Giới hạn 'trần' sở hữu

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi cơ quan chức năng góp ý về việc nên hay không nên nới giới hạn 'trần' sở hữu nhà trong dự án nhà ở thương mại với tổ chức, cá nhân nước ngoài và việc mua căn hộ du lịch (condotel).

Theo lập luận của HoREA, thị trường không có “làn sóng” người nước ngoài ồ ạt mua nhà tại nước ta như một số ý kiến lo ngại. Các chủ đầu tư dự án nhà ở đã chấp hành nghiêm túc quy định giới hạn “trần” 30% số lượng căn hộ được bán cho người nước ngoài.

Bởi, 5 năm qua, 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn mới bán được tổng cộng 12.335 ngôi nhà, căn hộ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Ước tính tổng số lượng nhà mà người nước ngoài sở hữu trong 5 năm qua trên phạm vi cả nước vào khoảng 16.000 căn. Đối chiếu với số lượng 3,774 triệu căn nhà được phát triển trong 10 năm qua, thì số lượng nhà mà người nước ngoài đã mua chỉ chiếm 2% tổng số nhà ở của cả nước.

HoREA cũng khẳng định, chỉ những dự án khu đô thị, khu dân cư, khu nhà chung cư cao cấp, hiện đại, có đầy đủ dịch vụ, tiện ích, mới thu hút được người nước ngoài chọn cư trú hoặc mua nhà.
Tuy nhiên, nhận định của HoREA chưa làm cho dư luận an lòng, vì Bộ Quốc phòng đã cảnh báo: Tính đến ngày 30-11-2019, có 149 doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài (92 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, 57 doanh nghiệp vốn liên doanh) đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22 tỉnh, thành phố. Trong đó, khu vực biên giới biển có 125 doanh nghiệp.

Đáng lo ngại là các doanh nghiệp này có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam như: sử dụng lao động nước ngoài trái phép, không khai báo; đưa lao động nhập cảnh dưới hình thức du lịch; trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường; đầu tư “núp bóng” danh nghĩa doanh nghiệp Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, nhiều doanh nghiệp dưới vỏ bọc kinh doanh, sản xuất nhưng đã có hoạt động tội phạm công nghệ cao, sản xuất ma túy...

Các cơ quan chức năng lưu ý, nhiều cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài đã lợi dụng việc phía Việt Nam góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp. Sau một thời gian, bằng nhiều cách, họ tăng vốn, giành quyền điều hành doanh nghiệp. Do tài sản góp vốn là đất, nên quyền đứng tên sử dụng các lô đất rơi vào tay người nước ngoài.

Ngoài ra, một số trường hợp cá nhân người Việt Nam được người Trung Quốc đầu tư tiền mua đất, đứng tên sở hữu nhiều lô đất ở vị trí đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

Không phủ nhận chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà ở bước đầu đã có tác động tích cực đối với thị trường bất động sản, nhưng theo các chuyên gia, cần giới hạn “trần” số lượng nhà ở người nước ngoài được sở hữu trong một dự án. Đồng thời, chưa cho phép người nước ngoài mua và sở hữu căn hộ condotel. Thay vào đó, người nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, thì thực hiện theo phương thức đầu tư tài chính theo quy định của Luật Đầu tư 2020.

Thiết nghĩ, những cảnh báo của Bộ Quốc phòng cần được các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương đặc biệt lưu ý, chấn chỉnh. Nhà đầu tư không được đăng ký, chấp thuận hoặc bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng và môi trường.

Đặc biệt, dự án của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển và khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh phải được chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gioi-han-tran-so-huu-post432307.html