ khao khát tình yêu nhưng sợ sự ràng buộc của hôn nhân. Ảnh: Reuters.

Tự do lựa chọn

Thế hệ trẻ ở Trung Quốc ngày càng có cái nhìn cởi mở về hôn nhân. Họ không coi kết hôn là điều nhất thiết phải làm. Nhiều người thậm chí từ bỏ giao tiếp và tương tác với người thật, có xu hướng đặt cảm xúc của mình vào một con búp bê và coi đó là người đồng hành.

Chen Rui (26 tuổi, làm trong ngành khoa học và kỹ thuật) tìm thấy cho mình một người tình ảo trên mạng xã hội. "Chúng tôi quen nhau hơn một tháng, sẵn sàng tiếp tục. Người đó cùng tôi trò chuyện, cùng bước qua những thời khắc u ám, cô đơn, lẻ loi và sụp đổ".

Xiao Zhen (33 tuổi) là một chuyên viên công nghệ. Cô và chồng đã thỏa thuận "đi chơi với nhau nhưng không can thiệp vào đời sống của nhau". Hai người ở riêng, cùng đi ăn sáng hoặc hẹn hò sau giờ tan sở, cuối tuần sẽ đến nhà ai đó hay đi du lịch.

"Sự khao khát khi không ở bên nhau sẽ hâm nóng mối quan hệ của bạn, và bạn sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi cuộc hẹn hò, khám phá ra những nét quyến rũ mới ở người bạn đời", cô bày tỏ.

Trong các cuộc phỏng vấn, phóng viên nhận thấy rằng chi phí cho hẹn hò và kết hôn ngày càng cao đang khiến nhiều người trẻ nản lòng. Một nam giới được phỏng vấn cho biết quá tốn kém khi bắt đầu từ việc hẹn hò, ăn uống, xem phim, đi du lịch, các lễ hội, ngày kỷ niệm, đến chuyện cưới xin, nhà lầu, xe hơi.

Một người khác cho biết có một cô gái đã thầm yêu anh nhiều năm, cô nàng cũng tỏ ra ân cần nhưng anh chưa bao giờ tỏ tình. "Tôi yêu em ấy rất nhiều, nhưng tôi không thể tặng 80.000 nhân dân tệ như một món quà", anh chàng nói về khoản sính lễ quá cao nếu kết hôn.

Người trẻ Trung Quốc có suy nghĩ ngày càng cởi mở về chuyện hôn nhân.

Một giảng viên tại Soochow University (Đài Loan, Trung Quốc) nói rằng thế giới rất mâu thuẫn: "Chúng ta làm mọi thứ để phát minh ra những vật thể mang con người đến gần hơn, có phương tiện và công cụ liên lạc ở khắp mọi nơi. Khoảng cách không gian và thời gian giữa con người chưa bao giờ gần như vậy, nhưng khoảng cách giữa trái tim và trái tim ngày càng xa".

Theo các chuyên gia, với sự hòa nhập xã hội ngày càng cao, nhiều người trẻ nhận thức về bản thân và chọn lựa lối sống phù hợp với mình. Quan điểm đa dạng về tình yêu và hôn nhân bùng nổ như "chủ nghĩa không hôn nhân", "đồng hành có trả tiền", "kết hôn giả"...

Với nhiều phụ nữ hiện đại, không lấy chồng không có nghĩa họ không mong muốn kết hôn mà bởi họ không muốn bị "khuất phục" trong những định kiến và quy chuẩn của gia đình, xã hội. Tương tự, chọn bước ra khỏi hôn nhân cũng là nghe theo tiếng gọi từ bên trong bản thân.

Nhà xã hội học Li Yinhe cho rằng: "Nói hệ thống hôn nhân sắp chết là không chính xác, mà nó đã bắt đầu suy giảm và đang bắt đầu xuống dốc".

Một học giả từ Đại học Nam Kinh cho rằng trước quan niệm về hôn nhân và tình yêu mới, điều mà xã hội và truyền thông nên làm không phải nói đó là sự khoa trương hay phi lý, mà cần tôn trọng và thấu hiểu, đồng thời cố gắng thu hẹp khoảng cách tâm lý. Bất kỳ ai, ở lứa tuổi nào cũng đều có quyền sợ hãi hoặc coi nhẹ hôn nhân và tình yêu, họ không nên bị công chúng hoặc dư luận coi là người lập dị.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-tre-trung-quoc-de-dang-co-nha-oto-nhung-kho-khan-de-ket-hon-post1212518.html