Giới thiệu kinh nghiệm của Pháp về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử chống tham nhũng

Ngày 3-12, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội thảo 'Giới thiệu kinh nghiệm của Pháp về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử chống tham nhũng'.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm khẳng định: Việc xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá, phòng ngừa xung đột lợi ích, phòng ngừa tham nhũng nhằm xây dựng một nền hành chính công hiệu quả, đề cao trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch là một trong những nội dung quan trọng nhằm thiết lập nền tảng đạo đức công vụ.

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV cũng đã dành một phần đáng kể để quy định về việc thực hiện quy tắc ứng xử, kiểm soát xung đột lợi ích nhằm phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Toàn cảnh hội thảo

Phó Tổng Thanh tra cho biết, trong thời gian tới, các cơ quan có liên quan của Việt Nam sẽ triển khai các công việc cần thiết để cụ thể hóa các quy định của Luật nhằm hướng dẫn việc thực hiện Luật trong thực tiễn. Do đó, việc tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, để nghiên cứu vận dụng vào bối cảnh của Việt Nam có ý nghĩa hết sức thiết thực.

Tại hội thảo, bà Sandrine Jarry, chuyên gia, Cơ quan Chống tham nhũng Cộng hòa Pháp cho biết, Cơ quan Chống tham nhũng Pháp (AFA) được thành lập cuối năm 2016, có thẩm quyền trên toàn lãnh thổ Pháp, trực thuộc Bộ Tư pháp và Bộ Ngân sách. AFA có nhiệm vụ điều phối hoạt động hành chính và truyền bá thông tin hữu ích về chống tham nhũng; hỗ trợ các cơ quan hành chính nhà nước, địa phương; soạn thảo các khuyến nghị liên quan đến phòng ngừa và phát hiện các hành vi tham nhũng; kiểm soát các công cụ chống tham nhũng của các cơ quan nhà nước cũng như một số doanh nghiệp.

Trong Bộ Quy tắc ứng xử của Pháp, các mục rất cụ thể bao gồm: Phòng ngừa xung đột lợi ích trong suốt chu trình mua hàng; quản lý các mối quan hệ với các doanh nghiệp; quy tắc ứng xử cần có trong trường hợp bị gây áp lực; các hành vi không được làm; các hình thức kỷ luật trong trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử... Ngoài ra, Bộ Quy tắc cũng xác định các biện pháp chế tài, xử phạt, kỷ luật cho việc vi phạm các hành vi bị cấm hoặc cần tránh.

Trao đổi tại hội thảo, các ý kiến đều tập trung thảo luận các vấn đề như việc áp dụng Bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan lập pháp hay cơ quan tư pháp; một số biện pháp của Pháp để chủ động kiểm soát xung đột lợi ích; bình luận các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến quy tắc ứng xử, kiểm soát xung đột lợi ích; khuyến nghị để tiếp tục quy định chi tiết và tổ chức thực hiện...

Tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm gửi lời cảm ơn bà Sandrine Jarry, chuyên gia Cơ quan Chống tham nhũng Cộng hòa Pháp và các đại biểu đã chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử chống tham nhũng, về xung đột lợi ích và quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Phó Tổng Thanh tra khẳng định, những chia sẻ của chuyên gia Pháp sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích đối với các cơ quan có liên quan của Việt Nam, nhất là trong quá trình triển khai xây dựng bộ quy tắc ứng xử nhằm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Thế Vinh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/gioi-thieu-kinh-nghiem-cua-phap-ve-xay-dung-bo-quy-tac-ung-xu-chong-tham-nhung-129400.html