Giới khoa học nghiên cứu vaccine chống lại mọi chủng virus corona

Các nhà nghiên cứu đã thí nghiệm thành công trên động vật và hy vọng về loại vaccine duy nhất, có thể chống lại các chủng virus corona hiện tại cũng như tương lai.

Mới đây, Việt Nam hoàn thành thử nghiệm vaccine Covid-19 Nano Covax trên người giai đoạn một. Kết quả bước đầu cho thấy vaccine này an toàn và có hiệu quả miễn dịch trên biến chủng SARS-CoV-2 mới.

Phát minh ra vaccine ngừa Covid-19 được xem là cột mốc quan trọng với lịch sử y học. Bởi nhiều nơi đã cho thấy khả năng vượt trội khi mà điều chế thành công chế phẩm sinh học vốn mất hàng thập kỷ nghiên cứu chỉ sau vài tháng.

Nhưng với tiến sĩ Kayvon Modjarrad, Giám đốc Trung tâm Emerging Infectious Diseases Branch, Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed, Silver Springs, Mỹ: “Điều đó không đủ mạnh bởi hơn 2,3 triệu người trên toàn cầu đã chết vì căn bệnh này và nhiều quốc gia thiếu vaccine trầm trọng”, ông nói.

Vị chuyên gia này cũng lo ngại nhiều đợt bùng phát virus corona nữa trong tương lai. Mỗi chủng virus có thể sẽ lại là thách thức với thế giới, thậm chí trở thành đại dịch nguy hiểm như Covid-19. Tiến sĩ Modjarrad là một trong nhiều nhà khoa học kêu gọi tìm ra loại vaccine duy nhất có thể chống lại mọi chủng virus corona.

 Y tá Tara Gallion chuẩn bị được tiêm các liều vaccine Covid-19 của Moderna ở Mound Bayou, Mississippi, Mỹ vào tháng trước. Ảnh: The New York Times.

Y tá Tara Gallion chuẩn bị được tiêm các liều vaccine Covid-19 của Moderna ở Mound Bayou, Mississippi, Mỹ vào tháng trước. Ảnh: The New York Times.

Nhiều chủng virus corona từng gây bệnh cho con người

Năm 1960, chủng virus corona đầu tiên được xác định. Tuy nhiên, nó chỉ gây cảm lạnh nhẹ. Năm 2002, loại virus corona mang tên SARS xuất hiện, gây nên hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng. Lúc này, các nhà khoa học đã cố gắng tạo ra vaccine chống lại nó.

10 năm sau, sự nguy hiểm của virus corona càng trở nên rõ ràng hơn khi một chủng virus nhảy từ dơi sang người và gây căn bệnh hô hấp chết người khác - MERS.

Tuy nhiên, dịch bệnh nhanh chóng qua đi khi mà con người lại phải đối mặt các virus khác như Ebola Zika. Dự án của tiến sĩ Modiarrad cũng gần như đóng băng.

Cho đến hơn 2 năm sau, loại virus corona nguy hiểm thứ 3 xuất hiện. Không ai khác chính là SARS-CoV-2 – chủng virus gây bệnh Covid-19. nCoV đã cho thấy khả năng lây lan nhanh không tưởng, gây bệnh cho 106 triệu ca trên toàn cầu.

Đứng trước tình huống cấp bách này, nhiều nhà sản xuất buộc phải đẩy nhanh quá trình điều chế vaccine Covid-19. Trước đây, kỷ lục vaccine nghiên cứu và thử nghiệm trong thời gian ngắn nhất là loại ngừa bệnh thủy đậu. Tổng thời gian nghiên cứu, điều chế và đưa ra tiêm chủng hàng loạt là 4 năm.

Nhưng ngày nay, nhiều vaccine Covid-19 chỉ mất vài tháng đến hơn một năm. Chẳng hạn như vaccine Covid-19 của Pfitzer và BioNTech phối hợp sản xuất. Nó tạo ra phân tử di truyền RNA mã hóa protein đột biến. Vaccine của họ được sử dụng sau 11 tháng phát triển.

