Giới siêu giàu châu Á đã làm gì để bảo vệ môi trường?

Từ những con đường tắc nghẽn ở Bắc Kinh cho đến đô thị chật chội tại New Delhi, châu Á là nhà của 3 trong 5 quốc gia ô nhiễm nhất hành tinh.

Châu Á cũng là quê hương của hơn 30% nhóm người giàu nhất thế giới.

Hiện các nỗ lực của các chính phủ và những nhà hoạt động từ thiện tại châu Á thường tập trung vào vấn đề giảm nghèo, nâng cao giáo dục hơn là chống biến đổi khí hậu.

“Nhiều người giàu có dễ dàng nhìn thấy người nghèo xung quanh họ, nhưng hiếm khi nào nhận ra thiên nhiên cũng là một vấn đề nghiêm trọng”, Francis Ngai, người sáng lập Quỹ Đầu tư Xã hội Hong Kong nhận định.

Ô nhiễm dày đặc ở Kampar, Malaysia vào tháng 9/2019. Ảnh: Getty.

Ô nhiễm dày đặc ở Kampar, Malaysia vào tháng 9/2019. Ảnh: Getty.

Theo báo cáo năm 2018 của Trung tâm Khởi nghiệp Xã hội và Từ thiện châu Á, dù gần đây thế giới đang tập trung vào biến đổi khí hậu, môi trường vẫn nhận được ít sự quan tâm, hỗ trợ từ các tập đoàn, tổ chức trong khu vực này.

Tuy nhiên, chiều hướng đó dường như đã phần nào thay đổi khi một số người trẻ thừa kế, lên nắm quyền điều hành những công ty giàu có từ gia đình mình. Họ nhận thức rõ hơn về môi trường và biến đổi khí hậu.

Nâng cao nhận thức

Cherie Nursalim là người thừa kế và phó chủ tịch tập đoàn Giti, chuyên sản xuất lốp xe, với hơn 33.000 nhân viên trên khắp thế giới. Giti đã trồng cây, hạn chế sử dụng năng lượng để có thể giảm thiểu lượng khí thải carbon từ các nhà máy của mình.

Thêm vào đó, tập đoàn này đã áp dụng các công nghệ mới giúp áp suất không khí tối ưu trong lốp xe được duy trì, nhằm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu.

Bà Cherie Nursalim. Ảnh: Flickr.

Bà Nursalim còn nằm trong Hội Từ thiện châu Á, và ban lãnh đạo của Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.

Nhiều năm qua, bà đã thuyết phục các công ty và gia đình giàu có khác ở châu Á tham gia các hoạt động thiện nguyện về biến đổi khi hậu và đưa ra những giá trị kinh doanh cốt lõi gắn liền với môi trường.

“Một điều hiển nhiên rằng nếu người khác không nhìn thấy tác hại trước mắt, họ sẽ không làm gì cả. Nhưng tôi nghĩ tất cả cần phải biết về vấn đề môi trường đang nhức nhối để có thể chung tay hành động”, Nursalim chia sẻ.

Các tòa nhà bền vững

Kathlyn Tan, giám đốc tập đoàn Rumah Group, đã tìm kiếm các khoản đầu tư vào năng lượng mặt trời và các vật liệu xây dựng bền vững.

Chuyến đi lặn trên rạn san hô Great Barrier của Australia đã giúp bà thấu hiểu sự tàn phá ghê gớm của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ nước biển tăng đã khiến kỳ quan thiên nhiên hoang dã này bị phai, xỉn màu.

Bà Kathlyn Tan. Ảnh: Rumah Group.

Bà Tan cho rằng nhiều người dân châu Á sẽ sẵn sàng hành động tích cực hơn cho môi trường nếu họ có thể nhìn thấy những gì đang bị đe dọa. Bà hiện hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận trong việc bảo tồn đại dương như Project AWARE và Coastal Natives.

“Một vài năm trước đây, chúng tôi trò chuyện với nhiều người, và môi trường không được quan tâm lắm. Họ chú trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ nhiều hơn. Nhưng giờ đây, dường như môi trường đang là một chủ đề rất nóng”, Tan nói.

