Giới trẻ chật vật với việc yêu vội trong đại dịch

Trong thời kỳ đại dịch, nhiều đôi trẻ có xu hướng yêu vội ngay khi vừa gặp nhau và thường lo lắng về mối quan hệ chóng vánh của mình.

Anna (22 tuổi, Mỹ) bắt đầu hẹn hò với một chàng trai khác trường đại học vào tháng 2/2020. Sau cuộc hẹn đầu tiên, họ dành nhiều thời gian tìm hiểu nhau. Trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đôi trẻ gặp khó khăn trong quá trình hẹn hò vì giãn cách xã hội, theo Vice.

Đầu tháng 3, cả hai phải tự cách ly vì có chung các triệu chứng giống như bệnh cúm. Sau đó, Anna chuyển về nhà bố mẹ trước khi phong tỏa. Hẹn hò mới chỉ một tháng, cả hai trải qua nhiều biến cố trong một khoảng thời gian ngắn. Anna và bạn trai sống ở hai thị trấn khác nhau và không thể đi du lịch trong thời điểm hiện tại.

Sau 2 tuần dành hàng giờ để nói chuyện qua Zoom và xem phim trên Netflix Party, người yêu Anna chuyển đến căn hộ của cô ở vài ngày. Khi gần đến ngày kỷ niệm đầu tiên yêu nhau, Anna rao bán căn hộ của mình và dọn đến nhà bạn trai sống.

 Nhiều cặp uyên ương gặp khó khăn trong việc xác định mối quan hệ.

Nhiều cặp uyên ương gặp khó khăn trong việc xác định mối quan hệ.

Mối quan hệ của cả hai phát triển quá nhanh khiến Anna e ngại về việc khi tình hình dịch bệnh ổn định và quay trở lại cuộc sống bình thường, họ sẽ đối mặt với những thử thách lớn hơn.

Một năm trôi qua, Anna vẫn cảm thấy băn khoăn với trạng thái của mình với “nửa kia”.

“Chúng tôi chưa có cơ hội trò chuyện thẳng thắn về việc xác định mối quan hệ. Tôi có cảm giác cả hai đến với nhau không phải là một lựa chọn chủ động. Tôi không chắc liệu anh ấy có thực sự muốn ở bên tôi hay không. Tôi lo rằng khi đề cập đến thì mối quan hệ này sẽ kết thúc ngay khi hết phong tỏa”, Anna nói với Vice.

Ngược lại, Alma (30 tuổi) cảm thấy hào hứng khi thời kỳ phong tỏa chấm dứt để cô có thể gặp gỡ người yêu của mình. Cô đã hẹn hò lại với bạn trai cũ vào tháng 8/2020. Họ kết nối với nhau thông qua Tinder khoảng 3 năm trước, nhưng chia tay sau 6 tháng tìm hiểu.

“Chúng tôi đã sống chung và cố gắng thực hiện càng nhiều điều cùng nhau. Tôi nghĩ mối quan hệ này sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn vì có nhiều hoạt động hơn để chúng tôi có thể làm cùng nhau”, Alma chia sẻ.

Tương tự Alma, Rose (33 tuổi) gặp “nửa kia” trong lần phong tỏa đầu tiên và trở thành người hỗ trợ trong công việc của nhau. Khi thời gian phong tỏa kết thúc, cô hy vọng mối quan hệ này sẽ bền chặt hơn sau lần đổ vỡ trước.

Rose và bạn trai cùng tổ chức những bữa ăn ngoài trời, đi xem triển lãm, phòng trưng bày tranh.

“Qua nhiều lần phong tỏa, chúng tôi dần dành nhiều thời gian cho nhau hơn. Theo nhiều cách, chúng tôi đã tăng tốc mối quan hệ của mình một cách nhanh chóng. Tôi nghĩ việc ‘đóng cửa’ đã cho chúng tôi rất nhiều thời gian và không gian để xây dựng một nền tảng thực sự vững chắc”, Rose nói.

Việc cách ly xã hội khiến nhiều đôi trẻ bị gián đoạn trong quá trình tìm hiểu nhau.

Theo Tiến sĩ Jacqui Gabb, người đứng đầu nghiên cứu mối quan hệ tại ứng dụng Paired, cho hay phong tỏa là một phần nguyên nhân dẫn đến việc mọi người vội yêu nhau và nhanh chóng chuyển sang trạng thái bế tắc khi thế giới thiết lập trạng thái bình thường mới.

“Thời kỳ đại dịch đã thay đổi thói quen trong cuộc sống hàng ngày và thước đo chuẩn mà chúng ta tự đo lường bản thân. Những quan điểm về điều bình thường cũng không còn chuẩn xác như trước. Ai cũng mong muốn có một mối quan hệ mới và thoát khỏi giãn cách xã hội”, Gabb nhấn mạnh.

Gabb cho rằng các đôi uyên ương phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những thách thức trong thời kỳ hậu dịch. Họ có thể vận dụng kinh nghiệm đã trải qua để xử lý khó khăn một cách linh hoạt và lắng nghe cảm xúc của đối phương.

Thảo Ngân

Ảnh: Pin

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-tre-chat-vat-voi-viec-yeu-voi-trong-dai-dich-post1190485.html