Giới lập pháp Nhật – Hàn nhất trí phá vỡ thế bế tắc quan hệ song phương

Các nhà lập pháp Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 1/11 đã nhất trí cùng làm việc hướng tới xóa bỏ tình trạng căng thẳng và hàn gắn mối quan hệ song phương vốn đang ở giai đoạn xấu nhất trong nhiều năm.

Quốc kỳ Nhật Bản và Hàn Quốc bên ngoài một cửa tiệm ở khu Shin Okubo, Tokyo. Ảnh: AP

Quốc kỳ Nhật Bản và Hàn Quốc bên ngoài một cửa tiệm ở khu Shin Okubo, Tokyo. Ảnh: AP

“Vai trò của chúng tôi là xây dựng một khuôn khổ hợp tác, chứ không phải xung đột”, ông Fukushiro Nukaga - Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Nhật Bản-Hàn Quốc – phát biểu tại cuộc gặp với các nghị sĩ Hàn Quốc tại trụ sở Quốc hội.

“Bây giờ, chúng ta nên đưa ra những lựa chọn đúng đắn có thể giúp chúng ta phá vỡ bế tắc và tìm lối đi hướng đến giải pháp”, ông Nukaga nói.

Người đồng cấp Hàn Quốc của ông là ông Kang Chang-il cho biết các quan hệ song phương đang “trong tình thế khó khăn khi một cuộc tranh cãi về vấn đề lịch sử đã lan rộng sang lĩnh vực kinh tế và an ninh”. Theo ông Kang, nhằm giải quyết tranh cãi về vấn đề trên, hai bên cần tiếp tục đối thoại.

Cuộc gặp trên diễn ra một tuần sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Nak-yon. Hai bên đều ra tuyên bố thể hiện mong muốn hàn gắn quan hệ. Ông Lee đã chuyển một bức thư của Tổng thống Moon Jae-in cho ông Abe. Theo hãng thông tấn Yonhap, bức thư miêu tả Nhật Bản là một đối tác quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình dài lâu với Triều Tiên cũng như kêu gọi nỗ lực giải quyết những bất đồng giữa hai nước.

Căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng này đã leo thang từ tháng 10/2018 khi Tòa án tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những người lao động cưỡng bức thời kỳ thuộc địa 1910 – 1945 trên Bán đảo Triều Tiên.

Nhật Bản khẳng định vấn đề bồi thường đã được dàn xếp ổn thỏa khi hai nước thiết lập quan hệ dựa theo thỏa thuận năm 1965, với việc Tokyo cấp 500 triệu USD cho Seoul để “hợp tác kinh tế” gồm các khoản trợ cấp và cho vay lãi suất thấp nhằm hỗ trợ các nạn nhân của các chính sách khác nhau thời chiến tranh.

Tình hình quan hệ giữa Tokyo – Seoul ngày càng xấu đi theo thời gian sau khi Nhật Bản mới đây xóa Hàn Quốc khỏi danh sách đối tác thương mại tin cậy cũng như áp đặt lệnh kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn đối với một số vật liệu công nghệ cao quan trọng trong ngành sản xuất điện tử và màn hình của Hàn Quốc. Đáp lại, Hàn Quốc cũng gạch tên Nhật Bản khỏi “danh sách trắng” đối tác thương mại của nước này.

Cuộc gặp giữa các nhà lập pháp hai nước được dự kiến tổ chức vào tháng 9 song đã bị lùi ngày sau khi Hàn Quốc tuyên bố hồi tháng 8 rằng nước này sẽ chấm dứt hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự song phương liên quan đến các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên. Thỏa thuận Bảo mật Thông tin Quân sự, hay GSOMIA, sẽ hết hạn trong tháng này.

Mới đây, hãng tin Kyodo cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc đã bắt đầu tìm kiếm cách thức giải quyết những tranh cãi kéo dài nhiều tháng qua và một trong các lựa chọn là việc thành lập một quỹ cung cấp tài chính cho hoạt động hợp tác kinh tế.

Theo ý tưởng này, chính phủ và các doanh nghiệp tại Hàn Quốc thành lập một quỹ và các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đóng góp về tài chính để quỹ này có thể được sử dụng dưới danh nghĩa hợp tác kinh tế, chứ không phải là khoản bồi thường cho người lao động thời kỳ chiến tranh.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/gioi-lap-phap-nhat-han-nhat-tri-pha-vo-the-be-tac-quan-he-song-phuong-20191101161437347.htm