Giới trẻ 'khát' sân chơi hữu ích

Giữa 'cơn bão' của những gameshow giải trí, hẹn hò…, những cuộc thi, cuộc chơi mang tính trí tuệ dành cho giới trẻ khá ít ỏi. Cần lắm những sân chơi hấp dẫn, mới mẻ để người trẻ, đặc biệt là sinh viên, học sinh học hỏi thêm kĩ năng, phát huy tài năng của mình.

Gameshow Trí khôn ta đây từng đưa ra nhiều câu hỏi nhạy cảm.

Gameshow Trí khôn ta đây từng đưa ra nhiều câu hỏi nhạy cảm.

Thiếu sân chơi trí tuệ

Trong vòng vài năm trở lại đây, những cuộc thi, cuộc chơi dành cho giới trẻ ngày càng mang nặng tính giải trí. Nếu như trước kia, những chương trình như SV96, Đường lên đỉnh Olympia, Rung chuông vàng, Trúc xanh… là tâm điểm chú ý trên sóng truyền hình, góp phần phát hiện thêm nhiều tài năng từ giới sinh viên, học sinh thì dần dần, những chương trình ấy đã nhường chỗ cho hàng loạt gameshow nặng tính giải trí, “câu view”, mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất.

Đó là những chương trình thiên về hẹn hò, kết nối nam nữ, hoặc thi thố kiến thức thì ít mà chủ yếu là gây cười. Không chỉ thế, có những chương trình gây phản cảm, cổ súy lối sống dễ dãi, hoặc bất chấp tất cả để được nổi tiếng, gây sự chú ý trên sóng truyền hình.

Có thời điểm, truyền hình ngập tràn những gameshow kiểu “đố vui có thưởng”, nặng về giải trí, “câu view”. Như game show Trí khôn ta đây (HTV7), người xem “hốt hoảng” khi MC Sam đặt câu hỏi: “Cái gì nằm giữa chân của người đàn ông?”. Thí sinh đưa ra câu trả lời là “đáy quần”, MC lại tiếp tục truy hỏi: “Lỡ người đàn ông đó không mặc quần thì sao, vì có lúc họ không mặc quần?”. Cuối cùng, đáp án của chương trình là… 2 mắt cá chân.

Cạnh các chương trình hỏi đáp kiến thức kiểu hời hợt, gây cười thì các gameshow hẹn hò cũng là một “vấn nạn”. Với tiêu chí kết nối cho những người trẻ đang độc thân đến với nhau, nhưng thực chất, nhiều chương trình hướng đến lối sống không lành mạnh, chạy theo vật chất hoặc tôn sùng cái đẹp ngoại hình.

Có chương trình đưa một chàng trai giàu có ra để nhiều cô gái lao vào dùng chiêu trò giành nhau. Có chương trình lấy chuyện đời tư gây sốc của thí sinh để hấp dẫn khán giả. Lại có chương trình dàn dựng, lừa gạt người xem.

Hiện nay, các gameshow thường sống bằng view và tài trợ. Thế nên, để có view cao, thắng nhanh, các nhà sản xuất thường chọn con đường mua những format nổi tiếng của nước ngoài rồi Việt hóa sơ sài, thêm vào chút gia vị là scandal nữa để thu hút người xem.

Trách nhiệm với thế hệ trẻ

Trên thực tế, không phải các gameshow tử tế, hữu ích thường bị khán giả quay lưng. Nhiều nhà sản xuất vẫn muốn “đánh nhanh, thắng nhanh”, chọn cách thức dễ dãi để có được lợi nhuận cao nhất.

Nhiều người thường đổ lỗi cho việc thỏa mãn thị hiếu khán giả, tuy nhiên, vấn đề thị hiếu có hai mặt: Từ phía khán giả và từ phía người tạo ra chương trình. Những chương trình hay, thu hút, có giá trị sẽ giúp nâng tầm thị hiếu, ngược lại, một khi có quá nhiều chương trình “câu view” rẻ tiền sẽ góp phần khiến dễ dãi hóa thị hiếu của người xem.

Nhiều nhà sản xuất chọn đi con đường bền bỉ, làm ra những gameshow đem lại giá trị cho cuộc sống và họ vẫn “có đất sống” như thường. Như gameshow Siêu trí tuệ Việt Nam, dù không nặng tính giải trí, không đánh vào những scandal, đời tư nghệ sĩ hay giới tính thứ ba, đơn thuần là tìm kiếm những tài năng thiên về trí tuệ, nhưng nhờ vào cách xây dựng chương trình hấp dẫn, bất ngờ đã chinh phục người xem. Từ cuộc thi cũng đã khám phá ra không ít tài năng trẻ tuổi với trí tuệ siêu việt.

Hay như chương trình Thương vụ bạc tỉ (Shark Tank) với hình thức người chơi khởi nghiệp thực hiện các bài thuyết trình trước một hội đồng các nhà đầu tư để nhận được đầu tư cho ý tưởng kinh doanh của mình. Không chỉ là một chương trình truyền hình, Shark Tank tạo ra một môi trường hữu ích, truyền cảm hứng giúp thay đổi quan điểm về kinh doanh trong giới trẻ nói riêng, đồng thời góp phần phát hiện nhiều nhà khởi nghiệp tài năng.

Chương trình thu hút đông đảo các nhà tài trợ, thu về lợi nhuận lớn. Sau Shark Tank, một gameshow hữu ích dành cho sinh viên khác xuất hiện, mang tên Vua bán hàng nhằm ủng hộ chương trình khởi nghiệp quốc gia của Chính phủ, phát huy tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo trong khởi nghiệp của thế hệ trẻ cũng được đánh giá có sức hút.

Có thể thấy, vấn đề không nằm ở thị hiếu khán giả, cũng không phải ở quy luật của thị trường. Vấn đề hiện nay là các nhà sản xuất gameshow đang cạn kiệt ý tưởng nhưng vẫn chưa hướng chương trình của mình về những giá trị hữu ích cho đời sống, tạo nên những vùng đất nhằm phát huy được tài năng cho người trẻ.

Đây không chỉ là câu chuyện kinh doanh được mất, đó còn là trách nhiệm đối với xã hội, với thế hệ trẻ mà mỗi một người làm trong lĩnh vực giải trí, nghệ thuật cần đặt ra cho mình.

Trân Trân

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/the-gioi-sao/gioi-tre-khat-san-choi-huu-ich-578274.html