Giới phân tích quốc tế dự báo gì về kết quả Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam

Trong hai ngày 27 và 28/2 tại Hà Nội, sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Sự kiện này đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của giới phân tích, bình luận chính trị thế giới.

Ý kiến từ Moscow

Bài viết của Artem Lukin - Phó giáo sư Khoa quan hệ quốc tế, Phó giám đốc khoa học Viện phương Đông - cho câu lạc bộ thảo luận chính trị Valdai Club tại Moscow nhấn mạnh, khác với cuộc gặp lần thứ nhất tại Singapore, cuộc gặp tại Việt Nam kéo dài tới hai ngày. Điều đó cho phép giả thuyết rằng hai bên sẽ đàm phán rất nhiều nội dung.

Các cuộc gặp làm việc đã diễn ra trước đó, như cuộc gặp giữa đặc sứ Bộ Ngoại giao Mỹ Steven Bigan và cựu đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha Kim Hyok Chol. Sau đó ngày 31/1, ông Bigan đã có bài phát biểu tại Đại học Stanford, trong đó ông nêu ra quan điểm mới của Mỹ trong đàm phán.

Nếu trước kia Washington yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa toàn diện và nhanh chóng thì qua phát biểu của ông Bigan có thể thấy giờ đây Mỹ có thể đồng ý một quá trình phi hạt nhân kéo dài và từng bước, và ở mỗi bước Triều Tiên sẽ nhận được từ Mỹ những nhượng bộ tương ứng ở hình thức nới lỏng án phạt kinh tế, bình thường hóa quan hệ chính trị v.v.

Khác với cuộc gặp lần thứ nhất tại Singapore, cuộc gặp tại Việt Nam lần này giữa Thổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong - un được dự kiến kéo dài tới hai ngày (ảnh AFP)

Nếu các cuộc gặp làm việc hiện tại kết thúc thành công thì tại Việt Nam, ông Trump và ông Kim có thể sẽ ký các văn kiện có nội dung cụ thể hơn nhiều so với tuyên bố Singapore. Ví dụ có thể nói đến việc đóng cửa Trung tâm hạt nhân tại Nyongbyon (Triều Tiên) để đối lấy tuyên bố kết thúc chiến tranh và nới lỏng một số lệnh trừng phạt. Một thành công nữa của điểm hẹn Việt Nam có thể là sự tham gia của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Moon Jea-in của Hàn Quốc. Hiện đang rộ lên tin đồn về việc này.

Tuy nhiên không có lời nào nhắc đến khả năng tham gia của lãnh đạo Nga. Thời gian gần đây Nga không thể hiện mối quan tâm đến vấn đề Triều Tiên, một phần vì Tổng thống Vladimir Putin hiện đang bận rộn với Trung Đông, nơi Moskva trở thành một bên có ảnh hưởng lớn nhất, các nguồn lực ngoại giao Nga đang tập trung về đây. Thực ra, việc can thiệp của Nga vào tiến trình ngoại giao Triều Tiên nói chung là không cần thiết vì tiến trình này đang hoàn toàn đi theo hướng phù hợp với lợi ích của Nga: Nguy cơ chiến tranh lớn đã qua, các bên xung đột cho dù chậm chạp, song vẫn đang tiến về phía nhượng bộ lẫn nhau.

Phân tích từ Hàn Quốc

Trong khi đó Giáo sư-Tiến sỹ Lee Woong-Hyeon, Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Hàn Quốc, bày tỏ sự lạc quan về kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai.

Ông Lee Woong-Hyeon, hiện cũng là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Địa Chính trị Hàn Quốc, phát biểu: “Mặc dù hai bên không thể giải quyết hoàn toàn các bất đồng song theo tôi tại Hà Nội, hai bên sẽ đạt được một số thỏa thuận trong một số vấn đề, ít nhất là Triều Tiên đưa ra được thời gian biểu phi hạt nhân hóa và Mỹ dỡ bỏ phần nào các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên”.

Theo ông, có thể hai bên sẽ ra tuyên bố chính trị kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) song đó không phải là một tuyên bố mang tính pháp lý. “Vì để chấm dứt cuộc chiến tranh này về mặt pháp lý cần có sự tham gia của Trung Quốc song hiện nay thì việc này không chắc sẽ xảy ra”, Giáo sư-Tiến sỹ Lee Woong-Hyeon giải thích.

Ông cũng nhận định tại Hà Nội, ông Trump và ông Kim sẽ phải giải quyết các vấn đề cụ thể hơn nhiều để thực hiện Tuyên bố Singapore, ví dụ như các điều khoản cụ thể như Triều Tiên đóng cửa tổ hợp hạt nhân chính của nước này ở Yongbyon để đổi lấy việc nới lỏng phần nào các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động CHDCND Triều Tiên Kim Yong-chol đã có các cuộc tiếp xúc để chuẩn bị cho Thượng đỉnh lần 2 tại Việt Nam (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động CHDCND Triều Tiên Kim Yong-chol đã có các cuộc tiếp xúc để chuẩn bị cho Thượng đỉnh lần 2 tại Việt Nam (Ảnh: Reuters)

Theo chuyên gia Lee Woong-Hyeon, khó khăn lớn nhất tại cuộc gặp ở Hà Nội là tìm sự nhất trí giữa Mỹ và Triều Tiên xác định việc gì sẽ được thực hiện trước các việc khác. Đây luôn là một vấn đề có tính mấu chốt trong đàm phán giữa giới chức ngoại giao hai bên từ nhiều tháng qua.

Chia sẻ quan điểm trên, Giáo sư Han Tae Kyu, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hàn Quốc, cũng cho rằng trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tới đây, Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ phải đưa ra các thỏa thuận rất cụ thể.

Cùng chung nhận định, Tiến sỹ Tae Ik Chung, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Tổng thống Hàn Quốc, nói thêm: “Nếu hai bên không đạt thỏa thuận nào thì hậu quả sẽ rất lớn, gây ra vấn đề khó khăn cho cả Tổng thống Mỹ Donald và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Do đó, tôi nghĩ rằng lần này hai bên sẽ đạt được các thỏa thuận rất cụ thể”.

Đức Trí (tổng hợp)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/gioi-phan-tich-du-bao-ket-qua-thuong-dinh-my-trieu-lan-hai-tai-viet-nam-87771.html