Giới sưu tầm triệu đô trẻ tuổi ở Trung Quốc

Sở hữu tuổi trẻ, niềm đam mê và tiềm lực kinh tế, một thế hệ những nhà sưu tầm mới của Trung Quốc đang thay đổi cách làm nghệ thuật.

Không như những bậc tiền bối từng gây chấn động thế giới nghệ thuật với các thương vụ trị giá hàng chục triệu đến trăm triệu USD, một thế hệ những nhà sưu tầm mới của Trung Quốc lặng lẽ theo đuổi tình yêu nghệ thuật theo những cách khác, theo CNN.

Nhà sưu tầm nghệ thuật 23 tuổi của Trung Quốc Michael Xufu Huang. Ảnh: Michael Xufu Huang.

Trong đám đông, Michael Xufu Huang khó lòng không nổi bật. Anh thu hút ánh nhìn khi xuất hiện trong bộ jumpsuit da màu trắng hồi tháng 3 ở bảo tàng Guggenheim, Mỹ hay trang phục hồng phớt theo phong cách đồ ngủ ở hội chợ nghệ thuật quốc tế Art Basel tại Hong Kong sau đó. Nhưng độ tuổi 23 của Huang mới là điều khiến người trong giới trầm trồ.

Huang thuộc thế hệ những nhà sưu tầm nghệ thuật mới ở Trung Quốc. Anh bắt đầu sưu tầm từ khi còn là cậu học sinh 16 tuổi ở London. Trở về Bắc Kinh, Huang tham gia đồng sáng lập bảo tàng nghệ thuật đương đại M Woods, tổ chức triển lãm tác phẩm của các nghệ sĩ phương Tây và Trung Quốc.

Như những người trong giới cùng thời, Huang có tiền để chi cho niềm đam mê nghệ thuật. Song cách tiếp cận của thế hệ Huang có sự khác biệt lớn với những tỷ phú Trung Quốc từng làm chấn động thế giới nghệ thuật giữa thập niên đầu của thế kỷ 21 khi theo đuổi tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng phương Tây.

Năm 2006, Joseph Lau chi 17,4 triệu USD mua bức chân dung của họa sĩ Mỹ Andy Warhol. Wang Jianlin, một trong những người giàu nhất Trung Quốc, từng trả 28,2 triệu USD cho tác phẩm của Picasso. Tỷ phú Liu Yiqian chi 170,4 triệu USD cho tranh của họa sĩ Amedeo Modigliani người Italy gốc Do Thái.

Adrian Cheng, một trong những nhà sưu tầm tác phẩm nghệ thuật thuộc thế hệ mới ở Hong Kong. Ảnh: Adrian Cheng.

Với những nhà sưu tầm trẻ như Huang hay Adrian Cheng, một trong những tỷ phú trẻ nhất thế giới, nghệ thuật phương Tây vẫn có sức hút không thể phủ nhận. Nhưng họ không chỉ tìm kiếm những tên tuổi lớn.

Tác giả của nhiều tác phẩm trong bộ sưu tập lên đến hàng trăm của Cheng đang là những nghệ sĩ triển vọng. "Tôi có may mắn được chiêm ngưỡng những tác phẩm có thể có vai trò quan trọng về mặt lịch sử, là đại diện của thời đại đó hay chỉ đơn giản là gây xúc động", Cheng nói. "Tôi có xu hướng sưu tầm những tác phẩm như vậy bất kể nghệ sĩ là người ở đâu".

Theo Lorenz Helbling, người sáng lập phòng trưng bày có thâm niên 21 năm ShanghART ở Thượng Hải, sự thay đổi này phản ánh bước phát triển trong năng lực cảm thụ nghệ thuật của các nhà sưu tầm Trung Quốc.

Các cuộc bán đấu giá vẫn là lựa chọn của nhiều nhà sưu tầm trẻ bởi các tác phẩm tại đây được chuyên gia kiểm định. Năm 2016, gần 70% các tác phẩm được mua ở Trung Quốc thông qua các nhà bán đấu giá.

Tuy nhiên, giới sưu tầm trẻ Trung Quốc không muốn những buổi bán đấu giá công khai khiến dư luận xì xào. Họ lớn lên khi lớp người được mệnh danh là thế hệ giàu có thứ hai ở Trung Quốc bị truyền thông chỉ trích tiêu tiền hoang phí. Nhưng những nhà sưu tầm được gia đình hỗ trợ một phần tài chính này cũng muốn chứng minh nghệ thuật thực sự là mối quan tâm của họ.

Cầu kéo theo cung. Nhiều nhà bán đấu giá cung cấp dịch vụ bán đấu giá không công khai cho phép khách chuyển tiền kín đáo. Nhà bán đấu giá Sotheby's cho hay doanh thu từ các buổi bán đấu giá không công khai, đặc biệt ở khu vực châu Á, trong nửa đầu năm 2017 có mức tăng đáng kể.

"Chúng tôi chứng kiến xu hướng các buổi bán đấu giá không công khai tăng mạnh ở nhóm khách hàng Trung Quốc đại lục trong 5 năm qua, năm 2016 tăng hơn gấp ba so với năm trước", một người phát ngôn của Sotheby's cho biết.

Nhà sưu tầm tác phẩm nghệ thuật Kylie Ying. Ảnh: Kylie Ying.

Ngoài những địa chỉ uy tín này, giới sưu tầm trẻ của Trung Quốc còn những phương án khác như mạng Internet hay phòng tranh. "Tôi luôn mua thông qua các phòng tranh. Đó là ưu tiên số một của tôi", nhà sưu tầm như Kylie Ying, đồng sáng lập của ART021 Shanghai, cho biết.

Với giới sưu tầm trẻ của Trung Quốc, sự khác biệt với thế hệ trước còn đến từ mong muốn chia sẻ nghệ thuật với công chúng. Thông qua quỹ nghệ thuật phi lợi nhuận tự sáng lập năm 2010 để phát triển nghệ thuật đương đại Trung Quốc và các trung tâm mua sắm của gia đình, Cheng tổ chức nhiều buổi triển lãm cho quảng đại công chúng.

"Chúng tôi đã giới thiệu nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật đương đại với khán giả", Cheng nói. "Chúng tôi nối cây cầu giữa một lượng công chúng lớn hơn với nghệ thuật".

Theo Vnexpress

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/gioi-suu-tam-trieu-do-tre-tuoi-o-trung-quoc-1196653.tpo