Giới trẻ dễ dàng tiếp cận với thuốc lá

Giá thuốc lá rẻ, thuốc lá được bày bán khắp nơi đang là nguyên nhân quan trọng để giới trẻ dễ dàng trở thành người hút thuốc.

Theo báo cáo mới đây, Việt Nam nằm trong top 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, với trên 15 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hường bởi khói thuốc.

Ở Việt Nam, theo điều tra hút thuốc ở người trưởng thành GATS năm 2015, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,35%, nữ giới là 1,1%. Trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành thì có 1 người hút thuốc. Đặc biệt, 15,6 triệu người Việt Nam trên 15 tuổi đang hút thuốc lá và Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về số người hút thuốc cao nhất.

Đề cập về vấn đề thanh niên, thiếu niên hút thuốc lá, ông Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, một trong những nguyên nhân khiến trẻ hút thuốc lá là do giá các sản phẩm thuốc lá rất rẻ, tạo điều kiện để thanh niên, thiếu niên dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm này và nhanh chóng trở thành người nghiện. Đã có rất nhiều trường hợp phải gánh chịu những hậu quả lớn do sử dụng thuốc lá.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định, hành vi sử dụng, mua bán thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt từ 100 - 300 nghìn đồng; người bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt từ 500 - 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thanh niên, thiếu niên chưa nhận thức đúng và đầy đủ những nguy cơ tiềm ẩn do thuốc lá mang lại. Trong khi đó, trên thực tế, việc phát hiện và xử lý hành vi mua bán, sử dụng thuốc lá đối với người chưa đủ 18 tuổi đang là một bài toán khó đối với cơ quan chức năng.

Theo ước tính của WHO, mỗi năm tại Việt Nam có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030, nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả.

Tăng thuế thuốc lá là một trong những giải pháp chính trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống còn 39% vào năm 2020.

Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng thuế là biện pháp quan trọng nhất, có hiệu quả nhất, đóng góp tới 50-60% vào việc giảm tỷ lệ hút thuốc ở các quốc gia.

Bằng chứng từ các nước cho thấy việc tăng thuế và giá thuốc lá có tác động mạnh đến giảm nhu cầu. Thuế cao hơn làm tăng giá thuốc lá khiến một bộ phận người hút thuốc lá bỏ thuốc, hoặc giảm số lượng điếu hút và ngăn ngừa một bộ phận bắt đầu hút thuốc.

Theo tổng kết của WHO từ kinh nghiệm của các quốc gia, trung bình khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Biện pháp tăng thuế rất có hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc nhiều hơn ở nhóm trẻ tuổi (tác động mạnh hơn so với nhóm người trưởng thành).

Trong khi đó, Việt Nam hiện áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức 70% giá xuất xưởng. Nếu tính theo giá bán lẻ, mức thuế này chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ thuốc lá. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%), thấp hơn đa số các nước ASEAN (Thái Lan 73%, Singapore 66%, Brunei 62%) và cách xa so với khuyến cáo của WHO (70%).

Theo WHO, tăng thuế thuốc lá đã được minh chứng là biện pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt, để ngăn ngừa thanh niên hút thuốc. Không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe, tăng thuế thuốc lá mà còn giúp tăng nguồn thu từ thuế thuốc lá cho ngân sách Chính phủ. Chính vì vậy tăng thuế thuốc lá được coi là biện pháp lợi ích đôi đường, vừa có ích cho việc bảo vệ sức khỏe vừa giúp tăng thu ngân sách cho sức khỏe.

PV

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/gioi-tre-de-dang-tiep-can-voi-thuoc-la_t114c9n148287