Giới nhà giàu mua kim cương để bớt buồn chán khi cách ly

Theo Bloomberg, đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế nhưng nhu cầu trang sức kim cương vẫn gia tăng vì giới nhà giàu cần đồ trang sức để 'kéo tâm trạng'.

Catharine Becket, chuyên gia tại hãng bán đấu giá Sotheby’s, phụ trách bán đồ trang sức ở New York, đang tìm cách bán chiếc vòng kim cương được sản xuất từ những năm 1930 của Cartier. “Chúng tôi hy vọng nó được bán đấu giá. Vào mùa đông trước, tôi nói chuyện với khách hàng và cô ấy quyết định đã đến lúc bán”, Bloomberg dẫn lời Catharine Becke chia sẻ.

Chiếc vòng tay có tên Tutti Frutti là một trong những thiết kế dễ nhận biết nhất của Cartier. Một số vòng tay cùng kiểu và cùng thời đã được bán với giá hàng triệu USD.

Khách hàng của Catharine Becke sở hữu chiếc vòng tay từ nhiều năm trước. Sau vài buổi thảo luận, vị khách đồng ý đưa bộ trang sức ra bán đấu giá tại Sotheby’s vào cuối tháng 4. Và rồi đại dịch virus corona ập đến.

Mua kim cương vì buồn chán

Các buổi đấu giá trực tiếp bị hủy, Sotheby’s phải chuyển sang bán hàng trực tuyến. Nền kinh tế toàn cầu đình trệ, thị trường chứng khoán toàn cầu bị giáng đòn mạnh, người dân mắc kẹt ở nhà, thành công của việc bán đồ trang sức trực tuyến dường như rất xa vời.

Becket gọi cho chủ sở hữu chiếc vòng và hỏi có nên tổ chức buổi bán đấu giá muộn hơn hay không. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là doanh số bán đồ trang sức vẫn rất tốt.

Các khách hàng giàu có của Becket chia sẻ rằng họ mua đồ trang sức như một cách để kéo tâm trạng. “Khách hàng đang phải cách ly ở nhà và cuộc sống của họ khá buồn tẻ. Một số người nói rằng họ đeo những viên kim cương lớn trong nhà vì nó mang lại niềm vui”, chuyên gia tại Sotheby’s kể.

 Khách hàng giàu có mua đồ trang sức xa xỉ để bớt buồn chán trong thời gian cách ly. Ảnh: Getty Images.

Khách hàng giàu có mua đồ trang sức xa xỉ để bớt buồn chán trong thời gian cách ly. Ảnh: Getty Images.

Kể từ đầu tháng 3, Sotheby’s đã tổ chức 4 buổi bán hàng trực tuyến. Trong số đó, 92% mặt hàng được bán và 61% mặt hàng vượt quá dự tính của hãng. Tổng doanh thu là 6,1 triệu USD, cao hơn mức dự tính là 5,7 triệu USD.

“Chúng tôi nhận ra tất cả những gì có chất lượng tốt đều hoạt động tốt, thậm chí tốt hơn vài tháng trước”, Becket hào hứng. Chiếc nhẫn kim cương từ những năm 1930 có giá dự đoán 90.000 bảng (110.000 USD) đã được bán với giá 162.000 bảng (200.310 USD).

Một chiếc nhẫn kim cương màu vàng ước tính bán với giá 1,6 triệu HKD (206.427 USD) được người mua trả 2 triệu HKD (258.034 USD). Trong khi đó, một đôi bông tai ngọc lục bảo được bán với giá 50.000 bảng (61.820 USD), cao hơn mức ước tính đến 18.000 bảng (22.260 USD).

Với kết quả này, Becket quyết định gọi lại cho vị khách sở hữu chiếc vòng tay Tutti Frutti và nói rằng kết quả chắc chắn sẽ rất tốt. Vòng sẽ được đấu giá từ ngày 24/4 đến 28/4, mức giá ước tính là 600.000-800.000 USD.

Mua không phải để đầu tư

Doanh số bán trang sức trực tuyến tăng cao, trong khi giá kim cương thô giảm 15-25%, theo báo cáo của Rapaport Research. Nhu cầu kim cương đã mài cũng giảm mạnh.

Kim cương mài xuất khẩu từ Ấn Độ đã giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các chuyến hàng từ Bỉ và Israel giảm lần lượt 38% và 73%.

Hàng tồn kho của các hãng sản xuất tăng cao, nguồn cung có sẵn trong khi nhu cầu đóng băng. “Chúng tôi ước tính tồn kho sẽ tăng 20% từ đầu năm đến giữa tháng 3”, báo cáo nêu.

Nếu người mua đang tìm kiếm một tài sản để đầu tư, kim cương không phải một lựa chọn an toàn.

“Tôi không nghĩ rằng mọi người mua kim cương vì mục đích đầu tư. Nhưng nhu cầu vẫn tăng mạnh. Đối với nhiều người, nguồn gốc xuất xứ hấp dẫn, nhà sản xuất uy tín hoặc sự độc đáo về thẩm mỹ là các yếu tố hấp dẫn”, Becket chia sẻ.

Những món đồ trang sức có giá hàng trăm nghìn USD. Ảnh: Bloomberg.

Vòng tay Tutti Frutti là một trường hợp điển hình. Những viên đá trong chiếc vòng có giá trị không cao do Cartier cố tình chọn đá có màu tương phản với các viên kim cương.

Câu hỏi được đặt ra là người mua có sẵn sàng chi gần 1 triệu USD cho một chiếc vòng họ chưa từng nhìn thấy. Thông thường, khách hàng chỉ mua những món đồ họ cảm thấy quen thuộc.

Tuy nhiên, trong các cuộc bán đấu giá vừa qua, Becket đã chứng kiến thành công bất ngờ. Một đôi bông tai nhiều màu tưởng rằng không bán được bỗng nhiên đắt khách, theo Becket.

“Nếu những món hàng tiếp theo vẫn được bán tốt, điều đó có nghĩa là trong bối cảnh đại dịch, mọi người càng trở nên thoải mái hơn khi mua đồ trực tuyến”, cô bình luận.

Cao Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-nha-giau-mua-kim-cuong-de-bot-buon-chan-khi-cach-ly-post1076730.html