Giới siêu giàu Việt tăng nhanh: Lo còn ẩn danh?

GS Hà Tôn Vinh bày tỏ nhiều băn khoăn trước thông tin người siêu giàu Việt tăng rất nhanh

Giàu kiểu… “đợi số”

PV: Báo cáo World Ultra Wealth Report vừa qua cho thấy Việt Nam đang đứng thứ 3 trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có giới siêu giàu tăng nhanh nhất. Số người siêu giàu tại Việt Nam với tổng tài sản trị giá từ 30 triệu USD trở lên tăng trưởng với tốc độ gần 13% trong giai đoạn 2012-2017, chỉ xếp sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).

Ở góc độ tích cực, có thể thấy Việt Nam đã có thêm nhiều cá nhân bước vào câu lạc bộ triệu đô của thế giới, đồng thời minh chứng về sự nổi lên của một quốc gia đang phát triển. Ông bình luận thế nào về con số trên? Theo ông, có phải cứ nhiều tỷ phú là đáng tự hào, đáng để vui mừng không, thưa ông?

GS Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm TGĐ Tổ hợp Giáo dục - Tư vấn Quốc tế Stellar Management: Đây là tâm lý chung rồi, khi giàu, có nhiều tiền thì ai cũng thích, ai cũng vui. Bây giờ nói Việt Nam có nhiều người siêu giàu, người siêu giàu Việt đang tăng nhanh thì đương nhiên phải vui chứ. Một hiện tượng mà trước đây chúng ta không có, bây giờ chúng ta có, trước đây chúng ta không nhiều, bây giờ tự nhiên có nhiều thì vui là hợp lẽ.

GS Hà Tôn Vinh

Tuy nhiên, tôi phải nói ngay, "siêu giàu" theo đẳng cấp của thế giới rất khác. Họ có thể giàu lên bằng nhiều cách khác nhau, nhưng ở những đất nước phát triển, có cơ chế giám sát tốt, thì những người làm ra tiền phần lớn là những người thông minh, tài giỏi, họ giàu lên bằng trí tuệ, bằng chất xám vì thế, sự giàu có cũng được ghi nhận ở một đẳng cấp khác.

Có thể điểm qua 4 cách làm giàu như sau:

Cách làm giàu thứ nhất là giàu nhờ trí tuệ. Đây là những người sử dụng trí thông minh của mình để đưa ra các nghiên cứu, xây dựng được các chiến lược, sáng kiến kinh doanh tốt, giúp các hoạt động kinh doanh của họ luôn đi trước thời đại, đi trước mọi người và luôn mang lại hiệu quả cao.

Cách làm giàu thứ hai là giàu nhờ thông tin, giàu lên nhờ mối quan hệ, quen biết. Với cách làm giàu này thì ai có khả năng tiếp cận mối quan hệ tốt hơn và cách quan hệ tốt hơn thì người đó có thể chớp thời cơ, tận dụng những cơ hội để trở thành triệu phú, tỷ phú rất dễ dàng.

Cách làm giàu thứ ba là giàu nhờ khai thác tài nguyên, khoáng sản, làm giàu từ dự án bất động sản được cắt lớp, chia phần. Cách làm giàu này cũng được cho là nhanh và dễ. Chỉ cần ôm được một dự án đất đai là ngày hôm sau đã có thể trở thành triệu phú.

Và cách làm giàu thứ tư là nhờ cần kiệm, biết cách kết nối, tạo mối quan hệ gắn kết giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực để liên kết sản xuất, mở rộng kinh doanh.

Tôi không hiểu giới siêu giàu ở Việt Nam là giàu theo cách nào, nhưng ở nước ngoài thì đa số những người giàu đều nhờ trí tuệ, giàu nhờ phát kiến, nhờ vào những cơ hội từ sự phát triển, hội nhập mà nền kinh tế mang lại. Chính vì thế, những người giàu ở các nước đó tăng lên cũng đồng nghĩa với những đóng góp của họ vào nền kinh tế nhiều hơn, xã hội ngày càng phát triển hơn.

Những thứ này không phải Việt Nam không có và cũng không phải người giàu Việt Nam không biết tận dụng. Vẫn có rất nhiều người giàu Việt, giàu lên từ trí tuệ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, còn có những trường hợp giàu lên nhờ bán tài nguyên, khoáng sản, nhờ buôn bán bất động sản, nhờ quan hệ chạy dự án... Với cách làm giàu này, người giàu có thể giàu lên nhanh chóng, giàu chỉ sau "một cái chớp mắt" nhưng đây là cách giàu không bền vững, giàu "xổi" và chỉ mang tính thời hạn, không có gì đáng tự hào.

Như vậy, chỉ có giàu từ trí tuệ, từ phát kiến, sáng tạo... mới là cách giàu bền vững. Đó mới là nền tảng tạo giá trị cạnh tranh và sức mạnh gia tăng của nền kinh tế cũng như giúp nền kinh tế có khả năng cạnh tranh với nước ngoài. Tôi vẫn hi vọng, trong tương lai, sẽ có nhiều người siêu giàu Việt Nam giàu lên theo cách này, chứ không phải giàu kiểu "đợi số" như quan niệm của một số người lâu nay.

Những đại gia ẩn danh

PV: Thưa ông, như vậy vẫn có thể có số lớn những người giàu ẩn danh không thể công khai minh bạch tài sản vì lý do này, hay lý do khác. Thời gian qua, chúng ta cũng đã thấy những hotgirl "bỗng nhiên" tuyên bố sở hữu khối tài sản cả trăm ngàn tỷ đồng, hay tự nhiên có những cậu ấm, cô chiêu "nứt mắt" chưa làm gì đã có biệt phủ dự án đất vàng, kim cương.... Nếu nhìn nhận từ góc độ này thì phải hiểu thế nào về giới siêu giàu Việt?

Hiện tượng, lượng người giàu tăng nhanh chóng nhưng không đem lại lợi ích công bằng cho toàn nền kinh tế hay nói cách khác là lợi ích, nguồn lực tập trung vào một nhóm người rất nhỏ mà theo báo cáo của Oxfam là 0,00023% nắm giữ 12% tài sản của đất nước thì có nguy cơ gây ra những hệ lụy gì? Xin ông phân tích rõ.

GS Hà Tôn Vinh: Đúng vậy, đây là hiện tượng không hiếm có ở cả Việt Nam lẫn nước ngoài. Hiện tượng trên xuất phát từ tâm lý, khi bố mẹ tạo dựng được sự nghiệp, có tài sản sau đó để lại cho con mình, muốn đầu tư cho con, cho con hưởng thụ đây cũng là lẽ bình thường.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận việc này theo hai góc độ. Trước hết là xét về nguồn gốc số tiền có được của những người siêu giàu để lại cho con, cháu có được là từ nguồn nào. Nếu tài sản có được là tài sản tích lũy từ làm ăn chân chính, là nguồn tiền sạch, kiếm được nhờ vào công sức, trí tuệ, nhờ vào "mồ hôi, nước mắt" của cả một thế hệ, một gia tộc kinh doanh thì cần được trân trọng, khuyến khích.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/gioi-sieu-giau-viet-tang-nhanh-lo-con-an-danh-3365545/