Hình ảnh dưới kính hiển vi điện tử của virus gây ra bệnh MERS. Ảnh: NIAID.

Liều vaccine tất cả trong một?

Giáo sư, tiến sĩ Eric Topol, Viện nghiên cứu Scripps ở San Diego, cho rằng các nhà khoa học nên bắt tay để cùng nhau phát triển dự án vaccine pancoronavirus (tên gọi loại dùng cho các virus của nhánh corona), để điều chế thành công một loại chế phẩm sinh học quý giá với nhân loại.

Cách đây không lâu, các nhà nghiên cứu tại Công ty Vaccine VBI, Cambridge, Anh, đã thay đổi nhỏ trong vaccine pancoronavirus. Đây có thể xem là sự tiếp lửa cho dự án ấp ủ của tiến sĩ Modjarrad.

Họ tạo ra các lớp vỏ giống như virus, nó được gắn với các protein đột biến của 3 chủng corona đã gây bệnh. Đó là SARS, MERS và Covid-19.

Khi các nhà nghiên cứu tiêm vaccine này trên chuột, kết quả đầy khả quan. Chúng tạo ra kháng thể chống lại cả 3 loại virus này. Điều thú vị là vaccine đó cũng có tác dụng với loại virus corona gây cảm lạnh theo mùa (cúm mùa), dù các protein của nó không được mã hóa sẵn trong vaccine.

Tháng trước, nhà sinh học cấu trúc Pamela Bjorkman và đồng nghiệp đã công bố thí nghiệm quy mô lớn hơn về vaccine phổ quát dành riêng cho chủng virus corona. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Science.

Các nhà khoa học chỉ gắn các đầu của protein đột biến từ 8 virus corona khác nhau vào một lõi. Tổ hợp sau khi gắn còn được gọi là hạt nano. Sau khi tiêm các hạt nano này vào chuột, chúng tạo ra kháng thể với tất cả 8 virus corona đã biết.

Đặc biệt, hạt nano nói trên còn có tác dụng với 4 virus corona khác mà các nhà khoa học chưa đưa tín hiệu nhận diện.

Tiến sĩ Modjarrad cũng đang dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại Walter Reed phát triển vaccine khác dựa trên cơ chế hạt nano gắn các mảnh protein. Nó đã cho hiệu quả tích cực trên động vật. Nhóm dự định thử nghiệm lâm sàng trên người vào tháng tới. Vaccine hiện chỉ sử dụng các đoạn protein từ gai của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, tiến sĩ Modjarrad đã chuẩn bị kế hoạch nâng cấp nó thành một vaccine pancoronavirus.

Tiến sĩ Daniel Hoft, Đại học Saint Louis là đại diện khác ấp ủ dự án tương tự các nhà nghiên cứu trên. Ông và cộng sự đang phát triển loại vaccine phổ quát không dựa vào kháng thể với protein đột biến. Nhóm dự án phối hợp cùng Công ty Công nghệ Sinh học Gritstone Oncology, California, Mỹ và tạo ra loại vaccine thúc đẩy tế bào sản sinh protein bề mặt. Chúng có nhiệm vụ cảnh báo hệ thống miễn dịch khi bất kỳ virus nào thuộc nhánh corona xâm nhập.

Các nhà khoa học của dự án này chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng để xem liệu vaccine có hiệu quả chống lại SARS-CoV-2 hay không.

Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới"

Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 522 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, nhiều bệnh nhân ở Quảng Ninh và Hải Dương SARS-CoV-2 chủng mới B117 từ Anh.

Đặc biệt, ngày 31/1, nhóm chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội), đã phát hiện người đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến chủng virus mới từ Nam Phi. Đó là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam.

Các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng. Do đó, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán này.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-khoa-hoc-nghien-cuu-vaccine-chong-lai-moi-chung-virus-corona-post1183002.html