Trái phiếu xanh

Annie Chen, người thừa kế tập đoàn đầu tư RS Group, tiên phong trong việc đem khái niệm trái phiếu xanh đến với châu Á. Theo đó, những thỏa thuận có sử dụng trái phiếu xanh sẽ được trích một khoản tiền để đóng góp cho các hoạt động về phát triển xã hội hoặc bảo vệ môi trường.

Trái phiếu xanh hiện được sử dụng ở châu Âu và Mỹ để tài trợ cho các dự án thân thiện với khí hậu, ví dụ như những nhà máy năng lượng mặt trời. Công ty tư vấn tài chính Moody ước tính thị trường này sẽ đạt giá trị 200 tỷ USD trong năm 2019.

Bà Annie Chen. Ảnh: Barron's.

Tuy vậy, hầu hết giới đầu tư châu Á vẫn còn e dè và nghi ngờ về tính pháp lý của loại trái phiếu này.

“Đã có rất nhiều đợt phát hành trái phiếu xanh ở Trung Quốc. Nhưng các tiêu chuẩn ở đây lại không thật sự phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, và đó có thể là lý do tại sao các nhà đầu tư gặp khó khăn để tìm ra trái phiếu xanh đáp ứng được tiêu chí của họ”, Yuni Choi, phó giám đốc đầu tư tại RS Group cho biết.

Tài trợ năng lượng mặt trời

Gia đình Robin Pho đã gây dựng nên nguồn tài sản khổng lồ nhờ vào việc đào tạo, cung cấp nhân công cho hàng loạt giàn khoan dầu khí rải rác khắp Indonesia.

Sau khi tham gia một khóa học tại trường kinh doanh INSEAD ở Singapore, ông phát hiện ra niềm đam mê riêng của bản thân để làm bên cạnh công việc kinh doanh của gia đình.

Ông Robin Pho cùng gia đình. Ảnh: Straits Times.

Ông thành lập công ty năng lượng mặt trời có tên Right People Renewable Energy nhưng đã gặp khó khăn về nguồn tài trợ ngay từ những bước đầu tiên.

Trong khi các ngân hàng vui vẻ để khách hàng của mình vay tiền với lãi suất thấp cho các công cụ truyền thống như máy phát điện diesel, thì các thiết bị năng lượng mặt trời lại phải chịu lãi suất cho vay cao hơn.

Vì vậy lúc mời bắt đầu kinh doanh ngành công nghiệp năng lượng, Robin Pho đã phải sử dụng tiền từ công ty gia đình để đầu tư.

Khi Right People Renewable Energy dần đem lại lợi nhuận tốt, ông Pho có thể sẽ tận dụng công ty gia đình mình để mở rộng quy mô cho nhà sản xuất năng lượng mặt trời này.

Đầu tư vào môi trường, xã hội, và quản trị (ESG)

Nhà Tolaram đã gây dựng cơ đồ từ các mặt hàng dệt may, ngũ cốc, và hàng tiêu dùng, biến họ thành tập đoàn toàn cầu có trị giá khoảng 1,8 tỷ USD.

Họ đã thuê Edris Boey, kiểm toán viên của KPMG, để giải quyết bài toán ESG cho quỹ quản lý tài sản Maitri của mình.

Ban giám đốc tập đoàn Tolaram. Ảnh: Bloomberg.

ESG được hiểu đơn giản là hệ thống đo lường tác động xã hội và ảnh hưởng môi trường từ các khoản đầu tư của các công ty hay chính phủ. Hiện ESG chưa thật sự phổ biến tại châu Á.

“Về việc đến bao giờ các tập đoàn gia đình châu Á mới chọn yếu tố môi trường trong ESG lên hàng đầu, điều đó phụ thuộc vào độ nghiêm ngặt của các quy định chính phủ”, Edris Boey nhận xét.

Minh Đức
Theo Bloomberg

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/gioi-sieu-giau-chau-a-da-lam-gi-de-bao-ve-moi-truong-post992657.html