Giới khoa học bàng hoàng trước sức tàn phá của sóng thần Indonesia

Các nhà khoa học vô cùng bất ngờ trước quy mô của đợt sóng thần ở miền Trung đảo Sulawesi, Indonesia tuần qua khi các ngọn sóng cao đạt sức tàn phá vượt những dự đoán thông thường.

“Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có sóng thần nhưng không ngờ quy mô lại lớn như vậy. Khi những thảm họa tầm cỡ này xảy ra, chúng ta thường phát hiện những biến động chưa từng thấy trước đó”.

Đó là nhận định của Jason Patton, chuyên gia địa vật lý học tại hãng tư vấn rủi ro thiên tai Temblor, về thảm họa kép động đất - sóng thần ở miền trung đảo Sulawesi tuần qua.

Trận động đất mạnh 7,5 độ chiều tối 28/9 có tâm chấn nằm sát bờ biển miền trung đảo Sulawesi, cách thành phố Palu gần 80 km về phía đông bắc. Gần 30 phút sau đó, khi cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa Vật lý Indonesia (BMKG) đã rút cảnh báo sóng thần, những cơn sóng cao từ 3 đến 6 m bất ngờ ập vào bờ biển Palu.

Sóng thần phá hủy nhiều nhà cửa, cuốn phăng xe cộ, tàu bè và cướp đi sinh mạng của hàng trăm người.

Sau trận động đất mạnh 7,5 độ chiều tối 28/9, sóng thần ập vào bờ biển miền Trung đảo Sulawesi. Đồ họa: New York Times.

Sau trận động đất mạnh 7,5 độ chiều tối 28/9, sóng thần ập vào bờ biển miền Trung đảo Sulawesi. Đồ họa: New York Times.

Đợt sóng thần “bất thường”

Sóng thần đạt mức độ thảm họa thường chỉ xuất hiện khi xảy ra siêu động đất, khi một diện tích lớn trên lớp vỏ Trái Đất xê dịch theo chiều dọc tại các đường đứt gãy địa chất. Sự dịch chuyển đột ngột này làm khuấy động một lượng nước khổng lồ, tạo ra những đợt sóng di chuyển với vận tốc lớn dưới đáy biển với phạm vi lan tỏa cách tâm chấn hàng nghìn km.

Đơn cử là thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004. Trận siêu động đất với sức mạnh gần 9,1 độ có tâm chấn tại Sumatra đã tạo nên những đợt sóng thần cao đến 30 m, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người tại các vùng duyên hải trải dài từ Indonesia đến tận Nam Phi.

Tuy nhiên, theo trả lời của các nhà địa vật lý học với New York Times, trận động đất ngày 28/9 xảy ra tại vùng có đường đứt gãy địa chất “trượt”, nơi mảng địa chất di chuyển theo chiều ngang. Sự dịch chuyển này thông thường không gây nên sóng thần.

Ông Patton nhận định thảm họa vừa xảy ra tại miền trung Sulawesi là một trường hợp hiếm.

Một cây cầu bắc ngang cửa biển tại thành phố Palu đã bị phá hủy hoàn toàn sau đợt thảm họa kép động đất - sóng thần ngày 28/9 ở miền trung đảo Sulawesi, đảo lớn thứ 4 của Indonesia. Ảnh: Reuters.

Những đường đứt gãy “trượt” đôi khi cũng tạo ra chuyển động theo trục dọc và khiến nước biển dịch chuyển. Ngoài ra, đáy biển ở khu vực chấn động rộng hơn 110 km có thể gồm nhiều phần với chênh lệch độ sâu lớn. Điều này cũng có thể tạo ra sóng thần.

Bên cạnh đó, sóng thần cũng có thể được tạo nên một cách gián tiếp. Sự rung chuyển dữ dội trong lòng đất nhiều khả năng gây ra lở đất dưới đáy biển, làm khuấy động đại dương và tạo ra sóng lớn. Những vụ việc tương tự từng xảy ra trong quá khứ, đơn cử là sóng thần sau trận động đất 9,2 độ năm 1964 ở Alaska.

“Chúng ta sẽ không thể biết rõ nguyên nhân sóng thần cho đến khi nghiên cứu lòng biển khu vực”, ông Patton nhận định.

Một nguyên nhân khác khuếch đại mức độ tàn phá của đợt sóng thần ngày 28/9 là đặc điểm địa lý của Palu nằm ở cuối một vịnh hẹp. Đường bờ biển và hình dạng đáy vịnh góp phần tập trung sức mạnh của những con sóng cao từ 3 đến 6 m, gia tăng vận tốc và chiều cao khi di chuyển vào bờ.

