Giới siêu giàu 'phất' lên nhờ bất động sản: Nên mừng hay lo?

Nhìn vào top những người giàu nhất Việt Nam và các tỉ phú vừa được Forbes vinh danh, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, bất động sản ở Việt Nam vẫn là lĩnh vực béo bở, tạo ra siêu lợi nhuận.

GS.TS Đặng Đình Đào: "Bất động sản ở Việt Nam là lĩnh vực béo bở, tạo ra siêu lợi nhuận". Ảnh: Internet

Tạp chí danh tiếng Forbes vừa công bố danh sách, thứ hạng tỷ phú thế giới 2018, trong đó Việt Nam có 4 tỷ phú USD. Họ là người đứng đầu các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, ngân hàng, hàng không, đến sản xuất, lắp ráp ôtô. Tuy nhiên, nhìn vào top người giàu nhất Việt Nam và các tỉ phủ vừa được Forbes vinh danh, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng có điểm vừa mừng, vừa lo khi đa số người giàu ở Việt Nam đều xoay quanh bất động sản.

PV: Việt Nam có 4 tỷ phú đô la, so với năm ngoái tăng thêm 2 người. Là chuyên gia kinh tế, ông đánh giá gì về sự kiện này?

GS.TS Đặng Đình Đào: Đó là điều đáng mừng không chỉ cho cá nhân 4 tỷ phú mà còn cho nền kinh tế Việt Nam. Điều này thể hiện kinh tế Việt Nam những năm qua tăng trưởng tốt và bền vững nên kinh doanh phát triển. Thêm tỷ phú tức là việc làm ăn của doanh nghiệp phát triển hơn. Các doanh nghiệp này không chỉ đóng góp thuế vào ngân sách mà còn lan tỏa giá trị, hoạt động kinh doanh sang các doanh nghiệp đối tác, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người khác.

Tuy nhiên, thực tế Việt Nam mới có hơn 30 năm đổi mới, cho nên hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện theo nền kinh tế thị trường. Nếu có sự đối chiếu so sánh, rõ ràng tỉ phú của Việt Nam cũng có sự khác biệt.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về sự khác biệt này?

GS Đặng Đình Đào: Sự khác biệt đầu tiên, ở các nước Mỹ, Pháp, Anh… họ đã trải qua nền kinh tế thị trường khoảng 200 năm. Luật pháp hoàn chỉnh, môi trường kinh doanh đã hoàn thiện. Vì thế để trở thành tỷ phú trong môi trường như vậy họ phải là những người cực giỏi, có tài với thương hiệu, dịch vụ nổi tiếng toàn cầu.

Các tỷ phú Việt Nam thương hiệu thế nào, sức lan tỏa ra sao thì chúng ta chưa thấy được nhiều. Các thương hiệu này chủ yếu mới chỉ được biết đến ở Việt Nam. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng các tỷ phú Việt Nam giàu lên đều có dính dáng hoặc khởi nguồn từ bất động sản. Tôi cho rằng ý kiến này hoàn toàn có cơ sở. Đặc biệt là nhìn vào top người giàu nhất Việt Nam thì bất động sản vẫn là lĩnh vực chiếm số lượng lớn. Nó vừa là điểm xuất phát của nhiều người giàu và vẫn được xác định là cốt lõi của không ít người giàu.

PV: Việc giàu lên từ bất động sản, theo ông, nên mừng hay lo?

GS.TS Đặng Đình Đào: Bất động sản ở Việt Nam là lĩnh vực béo bở, tạo ra siêu lợi nhuận. Điều này cũng xuất phát từ hệ thống pháp luật trong quản lý đất đai, quá trình cổ phần hóa chưa chuẩn xác, chưa hoàn thiện. Nhiều người đã biết chớp thời cơ hoặc do có quan hệ đặc biệt mà giàu lên rất nhanh. Dẫn chứng rõ nhất là nhiều dự án bất động sản khi thu hồi đất của dân giá rất rẻ nhưng khi xây dựng cơ sở hạ tầng xong bán đất nền thì giá lên gấp mấy chục lần. Đó là siêu lợi nhuận. Nếu xây nhà xong, giá bán còn cao hơn nữa.

