Giới thiệu nhân sự doanh nghiệp vào 'siêu' Ủy ban: Lo ngại

Nếu tìm kiếm lãnh đạo từ các doanh nghiệp, bộ, ngành thì nguy cơ đưa cán bộ tay chân, móc nối cứu sân sau, thao túng cơ chế rất dễ xảy ra.

Lãnh đạo "siêu" Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa chia sẻ hàng loạt khó khăn về mặt nhân sự, trong khi nhiệm vụ cơ quan này là khá nặng nề... Cụ thể, lãnh đạo Ủy ban chia sẻ, trừ lãnh đạo Ủy ban thì có 9 đơn vị, mỗi đơn vị chỉ có 7- 8 người, có đơn vị có từ 3-4 người, lực lượng rất mỏng. Đứng trước thực tế trên, lãnh đạo Ủy ban có đề nghị các doanh nghiệp, các bộ, ngành giới thiệu nhân sự chuyên môn sâu, đáp ứng các yêu cầu về thẩm định dự án đầu tư cùng tham gia giúp sức.

Quản lý "siêu" ủy ban phải là cán bộ "siêu" trình độ. Ảnh: Dân Việt

Quản lý "siêu" ủy ban phải là cán bộ "siêu" trình độ. Ảnh: Dân Việt

Bày tỏ lo ngại trước đề nghị trên, GS.TSKH Phạm Phố - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn nhắc lại quan điểm rằng, khi quản lý một bộ đã khó, nay phải quản lý một siêu bộ chắc chắn không hề đơn giản. Nhất là khi nguồn vốn tập trung quá lớn vào một cơ quan, cũng đồng nghĩa liên quan tới rất nhiều quyền lực trong việc phân chia, điều tiết dòng vốn.

"Phải nhớ, hầu hết các đại dự án tham nhũng đang được đưa ra xét xử đều là các dự án có liên quan tới vấn đề buông lỏng quản lý, có tình trạng liên kết, móc ngoặc giữa cán bộ quản lý với doanh nghiệp gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách nhà nước rất lớn.

Nếu bây giờ lại tìm kiếm lãnh đạo từ các doanh nghiệp, bộ, ngành thì nguy cơ đưa cán bộ tay chân, móc nối cứu sân sau, thao túng cơ chế rất dễ xảy ra. Tình trạng "chuyển từ túi áo trái sang túi áo phải", đi đêm để được ưu ái, ưu tiên là khó tránh khỏi. Nếu không cẩn thận, "siêu" ủy ban lại trở thành túi tiền tích lũy của doanh nghiệp, tiền nhà nước và doanh nghiệp trở thành bình thông nhau, như vậy thì mục đích của "siêu" Ủy ban không đạt được mà nguy cơ thất thoát còn lớn hơn", GS Phạm Phố cảnh báo.

Từ những lo ngại trên, vị GS nhắc lại tiêu chí tuyển chọn cán bộ mà Chính phủ trước đó đặt ra, trong đó, nhấn mạnh yêu cầu cán bộ phải có đủ trong sáng, tự trọng, trách nhiệm. Theo vị GS, muốn làm được như vậy thì phải bảo đảm một môi trường làm việc thật trong sáng, công tâm, khách quan.

Yêu cầu này không thể đòi hỏi từ một cá nhân hay một lãnh đạo là có thể làm được mà cần phải có sự đồng thuận, nhất quán của cả một tập thể, trong đó vai trò của người lãnh đạo đứng đầu mang tính quyết định.

"Lãnh đạo "siêu" Ủy ban ngoài yêu cầu về trình độ, đạo đức, chuyên môn còn đòi hỏi tính độc lập, không đứng về lợi ích của riêng bộ, ngành hay doanh nghiệp nào.

Một khi có liên quan tới các bộ, ngành hay được giới thiệu từ doanh nghiệp lên, nguy cơ bị doanh nghiệp thao túng, bộ ngành giật giây, làm suy yếu quyền lực, méo mó vai trò, chức năng của Ủy ban, khi đó, hậu quả rất khó lường", vị GS tiếp tục đưa ra lời cảnh báo.

Lấy ví dụ cụ thể từ vụ nước mắm và nước chấm công nghiệp, vị GS cho rằng, quyền lực của yếu tố lợi ích nhóm đang có nguy cơ ảnh hưởng cả một ngành nước mắm truyền thống, đã tồn tại từ lâu đời. Với thực tế trên, vị GS nhắc lại cảnh báo, nguy cơ thông đồng, biến vốn nhà nước thành vốn tư nhân là khó tránh khỏi nếu tuyển chọn những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, không có một cơ chế quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch.

Vì thế, ông yêu cầu, mọi quy trình tuyển chọn, làm việc đều phải thực hiện theo quy định và được pháp luật giám sát, kiểm tra. Cùng với đó, yêu cầu xử lý trách nhiệm phải rất cụ thể, rõ ràng, khi mắc sai phạm phải xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc, không bao che, dung túng, không biện minh, gỡ tội.

"Việc cần làm trước tiên là phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ không để cho các cá nhân lạm dụng quyền, chức vụ tạo liên kết, móc ngoặc hình thành nhóm lợi ích nhằm trục lợi, vơ vét tài sản của nhà nước và người dân.

Đặc biệt, khi xảy ra sai phạm phải xử lý thật nghiêm, kiên quyết loại bỏ những cá nhân, lãnh đạo có sai phạm ra khỏi bộ máy, không cho họ có cơ hội sai tiếp tục lại làm sai", GS Phạm Phố nhấn mạnh.

Băn khoăn chọn cán bộ phải trong sáng: Chọn được không?

Ngày 27/3, chia sẻ với báo chí, Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (Siêu ủy ban) cho biết đơn xin từ chức của Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Vũ Trường Sơn chưa được xem xét. Ông Sơn là cựu Tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), doanh nghiệp được PVN lựa chọn làm đại diện rót hàng nghìn tỷ đồng vào dự án tại Venezuela.

Theo vị này, sau khi nhận được đơn của ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Vụ Tổ chức án bộ của Ủy ban vốn sẽ tham mưu, báo cáo và đề xuất Ban cán sự Đảng Ủy ban họp, xem xét quyết định. Tuy nhiên, hiện Vụ Tổ chức cán bộ chưa đề xuất, nên Ban cán sự Đảng chưa họp, xem xét và quyết định. Lãnh đạo này cũng khẳng định, việc miễn nhiệm chức danh với ông Nguyễn Vũ Trường Sơn sẽ được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ.

Trước đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đã có đơn xin từ chức gửi Hội đồng thành viên tập đoàn này.

Tuy nhiên, theo trình tự thủ tục, việc ông Nguyễn Vũ Trường Sơn có được thôi chức vụ Tổng giám đốc PVN hay không cần sự chấp thuận của cơ quan chủ quản là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Thủ tướng xem xét, quyết định.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/gioi-thieu-nhan-su-doanh-nghiep-vao-sieu-uy-ban-lo-ngai-3377145/