Thành phố Cresent, bang California, Mỹ cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Lịch sử thành phố ghi nhận từng hứng chịu hơn 30 đợt sóng thần, vì địa hình đáy biển và vị trí đặc biệt của vùng có khả năng “thu hút” sóng thần.

“Đây là một sự kiện vô cùng bất thường. Các hình ảnh vệ tinh, những đoạn video của các nhân chứng đều cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường mà các nhà khoa học sẽ cần nhiều tháng để làm sáng tỏ”, Adam Switzer, chuyên gia sóng thần tại Đài quan sát Trái đất ở Singapore, nhận định.

Một tàu cá bị sóng thần cuốn lên bờ biển tại vùng Donggala, miền trung đảo Sulawesi. Ảnh: Reuters.

Phán đoán sai tình hình?

Các chuyên gia nhận định số người tử vong cao phần nào phản ánh thực trạng yếu kém của hệ thống phát hiện và cảnh báo sóng thần ở Indonesia.

Một số cộng đồng sống ven biển miền trung đảo Sulawesi, trong đó có vùng Donggala ở cửa ngõ Vịnh Palu, cũng chịu sức tàn phá kinh hoàng của thảm họa kép động đất – sóng thần ngày 28/9 nhưng chưa được thống kê cụ thể. Các nỗ lực tìm kiếm cứu hộ vẫn đang tập trung ở thành phố Palu với dân số hơn 350.000 người.

Vì Palu nằm quá gần vị trí tạo ra sóng thần, người dân thành phố không có nhiều thời gian để thoát thân. BMKG có phát cảnh báo sóng thần vào thời điểm động đất xảy ra nhưng đã quyết định dỡ bỏ thông báo khoảng 30 phút sau đó. Gần như cùng lúc, sóng thần ập vào thành phố Palu.

Theo CNN, nhiều chuyên gia chỉ trích rằng BMKG đã rút cảnh báo quá sớm. Trong khi đó, phía cơ quan chính phủ Indonesia khẳng định gỡ báo động chỉ sau khi sóng thần đã đánh vào Palu.

Lãnh đạo BMKG Dwikorita Karnawati nói các chỉ trích nhắm vào cơ quan chính phủ là “không chính xác”. Bà nhấn mạnh việc dự báo sóng thần phụ thuộc nhiều vào các hệ thống máy tính và thuật toán trí tuệ nhân tạo.

“Hệ thống cảnh báo được tắt với sự đồng thuận của 28 quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương”, Karnawati bổ sung.

Indonesia đang sử dụng các thiết bị địa chấn ký, xác định vị trí toàn cầu và đo thủy triều để phát hiện sóng thần. Tuy nhiên, bà Louise Comfort, giảng viên Đại học Pittsburg, cho rằng mức độ hiệu quả của các thiết bị trên vẫn còn nhiều hạn chế. Bà đang tham gia một dự án hỗ trợ Indonesia cập nhật các cảm biến sóng thần thế hệ mới.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến thị sát chiến dịch cứu hộ tại Palu và thăm hỏi người dân vào ngày 30/9. Ảnh: Reuters.

Tại Mỹ, Cơ quan Biển và Khí tượng Quốc gian (NOAA) có một mạng lưới dự báo tinh vi gồm 39 cảm biến đặt dưới lòng biển. Các thiết bị này có thể ghi nhận những thay đổi áp suất cực nhỏ báo hiệu sự di chuyển của sóng thần dưới đáy đại dương. Dữ liệu thu thập sau đó được truyền đi bằng tín hiệu vệ tinh và phân tích để đưa ra cảnh báo nếu cần thiết.

Supoto Purwo Nugroho, người phát ngôn Cơ quan Cứu trợ Thảm họa (BNBP), cho biết Indonesia cũng có 22 cảm biến tương tự. Tuy nhiên, những thiết bị này đã không còn sử dụng được trong suốt 6 năm qua vì không có sự bảo trì đúng cách hoặc các bộ phận đắt giá bị đánh cắp.

Dự án của bà Comfort sẽ sử dụng các cảm biến ngầm thay cho dạng phao nổi trên mặt nước, tránh nguy cơ thiết bị va chạm với tàu bè hoặc phá hoại.

Giây phút sóng thần tấn công thành phố 600.000 dân ở Indonesia Trận động đất 7,7 độ hôm 28/9 tạo ra sóng thần cao 2 m tấn công thành phố Palu với 600.000 dân ở Indonesia. Thiệt hại từ động đất và sóng thần hiện chưa thể tính toán hết.

Thanh Danh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gioi-khoa-hoc-bang-hoang-truoc-suc-tan-pha-cua-song-than-indonesia-post881254.html