Lợi nhuận còn đến từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, định giá đất thấp. Tiếp đó là khi thực hiện chủ trương đổi đất lấy cơ sở hạ tầng còn nhiều lỗ hổng khiến cho nhiều vị giàu lên nhanh chóng. Họ có được những vị trí đắc địa, đất vàng. Chúng ta có được hạ tầng nhưng đất vàng lại không được định giá đúng giá trị thực tế. Cuối cùng Nhà nước thiệt thòi. Rõ ràng, không ít tỷ phú Việt Nam thấy được “lợi thế” đó.

Tỷ phú của Việt Nam “lớn lên” trong môi trường kinh doanh đang trong quá trình hoàn thiện vì chúng ta vẫn đang xây dựng nền kinh tế thị trường. Nếu ai đó nói tỷ phú Việt Nam giống như các tỷ phú ở Anh, Pháp, Mỹ… tôi cho rằng so sánh đó là khập khễnh.

PV: Việc người giàu Việt Nam đều xoay quanh bất động sản có tác động ra sao với nền kinh tế, thưa ông?

GS.TS Đặng Đình Đào: Để sản xuất kinh doanh có lời đột xuất không phải dễ. Nó chỉ là một số lợi nhuận đều đều chứ không thể nói có lợi nhuận tăng vọt lên do thị trường hay là nhu cầu người tiêu dùng… như kinh doanh bất động sản.

Việc giàu lên từ sản xuất thường khó, nhưng những người giàu lên nhờ sản xuất kinh doanh là giàu “bền”. Nghĩa là có tính bền vững cho bản thân cá nhân đó và có lợi đối với nền kinh tế xã hội.

Họ phải có các nhà máy kinh doanh hoặc những tập đoàn lớn. Ở đó, họ vừa tạo ra của cải vật chất, tài sản cho xã hội nhưng đồng thời cũng tạo ra được công ăn việc làm và cân đối được các mối quan hệ khác trong nền kinh tế. Như vậy là họ đang giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững hơn và tốt hơn. Việc giàu lên từ bất động sản còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho nền kinh tế. Hai lần “bong bóng” bất động sản năm 2007, 2010 minh chứng rõ nhất tác động này.

PV: Đúng là nhiều năm qua, nhiều tỷ phú Việt Nam giàu lên từ bất động sản. Tuy nhiên, trong danh sách 4 tỷ phú đô la do Forbes bình chọn thì cả 4 người này đều kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Đó có phải là điểm sáng đáng mừng?

GS.TS Đặng Đình Đào: Thực tế tại tất cả các nước, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, họ "hóa rồng" được nhờ sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp. Nhật Bản được biết đến là sản xuất ô tô, Hàn Quốc là sản xuất các sản phẩm điện tử. Còn chúng ta, công nghiệp trong tay hầu như chưa có gì cả.

Chính vì thế, tôi mừng là một hai năm nay người dẫn đầu trong số những người giàu ở Việt Nam đã đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, ngoài bất động sản còn làm nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

PV: Ngoài ra, ông còn mong chờ gì ở các tỷ phú của Việt Nam?

GS.TS Đặng Đình Đào: Trong khi nhắc tới các tỷ phú thế giới đều gắn tới những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, như Bill Gates gắn với Microsoft, Mark Zuckerberg gắn với Facebook, Jeff Bezos là Amazon, Jack Ma là Alibaba... Thực tế các thương hiệu gắn với tỷ phú Việt Nam vẫn chủ yếu phổ biến trong nước, chỗ đứng trên thị trường toàn cầu chưa nhiều, các yếu tố về khoa học công nghệ, yếu tố xanh còn chưa đạt.

Chúng ta có các doanh nghiệp to nhưng ít doanh nghiệp lớn, thậm chí không có. Vì doanh nghiệp lớn thì phải có sức lan tỏa lớn cả thương hiệu, công nghệ, lẫn hỗ trợ và chia sẻ với cộng đồng để không ai tụt lại phía sau.

Cuối cùng, tôi cũng mong đợi các tỷ phú Việt lan tỏa giá trị, chia sẻ, hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội bằng những việc làm từ thiện của họ. Đó là điều mà các tỷ phú thế giới khiến họ không chỉ được ngưỡng mộ vì tiền.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/gioi-sieu-giau-phat-len-nho-bat-dong-san-nen-mung-hay-lo-a363279.html