Giới trẻ chuộng đồng hồ truyền thống như Rolex, Cartier

Theo một nghiên cứu, Gen Z và Gen Y là một trong những nhóm đối tượng săn đón thiết kế từ các thương hiệu đồng hồ xa xỉ và lâu đời nhiều nhất.

 Gen Y và Gen Z bày tỏ sự quan tâm không nhỏ đến đồng hồ thuộc các thương hiệu sang trọng đình đám. Ảnh minh họa: Minh Tú Nguyễn.

Gen Y và Gen Z bày tỏ sự quan tâm không nhỏ đến đồng hồ thuộc các thương hiệu sang trọng đình đám. Ảnh minh họa: Minh Tú Nguyễn.

Vào tháng 2 vừa qua, New Norms và NEOVISO, hai công ty chiến lược thương hiệu Thụy Sĩ, đã đồng thực hiện cuộc khảo sát với đối tượng là những người trong độ tuổi 18-35 tại Mỹ và Vương quốc Anh, thuộc các hộ gia đình có thu nhập từ 150.000 USD trở lên.

Kết quả cho thấy rằng đồng hồ Thụy Sĩ truyền thống rất được gen Y hay Millennials (thế hệ sinh khoảng từ 1981-1996) và gen Z (thế hệ sinh khoảng từ năm 1997- sau 2000) săn đón.

Thêm vào đó, một bản báo cáo tóm tắt của khảo sát tuyên bố: “Dù hãng đồng hồ thông minh Apple Watch ra mắt vào năm 2014 và hiện đã trở thành thương hiệu đồng hồ lớn nhất thế giới, sức hấp dẫn của đồng hồ xa xỉ Thụy Sĩ vẫn còn rất lớn đối với những người thuộc nhóm Millennials/Gen Z”, theo WATCHPRO.

Người trẻ thuộc Gen Y và Gen Z ưa chuộng đồng hồ thuộc các thương hiệu xa xỉ lâu đời. Ảnh minh họa: Sam Lion/Pexels.

Ưa chuộng thương hiệu lâu đời

Một trong những kết quả thú vị của cuộc khảo sát mang tên “The Future of Time: Luxury Watches and Gen Y/Z” (Tạm dịch: Tương lai của thời gian: Đồng hồ xa xỉ và thế hệ Y/Z) đề cập ở trên là những người tham gia chủ yếu tập trung vào các thương hiệu đình đám mà các thế hệ trước cũng thèm muốn từ lâu như Rolex, Cartier và Patek Philippe.

Khi đề cập đến sở thích mua hàng trong tương lai, gần một nửa sẽ chọn Rolex (48%). Thương hiệu khác đạt được giá trị phần trăm hai chữ số cho thước đo này là Cartier (13%).

Trước đó, người tham gia được đưa một danh sách gồm 15 thương hiệu xa xỉ bán chạy nhất theo nghiên cứu của Morgan Stanley, ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán lớn tại Mỹ. Lựa chọn hàng đầu của họ, theo thứ tự ưu tiên là: Rolex, Cartier, Patek Philippe, Longines, Omega, Breitling, Vacheron Constantin, TAG Heuer, Chopard, Audemar Piguet, Hublot, IWC, Breguet, Jaeger-LeCoultre và Panerai.

Rolex là thương hiệu đồng hồ đứng đầu danh sách được giới trẻ ưa chuộng. Ảnh minh họa: Handout.

Khi được hỏi thích thương hiệu nào trên mạng xã hội, Rolex lại được nhắc đến nhiều nhất (61%), tiếp theo là Cartier (25%) và Omega (24%). Những hãng khác tụt lại phía sau.

Bản tóm tắt của khảo sát trên cũng kết luận rằng các thương hiệu cần thực thi một số công việc để tiếp cận nhóm khách hàng này. Phần lớn (60%) số người được hỏi cho biết họ cảm thấy việc sở hữu một chiếc đồng hồ sang trọng là quan trọng (important) hoặc rất quan trọng (very important). Trong khi đó, chỉ một trong bảy người được hỏi xem nó là không quan trọng.

Jisoo, thành viên 28 tuổi thuộc nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink, là đại sứ thương hiệu Cartier. Ảnh: Cartier.

Thu hút người trẻ

TAG Heuer và Hublot từ lâu đã thu hút thị trường của người trẻ. Minh chứng là hãng chiêu mộ các đại sứ trẻ tuổi trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao và văn hóa.

Hublot và Panerai, lần lượt được vận động viên quần vợt 26 tuổi Borna Coric và nữ diễn viên 30 tuổi Địch Lệ Nhiệt Ba làm đại sứ thương hiệu. Dù vậy, họ vẫn đứng sau như Rolex và Cartier trong danh sách được giới trẻ yêu thích.

Tuy nhiên, Chopard, nổi bật với đại sứ là Jacky Ickx, 78 tuổi, cựu tay đua nổi tiếng, lại đứng gần đầu danh sách. Patek Philippe, thương hiệu với thông điệp đồng hồ bền bỉ có thể truyền qua nhiều thế hệ và thậm chí không tài trợ cho các sự kiện thể thao, vẫn nằm vị trí thứ ba trong danh sách hãng được người trẻ yêu thích.

Jorg Baumann, đối tác cấp cao của New Norms, cho biết ngay cả trên các trang mạng xã hội, các thương hiệu đồng hồ truyền thống hàng đầu cũng có lượng theo dõi khổng lồ là người trẻ dù họ không hẳn là đối tượng khách hàng mục tiêu.

Một người phụ nữ trẻ tại triễn lãm đồng hồ lớn nhất hành tinh Watches & Wonders Geneva 2023. Ảnh: Xinhua.

Bauman giải thích rằng giới trẻ thường có ít kinh nghiệm mua hàng nên các siêu thương hiệu (super-brand) đem lại cho họ điểm tham chiếu rõ ràng hơn khi bước chân vào thị trường xa xỉ phức tạp.

Bên cạnh đó, khoảng 64% người tham gia thuộc Gen Y và Gen Z xem uy tín của thương hiệu là tiêu chí mua hàng quan trọng nhất. Thêm vào đó, việc truyền thông thương hiệu (brand communication) không được điều chỉnh phù hợp với họ dù thực tế nên là như thế.

Người trẻ tự động tạo nội dung liên quan đồng hồ thay vì chia sẻ lại thông tin từ thương hiệu chính hãng. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Giới trẻ nắm quyền chủ động

Super brand hiện diện mạnh mẽ hơn nhiều trong các kênh giới trẻ sử dụng. Quan trọng hơn, user-generated content (nội dung do người dùng tạo ra) góp phần thúc đẩy sự phát triển của các siêu thương hiệu này.

Chỉ riêng trên Instagram đã có 14 triệu bài đăng có hashtag bắt đầu bằng #Rolex; 6,8 triệu cho Cartier và TAG Heuer chiếm khoảng 1,2 triệu lượt gắn thẻ. Phần lớn trong số đó là nội dung của chính người dùng và không thuộc chi phối của các thương hiệu.

Nói cách khác, các hãng đồng hồ hàng đầu không nhất thiết phải phát triển nội dung của riêng họ hoặc tiếp cận phương tiện truyền thông xã hội.

Giới trẻ đang có xu hướng tự đăng ảnh cá nhân hay bài viết người khác mặc đồ của thương hiệu thay vì chia sẻ nội dung do thương hiệu tạo ra. Thêm vào đó, các đại sứ thương hiệu thậm chí có thể không xuất hiện.

Trong một cuộc khảo sát, chỉ một trong bảy người nói rằng đại sứ thương hiệu là lý do để họ mua một chiếc đồng hồ. Baumann nói thêm rằng đa số các nhãn hiệu (có lẽ ngoài Rolex và Cartier) sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc hiểu rõ cách thu hút khách hàng thuộc thế hệ mới.

“Theo quan điểm của chúng tôi, bí quyết là phải nhất quán trong việc xây dựng thương hiệu và bảo vệ các giá trị cốt lõi. Tuy nhiên, họ cũng phải nhanh nhẹn và mới mẻ trong cách truyền tải thông điệp nhãn hàng tới và thông qua thế hệ trẻ”, Baumann cho hay.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-tre-chuong-dong-ho-truyen-thong-nhu-rolex-cartier-post1434870.html